Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế giúp giảm nghèo bền vững

PTĐT - 'Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, thực hiện giảm nghèo bền vững' là một trong những khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã đề ra.

Gia đình chị Hà Thị Lụa ở khu Liệm, xã Văn Miếu, huyện Thanh Sơn được vay vốn từ tổ chức hội để đầu tư trồng chè, kết hợp nuôi dê, nuôi gà… có thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững.

Gia đình chị Hà Thị Lụa ở khu Liệm, xã Văn Miếu, huyện Thanh Sơn được vay vốn từ tổ chức hội để đầu tư trồng chè, kết hợp nuôi dê, nuôi gà… có thu nhập ổn định, thoát nghèo bền vững.

PTĐT - “Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh, thực hiện giảm nghèo bền vững” là một trong những khâu đột phá mà Nghị quyết Đại hội Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2016 - 2021 đã đề ra. Để triển khai thực hiện khâu đột phá này, các cấp Hội Phụ nữ trong tỉnh đã phát huy vai trò kết nối, khai thác nguồn lực, hỗ trợ hội viên tham gia chuyển đổi cơ cấu kinh tế, đổi mới, phát triển hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh có hiệu quả, phát huy vai trò chủ thể của phụ nữ trong phát triển kinh tế.
Những mô hình hiệu quả
Văn Miếu là xã đặc biệt khó khăn của huyện miền núi Thanh Sơn, địa bàn được chia thành 14 khu dân cư, trong đó có 6 khu đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc Mường chiếm 75% cư dân của xã. Trong số 1.304 phụ nữ từ 18 tuổi trở lên ở xã, có 1.017 hội viên phụ nữ, nhưng sinh hoạt thường xuyên chỉ có 914 chị. Do xuất phát điểm thấp nên đời sống của nhiều hộ do phụ nữ làm chủ còn nhiều khó khăn. Trong số 168 hộ nghèo toàn xã thì 121 hộ là hội viên, phụ nữ nghèo, 9 hộ nghèo do phụ nữ làm chủ hộ. Chị Hà Thị Lụa ở khu Liệm là hội viên điển hình đã thoát nghèo nhờ tổ chức Hội chia sẻ: Gia đình tôi có 6 nhân khẩu, trước đây chỉ trông vào mấy sào ruộng nên đời sống còn nhiều khó khăn, cái nghèo cứ đeo đẳng mãi. Năm 2015, tôi được vay 20 triệu đồng để đầu tư trồng 1ha chè, kết hợp nuôi dê, nuôi gà và xây dựng chuồng trại, đến nay, tôi đã trả nợ vốn và có tích lũy để đầu tư mở rộng chăn nuôi. Hiện gia đình tôi đã có thu nhập ổn định. Chị Hà Thị Hồng Hái, Chủ tịch Hội LHPN xã chia sẻ: Từ nguồn vốn ủy thác của Ngân hàng CSXH do tổ chức hội quản lý, năm 2019, Hội đã giúp 247 hộ hội viên nghèo vay với tổng số vốn trên 7 tỷ đồng. Từ sự giúp đỡ này, nhiều hộ hội viên nghèo, khó khăn đã vươn lên thoát nghèo như gia đình chị Hà Thị Thuyết, Nguyễn Thị Thắm (xóm Mật 1), Nguyễn Thị Hải, (xóm Mật 2), Hà Thị Lụa, (khu Liệm)… Hằng năm, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh thường xuyên tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ xây dựng và duy trì các mô hình kinh tế tập thể, mô hình khởi sự kinh doanh theo chuỗi: Sản xuất sạch, chế biến sạch, tiêu dùng sạch. Nếu như trước kia, người phụ nữ thường bằng lòng với vị thế là “hậu phương” đứng sau người chồng trong mọi hoạt động thì nay họ đã chủ động hơn trong phát triển kinh tế, xây dựng đời sống gia đình, tham gia công tác xã hội. Các hội viên tích cực ứng dụng kỹ thuật mới nhằm nâng cao giá trị sản xuất một cách bền vững. Nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh do chị em làm chủ đã hướng đến việc tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn, điển hình như mô hình tổ, nhóm liên kết trồng rau an toàn tại huyện Thanh Thủy, thành phố Việt Trì; nuôi dê sinh sản hướng thịt tại thị xã Phú Thọ, huyện Phù Ninh; chuỗi sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp hữu cơ tại huyện Thanh Sơn... Các tổ hợp tác chăn nuôi vỗ béo bò thịt tại huyện Phù Ninh hay sản xuất và kinh doanh rau an toàn ở huyện Thanh Thủy, sản xuất và chế biến chè an toàn tại huyện Yên Lập đã hướng đến nền sản xuất hàng hóa có sức cạnh tranh. Các cấp Hội đã vận động hội viên thực hiện tốt các chương trình sản xuất nông nghiệp trọng điểm của tỉnh. Những ngày cuối năm, chị em phụ nữ xã Thanh Nga, huyện Cẩm Khê như tất bật hơn với công việc khâu mũ lá cọ xuất khẩu. Tại nhà chị Nguyễn Thị Phương - Tổ trưởng tổ liên kết khâu mũ lá, xen lẫn tiếng nói cười râm ran là hình ảnh những đôi bàn tay nhanh thoăn thoắt luồn mũi kim tạo ra những chiếc mũ đảm bảo kỹ thuật, thẩm mỹ, đạt chất lượng yêu cầu. Sau 3 năm thành lập, đến nay tổ liên kết khâu mũ lá đã thu hút gần 20 hội viên tham gia. Các thành viên trong tổ thường xuyên hỗ trợ, trao đổi nguyên liệu cũng như kỹ thuật giúp mang lại nguồn thu nhập ổn định, trung bình 150 nghìn đồng/ngày công, từ đó nhiều thành viên vươn lên thoát nghèo. Ở Thanh Nga, ngoài tổ liên kết khâu mũ lá, Hội Phụ nữ xã còn thành lập tổ liên kết chăn nuôi gà với 7 thành viên tham gia, quy mô từ 1.500-2.000 con/hộ trở lên.Chị Hoàng Thị Gấm - Chủ tịch Hội Phụ nữ huyện Cẩm Khê thông tin với chúng tôi: Hoạt động của 34 tổ phụ nữ liên kết phát triển kinh tế trên địa bàn huyện hiện nay với đa dạng ngành nghề đã thu hút trên 300 thành viên tham gia, làm tăng thêm tinh thần đoàn kết, tương trợ, một số sản phẩm thủ công đã vươn ra thị trường các tỉnh lân cận và nước ngoài.

Tổ liên kết khâu mũ lá cọ thu hút đông hội viên phụ nữ xã Thanh Nga, huyện Cẩm Khê tham gia với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng.

Tổ liên kết khâu mũ lá cọ thu hút đông hội viên phụ nữ xã Thanh Nga, huyện Cẩm Khê tham gia với thu nhập bình quân 4 triệu đồng/người/tháng.

Mục tiêu thoát nghèo bền vữngToàn tỉnh hiện đã xây dựng và duy trì 354 mô hình phát triển kinh tế của các cấp hội phụ nữ, trong đó 229 mô hình kinh tế tập thể, 111 mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình, 180 tổ/nhóm liên kết phát triển kinh tế với trên 6.300 thành viên đã thành lập 42 tổ hợp tác, 7 hợp tác xã với 573 thành viên. Các mô hình kinh tế tập thể do phụ nữ làm chủ bước đầu đã khắc phục được phương thức sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, tăng hiệu quả sản xuất; tăng tính cạnh tranh, có khả năng thúc đẩy sản xuất hàng hóa quy mô lớn, phù hợp với yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế; khẳng định được tính liên kết, khả năng tập hợp và phát huy vai trò của nữ doanh nhân, vận động chị em đóng góp hiệu quả hơn vào phong trào phụ nữ và hoạt động hội. Bên cạnh việc hỗ trợ thành lập các mô hình kinh tế, để giúp gia đình hội viên thoát nghèo, hoạt động hỗ trợ vốn cho hội viên phát triển kinh tế cũng được thực hiện hiệu quả. Hiện dư nợ vốn Ngân hàng chính sách xã hội đạt trên 1.182 tỷ đồng cho trên 34.900 hộ vay phát triển kinh tế gia đình. Để quản lý các nguồn vốn hiệu quả, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã phối hợp với Hội Phụ nữ các huyện, thành, thị tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, nắm bắt tình hình, khả năng phát triển kinh tế tại hộ để có sự hỗ trợ, động viên, khuyến khích kịp thời, do đó tỷ lệ hoàn trả vốn luôn đạt 99,89%. Hội LHPN tỉnh tham mưu duy trì việc cấp kinh phí trên 2 tỷ đồng bổ sung vốn cho quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo tỉnh; vận hành hiệu quả nguồn vốn hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp tại các địa phương. Các cấp Hội còn tạo điều kiện để hội viên tham gia các lớp đào tạo nghề, tập huấn chuyển giao KHKT trong chăn nuôi, trồng trọt, góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế, tăng sản xuất theo hướng hàng hóa và hiệu quả sử dụng vốn vay. Từ áp dụng khoa học công nghệ mới, rất nhiều phụ nữ không chỉ biết cách làm ăn có hiệu quả, thoát nghèo bền vững mà còn vươn lên thành những điển hình làm kinh tế giỏi với thu nhập hàng trăm triệu đồng/năm. Trong năm 2019, toàn tỉnh đã có 13.660/28.667 hộ phụ nữ nghèo được các cấp Hội đăng ký giúp đỡ bằng ngày công, con giống, tiền vốn, kiến thức... trị giá gần 2,5 tỷ đồng, trên 5.000 ngày công, 4.500kg lương thực, 700 con giống…, từ đó giúp 277 hộ thoát nghèo theo tiêu chí đa chiều.Theo bà Vũ Thị Thu Huyền- Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh, thông qua hoạt động hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế hiệu quả, đời sống của hội viên ngày một nâng cao, dần khẳng định vai trò, vị thế người phụ nữ trong gia đình và xã hội, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc. Thời gian tới, Hội LHPN tỉnh tiếp tục phối hợp các cấp Hội đẩy mạnh công tác tuyên truyền về những mô hình điểm, cách làm hay trong phát triển kinh tế, từ đó làm thay đổi tư duy của hội viên, giúp chị em chủ động hơn trong phát triển kinh tế gia đình. Khuyến khích các cấp Hội tiếp tục đẩy mạnh phong trào thi đua lao động sản xuất, hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế; phối hợp với các ngành, tổ chức khai thác các nguồn vốn, kết hợp với dạy nghề chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn kiến thức quản lý kinh tế hộ, đào tạo nghề, giới thiệu việc làm cho phụ nữ, nhân rộng các mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả, thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo bền vững tại các địa phương.

Thanh Nga

Nguồn Phú Thọ: http://baophutho.vn/kinh-te/202001/ho-tro-phu-nu-phat-trien-kinh-te-giup-giam-ngheo-ben-vung-168656