Hỗ trợ nông nghiệp phát triển bền vững

Sau 5 năm (2014 - 2019) thực hiện các chính sách hỗ trợ của HĐND tỉnh lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn, huyện Mường La đã dần hình thành một số vùng sản xuất nông sản tập trung, quy mô hàng hóa theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ cho hiệu quả kinh tế cao; các HTX, hộ gia đình đẩy mạnh hơn công tác ứng dụng khoa học kỹ thuật, liên kết sản xuất theo chuỗi và tìm kiếm thị trường ổn định cho sản phẩm nông sản...

Mô hình nuôi cá lồng của hộ dân bản Phiêng - Hua Là, xã Mường Trai (Mường La).

Mô hình nuôi cá lồng của hộ dân bản Phiêng - Hua Là, xã Mường Trai (Mường La).

HTX Hưng Thịnh (xã Mường Bú) là một trong những đơn vị vươn lên mạnh mẽ nhờ các chính sách hỗ trợ của tỉnh và huyện, chuyên sản xuất, cung ứng các loại trái cây chất lượng cao. Ông Nguyễn Đình Hướng, Chủ tịch HĐQT kiêm Giám đốc HTX, chia sẻ: Thành lập từ năm 2013, HTX hiện có 20 thành viên, chăm sóc hơn 70 ha cây ăn quả các loại theo tiêu chuẩn VietGAP. Riêng năm 2018, HTX đạt sản lượng trên 500 tấn sản phẩm quả, doanh thu hơn 15 tỷ đồng. Chúng tôi thường xuyên tham gia các hội chợ thương mại; được hỗ trợ tiếp cận và làm chủ quy trình sản xuất VietGAP; các sản phẩm quả được kiểm định và cấp mã QR, dán tem truy xuất nguồn gốc và tham gia chuỗi liên kết nông sản... đầu ra sản phẩm của HTX khá ổn định.

Với quan điểm phát triển nông nghiệp theo chuỗi giá trị, bền vững, gắn với xây dựng nông thôn mới, bảo vệ môi trường, những năm qua, Mường La chủ động xây dựng kế hoạch triển khai đồng bộ, hiệu quả các chính sách hỗ trợ phát triển nông nghiệp, nông thôn của tỉnh. Đặc biệt là Nghị quyết số 28/2017/NQ-HĐND ngày 15/3/2017 của HĐND tỉnh quy định mức hỗ trợ cải tạo vườn tạp và trồng cây ăn quả trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 76/2018/NQ-HĐND ngày 04/04/2018 của HĐND tỉnh hỗ trợ phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ nông sản, thực phẩm an toàn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018-2022...; Mường La đã thành lập tổ tư vấn các chính sách hỗ trợ phát triển HTX, phát triển sản xuất nông nghiệp và Tổ tư vấn hướng dẫn các xã, thị trấn triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo nhanh và bền vững.... Cùng với đó, lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất cấp huyện, cấp xã; quy hoạch vùng trồng cây ăn quả, phát triển cây dược liệu, nuôi thủy sản, chăn nuôi..., góp phần sắp xếp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi hợp lý, đảm bảo phù hợp điều kiện từng địa phương, nằm trong sự phát triển chung của tỉnh.

Các chính sách hỗ trợ của tỉnh, huyện đã thực sự tạo sức bật cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn huyện Mường La. Giai đoạn 2014 - 2019, gần 3.600 hộ dân được hỗ trợ ghép mắt cải tạo hàng chục ha cây ăn quả trị giá trên 700 triệu đồng; trồng mới gần 55 ha xoài GL4, bưởi da xanh cho các hộ ở các bản của xã Pi Toong, thị trấn Ít Ong; hỗ trợ 1 tỷ đồng cho 5 HTX phát triển cây trồng, vật nuôi; hỗ trợ 600 triệu đồng cho HTX thủy sản Nậm Giôn và HTX Nông lâm thủy sản Chiềng Lao làm 120 lồng nuôi cá trên lòng hồ sông Đà; trên 121 nghìn lượt hộ chăn nuôi gia súc, gia cầm được hỗ trợ hóa chất phun tiêu độc, khử trùng, tiêm vắc-xin phòng bệnh đàn vật nuôi; hỗ trợ gần 400 triệu đồng tem nhãn và xuất khẩu quả xoài cho HTX Hưng Thịnh, HTX Đoàn Kết... Ngoài ra, hàng nghìn hộ dân được hỗ trợ bò sinh sản, giống cây trồng, vật nuôi, máy công cụ sản xuất, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật..., toàn huyện hiện có 3.260 ha cây ăn quả (tăng 736 ha so với năm 2014), sản lượng quả 13.350 tấn. Đặc biệt, từ năm 2018, sản phẩm xoài LG4, nhãn ghép trồng theo tiêu chuẩn VietGAP đã có mặt trong hệ thống các siêu thị lớn trong và ngoài tỉnh. Năm 2019, xuất khẩu gần 840 tấn xoài, 15 tấn nhãn theo đường chính ngạch sang Trung Quốc; 500 tấn xoài, 4.000 tấn chuối và 30 tấn mận hậu xuất khẩu theo đường tiểu ngạch. Nuôi cá lồng trên lòng hồ các công trình thủy điện tăng từ 88 lồng lên 841 lồng. Cùng với đó, huyện đã thành lập mới 35 HTX hoạt động lĩnh vực nông nghiệp. Thông qua thực hiện chính sách, chương trình OCOP, tinh dầu sả Java của HTX tinh dầu dược liệu Mường La được bình chọn là sản phẩm tiêu biểu của huyện và là sản phẩm OCOP cấp tỉnh.

Ông Nguyễn Văn Tâm, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện, khẳng định: Các chương trình hỗ trợ theo Nghị quyết của HĐND tỉnh bước đầu đã mang lại hiệu quả kinh tế, tạo điều kiện cho HTX, các hộ dân tiếp cận các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất, từng bước chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có năng suất, chất lượng cao và giá trị cạnh tranh trên thị trường. Dù vậy, chúng tôi nhận rõ quá trình triển khai các chính sách hỗ trợ vẫn còn nhiều khó khăn do địa bàn rộng, giao thông không thuận lợi, khí hậu, thời tiết, dịch bệnh diễn biến bất thường; một số sản phẩm nông nghiệp còn khó khăn về thị trường, chưa có mối liên kết chặt chẽ trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm... những điều này cần được khắc phục trong thời gian tới, để các chính sách khuyến khích phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh thực sự tạo sức bật cho nông nghiệp, nông thôn huyện Mường La; thúc đẩy sản xuất theo hướng hàng hóa tập trung, phát triển thêm nhiều mô hình cây trồng, vật nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Minh Thu

Nguồn Sơn La: http://www.baosonla.org.vn/vi/bai-viet/ho-tro-nong-nghiep-phat-trien-ben-vung-29718