Hỗ trợ phụ nữ vươn lên thoát nghèo
Thực hiện nhiệm vụ vận động, hỗ trợ phụ nữ sáng tạo, khởi nghiệp phát triển kinh tế, ngay từ đầu năm, Hội Phụ nữ cơ sở đã chủ động khảo sát nắm bắt nhu cầu số hộ phụ nữ nghèo, lập danh sách và xây dựng kế hoạch hỗ trợ. Trên cơ sở chú trọng phát huy nội lực và phối hợp vận động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ hộ phụ nữ chủ hộ nghèo thoát nghèo bền vững theo chuẩn nghèo đa chiều, đảm bảo cuối năm 2019 có 183 hộ phụ nữ nghèo làm chủ hộ thoát nghèo.
Chị Neáng Sên (hội viên phụ nữ ấp Tô Hạ, xã Núi Tô, Tri Tôn) cho biết: “Năm 2019, tôi được vay 30 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội. Để sử dụng nguồn vốn hiệu quả, tôi trăn trở, suy nghĩ, tìm cách làm ăn thích hợp. Ban đầu, dự định đầu tư trồng lúa và hoa màu, nhưng thấy chỉ mua phân bón thì 1 lần không thể sử dụng hết, tiền để trong nhà không an toàn mà tiền lãi vẫn phải trả. Sau đó, tôi chia số tiền này thành 2 phần chính là chăm sóc cây trồng và mua 3 con heo về nuôi. Đến nay, 3 con heo đã đẻ được 4 lứa, với gần 20 heo con, thu về hơn 30 triệu đồng, góp phần vươn lên thoát nghèo”.
Chị Đoàn Thị Gấm (khóm Đông Phú, phường Đông Xuyên, TP. Long Xuyên) sống vất vả nhưng cần cù, siêng năng, chịu khó. Chị Gấm chia sẻ: “Chồng mất, một mình phải lo cho 3 người con ăn học, tôi phải làm tất cả mọi nghề: từ bán bánh mì, đi làm mướn khắp nơi để sinh sống và nuôi con ăn học, nuôi mẹ chồng bị bệnh tai biến”. Trước hoàn cảnh của chị, Hội Phụ nữ phường giúp chị vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội để mua bán bánh mì tại chợ Đông An, hỗ trợ cất nhà cho chị. Sau bao năm vất vả dạy dỗ, khuyến khích các con học hành, 3 người con của chị đều lựa chọn cho mình một công việc phù hợp, đến cuối năm 2018 gia đình chị thoát nghèo.
Gia đình chị Đặng Thị Thu (xã Phú Hữu, An Phú) thuộc hộ cận nghèo, không có đất canh tác, chỉ sống bằng nghề hái ớt thuê, lặt đậu phộng. Năm 2017, chị Thu mạnh dạn thuê 10 công đất trồng đậu phộng. Nhờ ham học hỏi, tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật, đậu phộng chị trồng cho năng suất, lợi nhuận cao. Qua giới thiệu của Hội Phụ nữ xã, chị được vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện 62 triệu đồng, cùng với số tiền gia đình dành dụm được, vợ chồng chị đã đầu tư mở cơ sở thu mua đậu phộng. Sau hơn 2 năm phát triển mô hình, cơ sở đậu phộng tạo thu nhập từ 100-120 triệu đồng/năm. Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Thu còn giúp đỡ 15-20 chị em phụ nữ khó khăn có việc làm, tăng thêm thu nhập trang trải cuộc sống. Tại huyện Tịnh Biên, chị Nguyễn Thị Sáng (ấp Thới Thuận, xã Thới Sơn) từ năm 2015, chị được người em làm ở TP. Hồ Chí Minh tìm nguồn may võng đem về cho chị may để kiếm thêm thu nhập. Từ đó chị mở rộng thêm cho 6 người làm. Đến nay, tổ may võng của chị có 45 thành viên, với thu nhập bình quân từ 3,5-5 triệu đồng/người/tháng. Chị mở rộng may thêm sản phẩm mới góp phần giải quyết việc làm cho chị em phụ nữ ở xã.
Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) tỉnh Nguyễn Thị Phương Linh cho biết, Hội LHPN đã triển khai, lồng ghép các hoạt động hỗ trợ của hội để giúp hội viên, phụ nữ thoát nghèo bền vững. 6 tháng đầu năm 2019, các cấp hội phối hợp Trung tâm Dạy nghề các huyện tổ chức 30 lớp dạy nghề, với 1.235 học viên; tư vấn, giới thiệu việc làm cho 2.634 lao động (có 1.530 lao động nữ) làm tại các cơ sở sản xuất - kinh doanh trong và ngoài tỉnh. Đã thành lập mới 25 tổ liên kết, tổ hợp tác sản xuất - kinh doanh, dịch vụ... với 343 thành viên, trồng bông điên điển, trồng sen, đan võng (Châu Phú); Tổ hợp tác sản xuất túi xách (Châu Đốc); Tổ hợp tác chế biến cá khô (An Phú); Tổ hợp tác “Chằm nón lá” (Chợ Mới)...
Toàn tỉnh có 28.461 hộ nghèo, 34.020 hộ cận nghèo; trong đó có 24.048 hộ phụ nữ nghèo, với 11.935 hộ phụ nữ nghèo làm chủ hộ. Thực hiện Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp năm 2019”, từ nguồn ủy thác của Ngân hàng Chính sách xã hội, tính đến ngày 30-5, tổng dư nợ của Hội Phụ nữ đạt 916,8 tỷ đồng; 51.995 hộ còn dư nợ, 1.127 tổ tiết kiệm và vay vốn. Nhằm mở rộng các nguồn vốn hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, Hội LHPN tỉnh phối hợp Ngân hàng Agribank phát vay cho 19 tổ, 111 thành viên, tổng dư nợ hơn 7 tỷ đồng. Nguồn quỹ Hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế của Hội LHPN tỉnh có 2.952 thành viên tham gia gửi tiết kiệm gần 740 triệu đồng. Từ nguồn vốn của quỹ Châu Á, vốn “Vì quê hương” đã hỗ trợ cho 202 hội viên vay 525 triệu đồng nhằm phát triển các mô hình chăn nuôi, trồng trọt, buôn bán nhỏ... góp phần cải thiện cuộc sống gia đình.
Các cơ sở hội tuyên truyền, vận động hội viên, phụ nữ nâng cao ý thức tiết kiệm và tham gia các mô hình tiết kiệm, giúp đỡ cho hội viên, phụ nữ nghèo, phụ nữ đơn thân, phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn… Qua đó thành lập 1.052 tổ mô hình giúp vốn, với 28.882 thành viên; đã giúp vốn trên 10 tỷ đồng cho 3.222 chị em mua bán, chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình, thoát nghèo, ổn định cuộc sống.
Bài, ảnh: HẠNH CHÂU
Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/ho-tro-phu-nu-vuon-len-thoat-ngheo-a255404.html