Hỗ trợ phát triển công nghiệp bền vững hơn
Sản xuất công nghiệp của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2024 đạt nhiều kết quả tích cực. Các cấp, các ngành, địa phương hỗ trợ doanh nghiệp (DN) để tiếp tục đà phục hồi từ quý I và tăng trưởng mạnh hơn trong quý II-2024.
Sản xuất công nghiệp tăng trưởng ổn định
Theo Sở Công thương, chỉ số sản xuất công nghiệp của tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2024 ước tăng 5,63% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng 5,42%; ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước và điều hòa không khí tăng 14,73%…
Lãnh đạo Sở Công thương làm việc với TP.Thủ Dầu Một, nội dung về phát triển lĩnh vực công thương
Tại cuộc gặp gỡ các hiệp hội ngành hàng để nắm bắt tình hình sản xuất trên địa bàn của ngành công thương mới đây, đa số các DN, hiệp hội cho biết từ đầu năm đến nay, tình hình sản xuất, xuất khẩu có tín hiệu khả quan, các DN đã có nhiều đơn hàng xuất khẩu hơn. Nguồn lao động ổn định, không còn khan hiếm như các năm trước cũng là một thuận lợi đối với các DN sản xuất.
Ông Phan Thành Đức, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần May mặc Bình Dương (TP.Thuận An), cho biết để đáp ứng yêu cầu từ khách hàng, DN cần có những thay đổi mạnh mẽ trong sản xuất. Việc ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất sẽ giúp các DN ngành dệt may giảm chi phí, nâng cao năng suất, tạo ra những sản phẩm chất lượng đáp ứng nhu cầu thị trường hiện nay.
Tại nhiều địa phương trong tỉnh, sản xuất công nghiệp có mức tăng trưởng khá. Cụ thể, tại TP.Thủ Dầu Một, trong 6 tháng đầu năm giá trị sản xuất công nghiệp ước đạt 37.406,71 tỷ đồng, tăng 26,87% so với cùng kỳ năm 2023.
UBND TP.Thủ Dầu Một đã chỉ đạo triển khai quyết liệt các giải pháp để thực hiện nhiệm vụ công tác cải cách hành chính, chuyển đổi số ngay từ đầu năm với tinh thần khẩn trương, quyết liệt, thực hiện đúng quy định về trình tự giải quyết thủ tục hành chính theo cơ chế một cửa, một cửa liên thông. Thành phố cũng chỉ đạo tăng cường hướng dẫn hỗ trợ người dân, DN tiếp cận, sử dụng dịch vụ công trực tuyến bảo đảm lộ trình thực hiện đã đề ra trong năm 2024.
“Để phát triển công nghiệp bền vững, UBND thành phố rà soát, phê duyệt đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP trên địa bàn thành phố theo chỉ tiêu, kế hoạch đề ra. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi để phát triển bền vững cho các sản phẩm công nghiệp của địa phương”, ông Võ Chí Thành, Phó Chủ tịch UBND TP.Thủ Dầu Một cho biết.
DN Bình Dương giới thiệu công nghệ bao bì công nghiệp mới tại Triển lãm quốc tế ngành bao bì năm 2024 diễn ra ở Bình Dương vừa qua
Theo ông Võ Văn Hồng, Chủ tịch UBND TP.Dĩ An, 6 tháng đầu năm giá trị sản xuất công nghiệp của thành phố ước đạt hơn 72.000 tỷ đồng. UBND thành phố đã phối hợp với Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh Bình Dương tổ chức hội nghị kết nối ngân hàng - DN địa bàn TP.Dĩ An - TP.Thuận An. Qua đó, lãnh đạo thành phố, ngành ngân hàng nắm bắt kịp thời đề xuất của các hiệp hội ngành gỗ, da giày, bất động sản, đồng thời triển khai các gói tín dụng hỗ trợ nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho DN tiếp cận nguồn vốn, chính sách ưu đãi của ngân hàng để giúp khôi phục sản xuất, kinh doanh.
Thành phố cũng phối hợp với Sở Công thương định hướng cho DN chuyển đổi công năng từ sản xuất sang thương mại - dịch vụ phù hợp quy hoạch đô thị Dĩ An. Đồng thời, lãnh đạo thành phố gặp gỡ, làm việc với nhiều DN nhằm hỗ trợ, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn liên quan đến phòng cháy chữa cháy, đất đai, xây dựng, quy hoạch, chuyển đổi công năng, đầu tư công trình thương mại - dịch vụ...
Chú trọng đổi mới, sáng tạo
Bà Phan Lê Diễm Trang, Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Bình Dương kiến nghị để thúc đẩy sản xuất, xuất khẩu trong 6 tháng cuối năm, ngân hàng cần có chính sách giảm lãi suất, tạo thuận lợi hơn trong tiếp cận các nguồn vốn vay ưu đãi. Các cấp, các ngành hỗ trợ giải quyết vướng mắc về bảo hiểm xã hội cho người lao động, phòng cháy chữa cháy, môi trường, thuế… Đặc biệt, hỗ trợ phát triển thương mại điện tử, chuyển đổi số, do hiện nay những lĩnh vực này chi phí cao.
Đối với xúc tiến thương mại, các cấp, các ngành hỗ trợ DN tăng cường xúc tiến thương mại đến các thị trường chính, như châu Âu, Hoa Kỳ và mở rộng các thị trường mới như Ấn Độ, Trung Đông; tổ chức các chương trình hội chợ trong nước để giải quyết tình trạng hàng tồn kho và hướng đến thị trường tiêu thụ nội địa. Cùng với đó, hỗ trợ về khuyến công, như hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất.
Hoạt động sản xuất tại Công ty TNHH TM SX Danh Tùng (TP.Thuận An)
Lãnh đạo UBND TP.Dĩ An cho biết sẽ tiếp tục chỉ đạo các cơ quan, ban, ngành liên quan và Chi hội Doanh nhân trẻ thành phố rà soát lại tất cả các DN nằm ngoài khu công nghiệp, nắm tình hình hoạt động, gặp gỡ lắng nghe và nắm bắt nhu cầu của DN về cung cầu sản phẩm, nhu cầu về nguồn lao động, vốn... Thành phố cũng xác định những giải pháp cụ thể, khả thi; nắm sát nhu cầu thiết thực của từng DN để xác định cụ thể nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ.
Theo bà Nguyễn Thanh Hà, Phó Giám đốc Sở Công thương, để phấn đấu đạt chỉ tiêu chỉ số sản xuất công nghiệp tăng 8,5% trong năm 2024, từ nay đến cuối năm ngành công thương tiếp tục nâng cao năng lực dự báo xu hướng biến động của nền kinh tế thế giới và trong nước, nhằm kịp thời tham mưu các giải pháp chỉ đạo, điều hành phù hợp với lợi thế sẵn có từng ngành, lĩnh vực của tỉnh.
Bên cạnh đó, ngành công thương tập trung phát triển các ngành, lĩnh vực sản xuất kinh doanh dựa trên đổi mới, sáng tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao, nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học - công nghệ. Nâng cao hiệu quả công tác xúc tiến, nắm tình hình hiệp hội ngành hàng, hội nhập quốc tế, giữ vững môi trường ổn định và thuận lợi để xúc tiến đầu tư, thúc đẩy xuất khẩu, thu hút đầu tư, công nghệ phục vụ phát triển.
Song song đó, ngành công thương triển khai hiệu quả, kịp thời các hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết, giúp DN chủ động xây dựng thương hiệu, nâng cao chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, chủ động nguyên liệu nội khối để được hưởng ưu đãi thuế quan… Đồng thời, ngành công thương phối hợp với các sở, ngành liên quan hỗ trợ DN trong công tác chứng nhận xuất xứ hàng hóa và phòng vệ thương mại đối với hàng xuất khẩu…
Trong 6 tháng đầu năm 2024, giá trị sản xuất các mặt hàng giường, tủ, bàn, ghế của các DN trên địa bàn tỉnh tăng 15,66%; ngành dệt tăng 14,15%; sản xuất da và các sản phẩm có liên quan tăng 18,63%; sản xuất thiết bị điện tăng 11,59% so với cùng kỳ năm 2023…
Nguồn Bình Dương: https://baobinhduong.vn/ho-tro-phat-trien-cong-nghiep-ben-vung-hon-a326900.html