Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số ứng dụng công nghệ 4.0
Thực hiện Dự án 8 về 'thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em', các cấp hội phụ nữ trong tỉnh đã chú trọng 4 nội dung can thiệp, trong đó có nội dung xây dựng và nhân rộng các mô hình nâng cao quyền năng kinh tế cho phụ nữ, thúc đẩy bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết của phụ nữ và trẻ em; bảo đảm tiếng nói và sự tham gia thực chất của phụ nữ và trẻ em trong các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội.
Để triển khai hiệu quả các nội dung trong Dự án 8, từ đầu năm 2023, Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh đã tiến hành khảo sát, lựa chọn từ các mô hình hỗ trợ sinh kế, các ý tưởng khởi nghiệp, kế hoạch kinh doanh khả thi do phụ nữ tham gia quản lý từ các xã vùng 3, thôn vùng 3 hưởng lợi dự án, trong đó có Dự án “Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế nhờ áp dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”.
Được biết, khi tham gia Dự án “Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế nhờ áp dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0”, các tổ nhóm sinh kế, tổ hợp tác, hợp tác xã do phụ nữ tham gia quản lý và tạo việc làm cho lao động nữ được hỗ trợ xây dựng thương hiệu, đăng ký các tiêu chuẩn theo quy định, xây dựng truy xuất nguồn gốc và tập huấn về quản lý chất lượng; hỗ trợ nâng tầm sản phẩm OCOP, hướng dẫn đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử như Shopee, Voso, PostMart… và tiếp cận chuyển đổi số để quảng bá, phát triển du lịch, thúc đẩy phát triển kinh tế…
Theo thống kê, từ đầu năm 2023 đến nay, 11 mô hình sinh kế do phụ nữ tham gia quản lý được Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh chọn lựa hỗ trợ ứng dụng công nghệ 4.0 trong sản xuất và kết nối thị trường: Hợp tác xã Thức Mai (thôn Can Hồ Mông, xã Ngũ Chỉ Sơn, thị xã Sa Pa) với sản phẩm cá tầm, cá hồi Sa Pa; Hợp tác xã Tiên Phong (thị trấn Phong Hải, huyện Bảo Thắng) với sản phẩm trứng gà thảo dược; Hợp tác xã Mường Hoa (xã Tả Van, thị xã Sa Pa) với sản phẩm hàng thổ cẩm; Hợp tác xã nông lâm nghiệp - dịch vụ - thương mại và dược liệu thôn Phìn Chư 3 (xã Nàn Sín, huyện Si Ma Cai) với sản phẩm lạc đỏ bản địa; cơ sở sản xuất Bánh gai Công Sang (xã Bảo Hà, huyện Bảo Yên) với sản phẩm bánh rợm; Tổ liên kết trồng cây sim thôn Làng Nủ (xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên); Tổ liên kết trồng khoai sọ tại xã Cốc Mỳ, huyện Bát Xát; Tổ liên kết trồng quýt sen thôn Na Cạp (xã Lùng Khấu Nhin, huyện Mường Khương); Tổ liên kết thịt trâu sấy tại xã Tân Thượng, huyện Văn Bàn; Tổ liên kết làm cốm xã Thẳm Dương, huyện Văn Bàn.
Bà Hà Thị Khánh Nguyệt, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh cho biết: Dự án 8 về “thực hiện bình đẳng giới và giải quyết những vấn đề cấp thiết đối với phụ nữ và trẻ em” thuộc "Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: từ năm 2021 đến năm 2025" do Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam chủ trì đã tạo nguồn lực, động lực, cơ chế để các cấp hội phụ nữ tổ chức các hoạt động thiết thực.
Riêng Dự án “Hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số phát triển kinh tế nhờ áp dụng công nghệ của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0” đã góp phần quan trọng tạo dựng mạng lưới hỗ trợ kỹ thuật, tăng cường năng lực cho các tổ nhóm phụ nữ để áp dụng công nghệ và nâng cao năng lực, phát triển các hoạt động sinh kế giảm nghèo và có khả năng áp dụng các công nghệ 4.0 trong tiếp cận thị trường, huy động sự tham gia của các đối tác và các nguồn lực bên ngoài, tại chỗ, đem lại thu nhập cho các hộ nghèo.