Hỗ trợ phát triển kinh tế cho người dân vùng đệm

ĐBP - Ngoài triển khai thực hiện các giải pháp quản lý, bảo vệ rừng, thời gian qua, Ban Quản lý Khu Bảo tồn thiên nhiên (KBTTN) Mường Nhé đã quan tâm hỗ trợ sinh kế cho đồng bào dân tộc thiểu số sống ở vùng đệm của khu bảo tồn. Việc hỗ trợ, đầu tư giúp đỡ đã tạo việc làm, nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, kinh tế - xã hội của người dân ở các xã vùng đệm, góp phần ổn định tình hình quản lý, bảo vệ rừng trong khu bảo tồn.

Đường nội bản Nậm Pố 4, xã Mường Nhé được bê tông hóa từ một phần kinh phí của chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng.

Ban Quản lý KBTTN Mường Nhé được giao quản lý hơn 45.000ha rừng; trải dài qua 5 xã: Sín Thầu, Leng Su Sìn, Chung Chải, Mường Nhé và Nậm Kè (huyện Mường Nhé). Nhằm quản lý, bảo vệ và phát triển rừng do đơn vị quản lý, Ban Quản lý KBTTN Mường Nhé đã thực hiện nghiêm túc Quyết định số 24/2012/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng giai đoạn 2011 - 2020. Qua đó, các bản vùng đệm khu bảo tồn được hỗ trợ, đầu tư nâng cao năng lực phát triển sản xuất, như: Hỗ trợ hoạt động khuyến nông, khuyến lâm, cây, con giống; thiết bị chế biến nông lâm sản quy mô nhỏ. Ngoài ra, nhiều bản còn được hỗ trợ vật liệu xây dựng cho các công trình công cộng của cộng đồng thôn, bản, công trình nước sạch, điện chiếu sáng, thông tin liên lạc, đường giao thông thôn bản, nhà văn hóa và các công trình khác... Với mức hỗ trợ 40 triệu đồng/bản/năm.

Nhờ có nguồn hỗ trợ, đầu tư phát triển rừng đặc dụng theo Quyết định 24 của Thủ tướng Chính phủ, 2 năm (2018 - 2019), bản Nậm Pố 4, xã Mường Nhé (huyện Mường Nhé) đã có kinh phí mua vật liệu bê tông hóa tuyến đường lên bản. Năm 2020, bản tiếp tục được đầu tư, lắp đặt cổng chào ngay đầu đường vào bản. Ông Giàng Trùng Lầu, bản Nậm Pố 4 (xã Mường Nhé) bày tỏ: “Từ nguồn vốn chính sách phát triển rừng đặc dụng, hàng năm, bản được nhận 40 triệu đồng. Với số tiền ấy, bản đã đề nghị Ban Quản lý KBTTN Mường Nhé hỗ trợ vật liệu xây dựng các công trình cộng đồng như xây dựng, làm đường giao thông nội bản; đầu tư xây dựng cổng bản kết hợp với công trình khác. Ngoài ra, bản cũng đề nghị để được cấp con giống cho bà con chăn nuôi, tạo việc làm và thu nhập, từng bước cải thiện đời sống vật chất”.

Ông Diệp Văn Chính, Giám đốc Ban Quản lý KBTTN Mường Nhé cho biết: Chính sách đầu tư phát triển rừng đặc dụng thời gian qua đã hỗ trợ kịp thời cho nhân dân vùng đệm về cây, con giống; giúp nhân dân có những đoạn đường bê tông, các công trình công cộng của bản. Hiện nay, trên địa bàn 5 xã vùng đệm có 28 bản được hưởng chính sách hỗ trợ. Để triển khai thực hiện hiệu quả, đơn vị đã tổ chức quán triệt, phổ biến các văn bản liên quan, phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng cán bộ, phối hợp với chính quyền xã, bản sở tại xây dựng kế hoạch cụ thể. Tổ chức họp dân để thống nhất hợp phần hỗ trợ. Trong đó, chủ yếu các bản đều đề nghị hỗ trợ con giống, cây giống để phát triển chăn nuôi, trồng trọt; vật liệu xây dựng cho các công trình công cộng, như: Xây nhà văn hóa, đường nội bản… Tuy nhiên, việc đầu tư này vẫn còn nhỏ lẻ, manh mún. Để chính sách có hiệu quả hơn nữa thì Chính phủ cần xem xét tăng mức đầu tư hỗ trợ, hoặc lồng ghép nhiều chương trình dự án để tập trung tài chính thực hiện một nội dung. Ngoài ra, để tạo thêm sinh kế, tư liệu sản xuất để người dân yên tâm gắn bó với rừng, KBTTN Mường Nhé còn thực hiện chi trả đầy đủ, kịp thời, công khai, minh bạch tiền chi trả dịch vụ môi trường rừng. Năm 2020, Ban Quản lý KBTTN Mường Nhé có hơn 35.000ha rừng đủ điều kiện cung ứng dịch vụ môi trường rừng. Hiện KBTTN Mường Nhé đã giao khoán gần 29.000ha cho 38 nhóm nhận khoán.

Mặc dù nguồn vốn còn ít nhưng có thể thấy, từ khi triển khai các chính sách, dự án, mô hình tạo sinh kế cho cộng đồng người dân sống trong vùng đệm đã đáp ứng được nguyện vọng của người dân địa phương. Nhờ có chính sách phát triển kinh tế cho nhân dân vùng đệm, đời sống của người dân đã được cải thiện; góp phần nâng cao ý thức quản lý, bảo vệ rừng trong cộng đồng.

Bài, ảnh: Phạm Quang

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/179573/ho-tro-phat-trien-kinh-te-cho-nguoi-dan-vung-dem