Hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp: Nhu cầu bức thiết
Công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được các cấp, các ngành trong tỉnh tích cực triển khai. Nhờ đó, hầu hết doanh nghiệp hoạt động theo đúng quy định của pháp luật.
Toàn tỉnh có khoảng 7.500 doanh nghiệp, trong đó có 98% doanh nghiệp vừa và nhỏ. Trong số này đa phần chưa có nhân viên pháp chế chuyên trách để tham mưu các vấn đề pháp lý cho lãnh đạo doanh nghiệp. Nhằm nâng cao hiểu biết pháp luật cho doanh nghiệp, phòng ngừa rủi ro trong hoạt động sản xuất kinh doanh, 5 năm qua, các sở, ngành đã tổ chức trên 100 hội nghị, lớp tập huấn kiến thức pháp luật, kỹ năng nghiệp vụ liên quan đến pháp luật về doanh nghiệp với hơn 9.300 lượt người tham dự.
Ông Phùng Văn Phước-Trưởng phòng Đăng ký kinh doanh (Sở Kế hoạch và Đầu tư) cho hay: “Chúng tôi luôn tạo thuận lợi cho doanh nghiệp từ khâu tư vấn, hỗ trợ thành lập cho đến những vấn đề phát sinh trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Với vai trò đầu mối, Sở cũng tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp, đồng thời phối hợp với các sở, ngành liên quan để hỗ trợ những vấn đề liên quan tới pháp lý cho doanh nghiệp. Hàng năm, Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh triển khai các lớp đào tạo về chuyên đề khởi sự doanh nghiệp, quản trị doanh nghiệp, đào tạo nghiệp vụ đấu thầu... với khoảng 7 lớp/năm cho khoảng 400 lượt học viên”.
Ngoài ra, các cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh đã tiếp nhận nhiều văn bản đề nghị tư vấn, hướng dẫn liên quan đến việc thực hiện quy định pháp luật và thủ tục hành chính. Một số cơ quan, đơn vị thành lập đường dây nóng nhằm tiếp nhận thông tin, phản ánh, kiến nghị của doanh nghiệp, tổ chức và cá nhân. Qua đó, những khó khăn, vướng mắc, ý kiến của doanh nghiệp đều được giải đáp thông qua hình thức văn bản, đường dây nóng, hộp thư điện tử, tại các hội nghị hoặc qua các đợt thanh tra, kiểm tra tại doanh nghiệp.
Ông Nguyễn Hoàng Phước-Phó Giám đốc Nhà máy Đường An Khê-cho hay: “Niên vụ 2019-2020, Công ty cổ phần Đường Quảng Ngãi đã lập hồ sơ báo cáo xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường cho 2 lò hơi công suất 200 tấn/giờ. Tuy nhiên, Nhà máy Điện sinh khối chỉ hoạt động 1 lò nên đã lấy mẫu lò hơi này. Còn trong niên vụ 2020-2021, Nhà máy tiếp tục lấy mẫu lò hơi thứ 2 để bổ sung vào hồ sơ báo cáo xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, chúng tôi không biết làm như thế thì có phù hợp với quy định không? Ngoài ra, Nhà máy Điện sinh khối và Nhà máy Đường An Khê chỉ hoạt động từ tháng 12 đến tháng 4 năm sau. Trong khi đó, để lập hồ sơ báo cáo xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường thì công trình đó phải hoạt động liên tục 3-6 tháng. Vậy chúng tôi phải hoàn thiện hồ sơ như thế nào? Đó là những thắc mắc mà đơn vị vừa gửi đến ngành chức năng nhờ giúp đỡ”. Ông Phước cho biết thêm: “Ngay sau khi nhận được thắc mắc, kiến nghị của doanh nghiệp, Sở Tài nguyên và Môi trường đã kịp thời có văn bản phản hồi, hỗ trợ để đơn vị hoàn thiện hồ sơ xác nhận hoàn thành các công trình bảo vệ môi trường theo quy định”.
Tương tự, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, doanh thu của hầu hết các doanh nghiệp đều giảm, kéo theo việc thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước gặp khó khăn. Chính vì vậy, mới đây, Công ty TNHH một thành viên Xăng dầu Bắc Tây Nguyên đã kiến nghị UBND tỉnh xem xét, chỉ đạo các ngành có liên quan tạo điều kiện cho doanh nghiệp được giảm, giãn, hoãn và chậm nộp một số loại thuế. Ngay sau khi nhận được kiến nghị, Cục Thuế tỉnh cũng nhanh chóng có câu trả lời thỏa đáng cho doanh nghiệp.
Tuy nhiên, trên thực tế, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp vẫn còn những hạn chế nhất định. Phần lớn các tài liệu hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được xây dựng theo các hình thức truyền thống (sổ tay, tờ gấp...). Cán bộ, công chức hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp tại các cơ quan, đơn vị phần lớn là kiêm nhiệm nên còn hạn chế về thời gian để tìm hiểu cũng như tham mưu triển khai công tác này. Mặt khác, đa phần doanh nghiệp chưa chủ động tìm hiểu quy định pháp luật, còn đặt nặng vấn đề lợi ích trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, chưa tham gia, tham dự đầy đủ các lớp tập huấn, phổ biến pháp luật liên quan đến đơn vị...
Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 64/2021/TT-BTC ngày 29-7-2021 hướng dẫn lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước phục vụ hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa. Theo ông Phùng Văn Phước, với việc bố trí nguồn kinh phí đầy đủ, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp sẽ đạt hiệu quả, tạo điều kiện để đơn vị hoạt động thuận lợi, ổn định hơn.