Hỗ trợ phụ nữ sáng tạo khởi nghiệp, phát triển kinh tế
Thực hiện phong trào hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp, phát triển sản xuất, những năm qua, các cấp hội phụ nữ huyện Mỹ Tú đã triển khai nhiều hoạt động thiết thực, giúp hội viên phát huy thế mạnh của địa phương, nhân rộng các mô hình kinh tế, tăng thu nhập, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc.
Đồng chí Huỳnh Thị Kim Phượng - Chủ tịch Hội LHPN huyện Mỹ Tú cho biết: Trên cơ sở Đề án quốc gia 939 “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017 - 2025”, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo các cơ sở hội khảo sát các gia đình phụ nữ kinh doanh cá thể tại địa phương; tạo điều kiện cho 92 chủ tịch hội phụ nữ các xã, thị trấn, chi hội trưởng phụ nữ các ấp tham gia bồi dưỡng kỹ năng khởi nghiệp, khởi sự kinh doanh, cách quản lý vốn, tìm kiếm bạn hàng, sự nhạy bén với cơ chế thị trường... Đặc biệt, năm 2020, Hội LHPN huyện đã đưa 12 chị là thành viên ban quản lý tổ hợp tác, ban chủ nhiệm câu lạc bộ phụ nữ có nhu cầu khởi nghiệp và hội viên phụ nữ tiêu biểu dự tập huấn kiến thức về sản xuất, kinh doanh tại Đồng Tháp, Vĩnh Long, Hậu Giang; tổ chức cho 25 thành viên Câu lạc bộ Nữ kinh doanh dự kết nối kinh doanh và chia sẻ kinh nghiệm tại cụm 3 huyện Mỹ Tú, Châu Thành và Kế Sách; tạo điều kiện cho chị em tham dự và trưng bày giới thiệu sản phẩm tại “Ngày phụ nữ khởi nghiệp” do Hội LHPN tỉnh tổ chức trong khuôn khổ Lễ hội Oóc om bóc và ngày hội “Khởi nghiệp - Việc làm” tại TP. Hồ Chí Minh.
Hội cũng đã chủ động xây dựng các nguồn quỹ thông qua mô hình tín dụng - tiết kiệm tại các xã, thị trấn; thẩm định, đề xuất với Phòng Giao dịch Ngân hàng Chính sách xã hội huyện phát vay cho hơn 3.850 hội viên, tổng dư nợ hơn 94 tỉ đồng; tranh thủ nguồn vốn Quỹ Hỗ trợ phụ nữ nghèo và Dự án Quỹ tình thương của Hội LHPN tỉnh hỗ trợ 609 lượt chị em, số tiền trên 4 tỉ đồng. Cùng với đó, các cấp hội trong huyện còn vận động cán bộ, hội viên phụ nữ tham gia các loại hình tiết kiệm, tương trợ giúp đỡ lẫn nhau thông qua các hình thức ngày công lao động, cây, con giống để chị em phát triển kinh tế, trị giá hơn 1,2 tỉ đồng. Toàn huyện Mỹ Tú hiện có hơn 19.000 hội viên, trong đó tỷ lệ khá, giàu, trung bình chiếm hơn 98%.
Những ý tưởng sáng tạo, có tính ứng dụng cao trong lĩnh vực nông nghiệp sạch, thực phẩm an toàn, nghề truyền thống của phụ nữ đã được hỗ trợ xây dựng, như mô hình chuối sấy khô và sữa hạt sen ở xã Long Hưng; mứt mận, mứt me, mắm tép ở xã Mỹ Thuận. Song song đó, hội còn phối hợp ngành Nông nghiệp huyện hỗ trợ 14 nhãn hiệu đối với các sản phẩm tiềm năng để có đủ điều kiện bán ra thị trường; hỗ trợ máy móc sản xuất cho Tổ hợp tác Làm mắm xã Mỹ Phước, Tổ hợp tác Bồn bồn xã Mỹ Tú... góp phần tạo việc làm và tăng thu nhập cho nhiều lao động địa phương.
Nhiều mô hình phụ nữ khởi nghiệp làm chủ đã tham gia tích cực và có hiệu quả vào thực hiện chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP). Tiêu biểu như sản phẩm mứt me, mắm tép không vỏ - sản phẩm OCOP 3 sao cấp tỉnh của cơ sở Mai Anh xã Mỹ Thuận; sản phẩm mứt mận của cơ sở Ngọc Hạnh cũng đang hoàn thiện hồ sơ để được công nhận đạt chuẩn OCOP tỉnh Sóc Trăng.
Để phong trào phụ nữ khởi nghiệp ngày càng lan tỏa, Hội LHPN huyện Mỹ Tú đang tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến khích tinh thần khởi nghiệp của hội viên. Tăng cường tập huấn, nâng cao kiến thức, năng lực và trình độ, giúp hội viên có khả năng hiện thực hóa các ý tưởng khởi nghiệp của bản thân. Phối hợp với các đơn vị, tổ chức tạo thuận lợi, giải quyết vướng mắc, tháo gỡ khó khăn để các doanh nghiệp, hợp tác xã do phụ nữ làm chủ có điều kiện phát triển, nhất là phụ nữ vùng sâu, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.