Hỗ trợ phụ nữ ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh

Nâng cao kỹ năng số cho phụ nữ là một trong những mục tiêu mà Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh đang hướng tới nhằm hỗ trợ, thúc đẩy phụ nữ ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh, mở ra nhiều cơ hội cho phụ nữ khởi nghiệp, hòa mình vào kinh tế số.

Các sản phẩm của DaLaHouse được bán trên website, sàn thương mại điện tử, kênh youtube, instagram, tiktok, fanpage… đã giúp công ty ổn định việc bán hàng kể cả trong tình hình dịch bệnh COVID-19

Các sản phẩm của DaLaHouse được bán trên website, sàn thương mại điện tử, kênh youtube, instagram, tiktok, fanpage… đã giúp công ty ổn định việc bán hàng kể cả trong tình hình dịch bệnh COVID-19

Chuyển đổi số để phát triển kinh tế số quốc gia hiện nay đang được nhiều quốc gia trên thế giới đánh giá là xu thế tất yếu. Đại hội XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam cũng đã đề cao ý chí, khát vọng phát triển đất nước; trong đó, có chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Gần đây nhất, Chính phủ đã ban hành “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030” xác định tầm nhìn đến năm 2030 Việt Nam trở thành một quốc gia số.

Với tầm nhìn và mục tiêu trên, Hội LHPN không đứng ngoài chương trình chuyển đổi số của quốc gia bởi có trên 50% số hộ kinh doanh và 26,5% doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ. Điều này cho thấy phụ nữ đóng góp quan trọng trong phát triển kinh tế số đất nước. Thương mại điện tử đã trở thành một trong những cấu phần trọng yếu nhất của kinh tế số. Đặc biệt, trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, nhiều doanh nghiệp đã ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh, giúp phụ nữ mở rộng cơ hội khởi nghiệp.

Tuy nhiên, việc ứng dụng công nghệ số vào sản xuất, kinh doanh đối với phụ nữ, nhất là phụ nữ vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, phụ nữ lớn tuổi còn nhiều hạn chế. Theo khảo sát của Hội LHPN tỉnh đối với các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất và hộ kinh doanh do phụ nữ làm chủ trên địa bàn thành phố Đà Lạt và huyện Đơn Dương về việc ứng dụng công nghệ số, đa số phụ nữ mới chỉ sử dụng hệ thống máy tính có kết nối intenet, sử dụng chữ ký số, phần mềm hóa đơn điện tử, lưu trữ thông tin, giao hàng, truy xuất nguồn gốc sản phẩm, ứng dụng bán hàng trên website, bán hàng trên sàn thương mại điện tử (Shopee, Lazada, Tikki…), kênh youtube, instagram, tiktok, fanpage… Trong sản xuất việc ứng dụng công nghệ số chưa nhiều, chỉ mới sử dụng hệ thống tưới tự động cây trong nhà kính, quản lý dữ liệu xuất nhập kho nguyên liệu, thành phẩm bằng ứng dụng công nghệ thông tin…

Là công ty chuyên sản xuất và cung ứng sản phẩm bột rau củ hữu cơ sấy lạnh nguyên chất từ những nông sản đặc trưng của địa phương, chị Nguyễn Thị Huyền Trâm - Giám đốc Công ty TNHH DaLaHouse (huyện Đơn Dương) cho biết: “Hiện, công ty chưa ứng dụng công nghệ số nhiều, chỉ mới ứng dụng bán hàng trên website và trên sàn thương mại điện tử, kênh youtube, instagram, tiktok, fanpage… Trong sản xuất thì chưa ứng dụng, công ty đang dự định làm hệ thống tưới tự động nhưng do chưa có điện ở vườn nên chưa làm được. Thông qua việc bán hàng qua mạng xã hội, hệ thống website, facebook, sàn thương mại điện tử..., công ty đã tận dụng được cơ hội để quảng bá sản phẩm, tìm kiếm đối tác, kênh tiêu thụ phù hợp, do đó, tuy trong tình hình dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, công ty vẫn ổn định việc bán hàng”.

Với chị Trần Thị Mỹ Thành - chủ hộ kinh doanh trồng dâu tây công nghệ cao tại xã Xuân Thọ, thành phố Đà Lạt, hiện nay, gia đình chị có 3 sào trồng dâu tây ứng dụng công nghệ bằng hệ thống tưới tự động qua điện thoại thông minh. Chị cho hay, dù ở bất cứ nơi đâu thì chị vẫn yên tâm vì vườn dâu luôn được tưới nước đều đặn và chính xác hàng ngày. Qua hệ thống này chị cũng dễ dàng điều khiển tắt mở tự động nước tưới, hiệu quả sản xuất cũng cao hơn do lượng nước tưới được đều đặn, vừa lượng nước giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt, có giá trị kinh tế cao, hướng tới nền nông nghiệp phát triển bền vững, hiện đại.

“Để tạo ra phong trào chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong sản xuất kinh doanh trong các cấp Hội Phụ nữ, Hội LHPN tỉnh đã đẩy mạnh tuyên truyền tới cán bộ, hội viên phụ nữ về chủ trương đẩy mạnh chuyển đổi số, phát triển kinh tế số. Trong thời gian tới, để hỗ trợ, thúc đẩy phụ nữ ứng dụng công nghệ số vào sản xuất kinh doanh, Hội LHPN tỉnh sẽ phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ tổ chức các lớp đào tạo, tập huấn trang bị kiến thức về công nghệ số cho phụ nữ là chủ doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh và hộ kinh doanh trên địa bàn tỉnh. Qua đó, góp phần giúp doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh và hộ kinh doanh do phụ nữ quản lý nâng cao vị thế, ổn định năng suất, sản lượng và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, góp phần phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương”, bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh chia sẻ.

VIỆT HÙNG

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/kinhte/202204/ho-tro-phu-nu-ung-dung-cong-nghe-so-trong-san-xuat-kinh-doanh-3112033/