Hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Hiện nay, Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) và miền núi đang được các địa phương tích cực triển khai. Ngoài huy động nguồn lực để đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, việc thúc đẩy phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp theo chuỗi giá trị cũng là một trong những nội dung trọng tâm của chương trình nhằm nâng cao thu nhập, tạo động lực phát triển toàn diện khu vực đồng bào DTTS.
Tam Đảo là huyện miền núi có 42,16% dân số là đồng bào DTTS. Trong những năm gần đây, việc phát huy tiềm năng thế mạnh vùng miền, phát triển sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị được quan tâm đẩy mạnh.
Ngoài phát triển các sản phẩm nông nghiệp có giá trị gia tăng cao và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ vào sản xuất, Tam Đảo còn tập trung phát triển ngành nông nghiệp theo hướng hình thành các vùng tập trung chuyên canh, sản xuất với chế biến và thị trường tiêu thụ, gắn với phát triển du lịch.
Đến nay, trên địa bàn huyện đã có một số vùng sản xuất nông nghiệp tập trung; nhiều mô hình sản xuất theo chuỗi giá trị đã hình thành như sản xuất rau su su, nho hạ đen ở xã Hồ Sơn; sản xuất nấm, đông trồng hạ thảo ở HTX nấm Tam Đảo, thị trấn Hợp Châu; chăn nuôi và sản xuất các sản phẩm từ sữa bò của HTX chăn nuôi bò sữa Tam Đảo, xã Bồ Lý….
Nhờ phát huy tiềm năng lợi thế của mỗi địa phương trong phát triển sản xuất nông nghiệp, giá trị sản xuất của ngành nông - lâm - thủy sản của Tam Đảo trong 3 năm (2021 - 2023) tốc độ tăng trưởng bình quân đạt 3,42%/năm, góp phần đưa thu nhập bình quân đầu người của huyện đến năm 2023 lên 51 triệu đồng.
Nhằm tiếp tục khai thác tiềm năng, lợi thế vùng đồng bào DTTS và miền núi, hiện Tam Đảo đang tích cực triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022 -2025.
Phó Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Tam Đảo Lưu Văn Hương cho biết: "Để thực hiện tốt nội dung hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị trong Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi, từ đầu năm đến nay, huyện đã tiến hành công tác rà soát, đánh giá và lựa chọn 3 mô hình để triển khai trong năm 2023 gồm 2 mô hình trồng cây ăn quả ở thị trấn Đại Đình, xã Minh Quang và 1 mô hình trồng rau an toàn theo hướng VietGAP ở thị trấn Hợp Châu".
Ngoài 3 mô hình tại Tam Đảo, năm 2023, tỉnh dự kiến hỗ trợ 1 mô hình chăn nuôi lợn tại xã Quang Yên (Sông Lô); 2 mô hình cây ăn quả tại xã Trung Mỹ (Bình Xuyên); xã Ngọc Thanh (Phúc Yên). Hiện, Sở NN&PTNT phối hợp với UBND các huyện, thành phố để hướng dẫn việc triển khai thực hiện.
Theo kế hoạch triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia phát triển KT - XH vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Vĩnh Phúc, trong giai đoạn 2022-2025, ngân sách tỉnh sẽ hỗ trợ 11 mô hình chăn nuôi và 11 mô hình trồng cây ăn quả, rau an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP với mức hỗ trợ 50%, tối đa không quá 3 tỷ đồng/mô hình đối với dự án chăn nuôi lợn, 70% không quá 2 tỷ đồng/mô hình dối với dự án trồng cây ăn quả, rau an toàn.
Đây sẽ là động lực lớn để thúc đẩy các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị phù hợp với từng khu vực; khai thác tiềm năng lợi thế theo hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân.
Tuy vậy, việc triển khai nội dung hỗ trợ sản xuất theo chuỗi giá trị hiện đang gặp nhiều khó khăn. Theo Phó Trưởng phòng Chính sách dân tộc, Ban Dân tộc tỉnh Nguyễn Hồng Quân: Qua nắm bắt tình hình tại một số địa phương nhận thấy, quỹ đất thực hiện mô hình khó khăn, nhỏ lẻ, phân tán; quy mô diện tích sử dụng quỹ đất theo điều kiện thực tế ở địa bàn xã miền núi thực hiện mô hình không đảm bảo.
Việc quy hoạch sử dụng đất tại một số địa phương chưa được phê duyệt nên việc lựa chọn địa điểm khó khăn. Suất đầu tư thực hiện mô hình lớn trong khi chăn nuôi, trồng trọt dễ xảy ra rủi do do thiên tai, dịch bệnh.
Mặc khác, các mô hình được hỗ trợ theo Luật Đầu tư công nên quy trình phức tạp, nhiều thủ tục rất khó để thực hiện, không phù hợp với đầu tư cho hộ, nhóm hộ gia đình; việc lựa chọn đối tượng tham gia mô hình gặp nhiều khó khăn. Sau khi rà soát, một số địa phương không đăng ký thực hiện mô hình do điều kiện tham gia khó khăn, không có đối tượng, nhu cầu.
Nhằm tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho quá trình triển khai, mới đây, Ban Dân tộc tỉnh đã có văn bản đề nghị UBND tỉnh cho phép mở rộng, phát triển đa dạng các mô hình, nhiều đối tượng vật nuôi khác nhau như lợn, trâu, bò, gia cầm hoặc các loại vật nuôi bản địa có giá trị kinh tế cao, phù hợp với tiềm năng, thế mạnh của từng xã miền núi và đề nghị kinh phí xây dựng các mô hình sử dụng nguồn kinh phí sự nghiệp, không thực hiện theo Luật đầu tư công mà thực hiện theo cơ chế chính sách tại khoản 1, Điều 29 của Nghị định số 83 ngày 24/5/2018 của Chính phủ về khuyến nông.
Ngoài ra, Ban dân tộc cũng đề nghị Sở NN&PTNT phối hợp chặt chẽ với UBND các huyện, thành phố và các xã, thị trấn để hướng dẫn cụ thể về đối tượng, thủ tục, trình tự thực tham gia thực hiện các mô hình tại địa phương.