Hỗ trợ phụ nữ nghèo Gia Lai không sinh con thứ 3: Thiết thực, nhân văn
Việc hỗ trợ phụ nữ dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo sinh con đúng chính sách dân số đã kịp thời động viên nhiều cặp vợ chồng ở huyện Krông Pa (tỉnh Gia Lai) không sinh con thứ 3 để nuôi dạy con tốt và có cuộc sống hạnh phúc.
Chị Ksor H’Luyn (buôn Ji, xã Krông Năng) kết hôn năm 2011. Chị cho biết: Lúc chị sinh cháu thứ 2, cán bộ dân số xã đến tuyên truyền về chính sách hỗ trợ phụ nữ thuộc diện hộ nghèo dân tộc thiểu số sinh con theo chính sách dân số.
“Cán bộ nói chỉ dừng lại ở 1 đến 2 con để nuôi dạy cho tốt, có thời gian phát triển kinh tế gia đình, không bị nghèo mãi. Thấy hợp lý, vợ chồng tôi đã đăng ký ngay. Nay được nhận 2 triệu đồng hỗ trợ từ Nhà nước, vợ chồng tôi rất vui. Tôi dùng số tiền này để mua vật dụng, sữa, thức ăn bồi dưỡng cho con”-chị H’Luyn chia sẻ.
Còn chị Nay H’Bluk (buôn Ji, xã Krông Năng) thì bày tỏ: “Tôi thấy chị gái của mình ký cam kết thực hiện đúng chính sách dân số cách đây 3 năm. Nhờ đó, gia đình chị ấy đã thoát nghèo, 2 con được nuôi dạy tốt. Vì thế khi lập gia đình, tôi cũng bàn bạc với chồng để thống nhất làm theo. Nhờ được Nhà nước hỗ trợ 2 triệu đồng vì thực hiện chính sách dân số mà tôi đã mua được một số đồ dùng phục vụ cho 2 con nhỏ”.
Theo Nghị định số 39/2015/NĐ-CP của Chính phủ, đối tượng được hỗ trợ là phụ nữ dân tộc thiểu số hoặc phụ nữ người Kinh có chồng là người dân tộc thiểu số thuộc hộ nghèo, cư trú tại các đơn vị hành chính thuộc vùng khó khăn. Định mức hỗ trợ là 2 triệu đồng/người. Đối tượng thụ hưởng tự nguyện cam kết bằng văn bản không sinh thêm con, nếu vi phạm phải hoàn trả lại kinh phí đã nhận.
Krông Năng là xã đặc biệt khó khăn của huyện Krông Pa với 99% hộ dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Trước đây, người dân vùng này vẫn giữ quan niệm “đông con, đông của” nên phụ nữ thường đẻ nhiều. Tuy nhiên, họ lại rơi vào cái vòng luẩn quẩn đông con-nghèo đói.
Sau nhiều năm kiên trì tuyên truyền, vận động, hệ thống chính trị xã đã giúp chị em phụ nữ hiểu tầm quan trọng của việc sinh đẻ có kế hoạch, giúp thoát nghèo bền vững và nâng cao chất lượng cuộc sống. Vì thế, ngày càng có nhiều cặp vợ chồng thực hiện chính sách dân số-kế hoạch hóa gia đình. Sau khi ký cam kết không sinh con thứ 3, các cặp vợ chồng đã nhận được sự hỗ trợ của Nhà nước theo quy định của Nghị định số 39/2015/NĐ-CP. Từ năm 2015 đến nay, UBND xã Krông Năng đã chi trả 150 triệu đồng cho 75 phụ nữ thuộc hộ nghèo dân tộc thiểu số sinh con đúng chính sách dân số.
Ông Nông Đức Công-Phó Chủ tịch UBND xã Krông Năng-cho rằng: Đây là chính sách thiết thực, góp phần động viên chị em phụ nữ vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh đẻ có kế hoạch. “Mong muốn của xã là Nghị định được tiếp tục thực hiện trong thời gian tới và mở rộng thêm đối tượng là hộ phụ nữ cận nghèo”-ông Công kiến nghị.
Mới đây, tại buổi làm việc với UBND xã Krông Năng về việc triển khai thực hiện Nghị định số 39/2015/NĐ-CP, bà Lê Thị Song Lê-Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế-Thanh tra (Tổng cục Dân số-Kế hoạch hóa gia đình) đánh giá cao hiệu quả đạt được trên địa bàn xã cũng như huyện Krông Pa. Theo bà Lê, Nghị định được triển khai khá tốt từ cấp huyện đến cấp xã với sự vào cuộc của các ban ngành, đoàn thể. Đây là chính sách nhân văn của Chính phủ, góp phần kéo giảm tỷ lệ sinh con thứ 3.
Theo thống kê của Trung tâm Y tế huyện Krông Pa, từ năm 2015 đến 2019, đơn vị đã làm thủ tục chi trả trên 1,6 tỷ đồng cho 808 phụ nữ thuộc hộ nghèo dân tộc thiểu số sinh con đúng chính sách dân số. Riêng năm 2020, các xã, thị trấn đang hoàn thiện hồ sơ để chi trả cho 17 đối tượng.
“Điều ý nghĩa nhất là Nghị định 39 đã giúp bà con dân tộc thiểu số vùng khó nâng cao nhận thức trong thực hiện chính sách dân số-kế hoạch hóa gia đình. Đây là cơ sở để bà con vươn lên thoát nghèo bền vững và xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc”-bác sĩ Đinh Viết Bửu-Giám đốc Trung tâm Y tế huyện Krông Pa-cho hay.