Hỗ trợ sinh kế cho người nghèo nhờ chuyển đổi số

Để triển khai Chương trình chuyển đổi số quốc gia (CĐSQG) đồng bộ, hiệu quả trên toàn quốc, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) đang tiến hành hỗ trợ thí điểm chuyển đổi số (CĐS) tại các địa bàn khó khăn.

Với công nghệ mới, người dân ở những vùng xa sẽ được hướng dẫn để ứng dụng giải pháp số nhằm tối ưu quy trình sản xuất, tham gia sàn thương mại điện tử... Nhờ đó, họ có thêm nhiều cơ hội để không còn dừng lại ở thoát nghèo mà tiếp tục vươn lên làm giàu.

Để công nghệ “thấm” vào từng củ khoai, cây lúa

Vi Hương (huyện Bạch Thông) là xã vùng cao, nằm ở phía bắc tỉnh Bắc Kạn, trong những năm qua, đời sống kinh tế-xã hội (KT-XH) của xã có nhiều thay đổi. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo còn cao. Hiện nay, trên địa bàn xã chỉ có Hợp tác xã (HTX) Thiên An đang hoạt động trong lĩnh vực chế biến nông, lâm sản với các sản phẩm chủ yếu, như: Chuối sấy khô, măng khô và thảo dược tắm gia truyền của người Dao. Sản phẩm của HTX đã có mặt ở một số tỉnh, thành phố trong nước nhưng doanh thu hằng năm chỉ đạt từ 800 triệu đến 1,1 tỷ đồng. Dù có nhiều tiềm năng trong phát triển các loại nông sản, đặc biệt là thảo dược, song vì không ít lý do mà hiện xã Vi Hương vẫn sản xuất nhỏ lẻ, đầu ra cho sản phẩm hạn chế. Bà Lý Thị Quyên, Giám đốc HTX Thiên An cho biết: “Các thành viên của HTX đều là người dân tộc Dao. Ngoài giám đốc, còn lại các thành viên trong HTX chưa được tiếp cận nhiều với máy tính, cũng chưa biết cách bán hàng, quảng cáo qua mạng xã hội và các sàn thương mại điện tử. HTX cũng có website nhưng lâu không dùng do không biết cách đăng bài và quản lý nên đã bị khóa”.

 Giờ học tin học của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Nàn Sín (Si Ma Cai, Lào Cai). Ảnh: LA DUY.

Giờ học tin học của Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học và THCS xã Nàn Sín (Si Ma Cai, Lào Cai). Ảnh: LA DUY.

Trước thực tế đó, Cục Tin học hóa (Bộ TT&TT) phối hợp với Công ty Cổ phần Hạ tầng viễn thông CMC Telecom (Tập đoàn Công nghệ CMC), Sở TT&TT tỉnh Bắc Kạn, UBND huyện Bạch Thông, UBND xã Vi Hương tiến hành chương trình CĐS nông nghiệp cho các sản phẩm đặc trưng của địa phương. Theo ông Lê Anh Vũ, Giám đốc Khối Công nghệ Điện toán đám mây, CMC Telecom, mục tiêu của chương trình là giúp các xã, bản xây dựng mô hình ứng dụng công nghệ để kết nối thương mại cho các sản phẩm đặc trưng lên sàn thương mại điện tử. Đồng thời, xây dựng thương hiệu và quảng bá sản phẩm theo xu hướng CĐS, từ đó triển khai các chương trình xúc tiến đầu tư và thương mại hóa các sản phẩm của địa phương, thúc đẩy tiêu thụ sản phẩm giúp tăng doanh thu cho các xã, bản.

Ông Nguyễn Huy Dũng, Cục trưởng Cục Tin học hóa nhấn mạnh: "CĐS là thực hiện sứ mệnh để công nghệ lan tỏa về từng thôn, bản, “thấm” vào từng củ khoai, cây lúa, giúp nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân mọi miền của Tổ quốc. Sau khi triển khai đào tạo CĐS, kết quả ban đầu cho thấy, HTX Thiên An bán được hơn 1.000 sản phẩm qua internet".

Theo kế hoạch, đến ngày 15-9-2020, Sở TT&TT tỉnh Bắc Kạn sẽ phối hợp với huyện Bạch Thông và các doanh nghiệp viễn thông hỗ trợ xã Vi Hương tối ưu hóa hệ thống thông tin tại UBND xã; xây dựng và chuẩn hóa cơ sở dữ liệu, nền tảng công nghệ để kết nối thương mại điện tử cho các sản phẩm đặc trưng; hỗ trợ kết nối trạm y tế xã với các bệnh viện Trung ương; hỗ trợ các thiết bị tại điểm bưu điện văn hóa xã giúp người dân truy cập internet, sử dụng máy tính, hỗ trợ wifi và internet miễn phí...

Doanh nghiệp công nghệ số cần quan tâm thị trường nông thôn, vùng sâu, vùng xa

Thực hiện tiến trình CĐSQG, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng đề cập tới hướng tiếp cận "từ dưới lên". Theo đó, Bộ TT&TT yêu cầu làm "xã chính quyền số", sau đó đến huyện, thành phố. Nhận định về cơ hội CĐS tại các địa phương, ông Nguyễn Huy Dũng cho rằng: "Sự tiện lợi trong không gian số là không phụ thuộc vào vị trí địa lý mà phụ thuộc vào việc chúng ta đưa ra quyết định triển khai CĐS nhanh hay chậm. CĐS càng nhanh thì thuận lợi càng lớn”.

Ngoài xã Vi Hương, Cục Tin học hóa tiến hành thí điểm CĐS tại các địa phương khác có điều kiện kinh tế khó khăn, như: Nhơn Lý (Quy Nhơn, Bình Định) với dịch vụ đặc trưng là du lịch biển; Nậm Ty (Hoàng Su Phì, Hà Giang) được biết đến vì có đặc sản chè xanh, du lịch phong cảnh ruộng bậc thang; Hua Nà (Than Uyên, Lai Châu) có sản phẩm đặc trưng là gạo Séng Cù; Minh Lãng (Vũ Thư, Thái Bình) có sản phẩm làng nghề thêu truyền thống; Hướng Phùng (Hướng Hóa, Quảng Trị), gần biên giới Việt-Lào, có sản phẩm đặc trưng như bơ, chanh leo, cà phê; Tràng Đá (Tuyên Quang) có sản phẩm đặc trưng là nông nghiệp sạch.

Một trong những nội dung thí điểm là hỗ trợ xây dựng chương trình, dự án CĐS cho xã. Trong đó xác định mục tiêu, nội dung, giải pháp, các bước thực hiện CĐS, xác định công nghệ, nền tảng số được sử dụng; đồng thời, hỗ trợ trang thiết bị, công cụ phục vụ CĐS cho xã dựa trên định hướng phát triển sản phẩm, dịch vụ lựa chọn. Mỗi xã sẽ lựa chọn tối thiểu một sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc trưng của địa phương để thực hiện CĐS. Cùng với đó, Bộ TT&TT cũng phối hợp với các tổ chức, doanh nghiệp nâng cao nhận thức, hướng dẫn kỹ năng cho người dân trong việc ứng dụng công nghệ số; quảng bá, giới thiệu trên các phương tiện thông tin đại chúng, hỗ trợ bán hàng thông qua nền tảng giao dịch trực tuyến.

Trong nhóm nhiệm vụ, giải pháp chương trình CĐSQG của Việt Nam chỉ rõ: Phát triển nền tảng số là giải pháp đột phá để thúc đẩy CĐS nhanh hơn, giảm chi phí, tăng hiệu quả. Hiện nay, nước ta có khoảng 43.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp công nghệ thông tin (CNTT) và khoảng 17.000 doanh nghiệp kinh doanh, phân phối sản phẩm, giải pháp trong lĩnh vực này. Đây là thuận lợi để các địa phương trên mọi miền Tổ quốc tiến hành nhanh CĐS bằng nền tảng Make in VietNam.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Thiện Nghĩa, Phó vụ trưởng Vụ CNTT (Bộ TT&TT) cũng chỉ ra rằng: Việc tiếp cận các giải pháp số của người dân ở một số vùng miền còn rất thiếu, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng nông thôn... Người dân đọc báo, nghe đài rất nhiều về các giải pháp công nghệ phục vụ đời sống, nhưng ít nhà cung cấp mang sản phẩm đến cho họ. Do đó, các doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam cần quan tâm hơn đến việc tiếp cận các khu vực này, cần tự chủ động, không trông chờ vào các chính sách, cơ chế mà tập trung nghiên cứu sáng tạo các nền tảng Việt Nam giải quyết những vấn đề nhức nhối của người dân địa phương bởi không ai hiểu nhu cầu của người Việt bằng chính người Việt.

Việc tiếp cận CNTT tại khu vực nông thôn, miền núi thực tiễn cho thấy còn nhiều khó khăn. Do đó, Bộ TT&TT, Cục Tin học hóa, sở TT&TT các địa phương cần trở thành cầu nối, giới thiệu, liên kết địa phương với doanh nghiệp CNTT. Từ thực tế của địa phương, ông Ngô Huy Thắng, Trưởng phòng Quản lý CNTT (Sở TT&TT tỉnh Bắc Kạn) khẳng định: Địa phương cần sự cam kết, đồng hành đến cùng của Cục Tin học hóa cũng như các doanh nghiệp công nghệ trong quá trình thực hiện CĐS để thực hiện thành công thí điểm mô hình ở xã, từ đó sẽ nhân rộng ra toàn tỉnh.

Trong công cuộc CĐS, vai trò của các chuyên gia công nghệ rất quan trọng. Các chuyên gia CNTT cần đưa ra tham vấn chính sách phù hợp với thực tiễn, cố gắng dẫn dắt sự phát triển CNTT của tỉnh, thành phố theo tầm nhìn. Khi có tầm nhìn thì đoàn kết, vượt qua khó khăn, kiên định để xây dựng Chính phủ điện tử, CĐS đạt hiệu quả. Ông Nguyễn Huy Dũng cho rằng: "Các chuyên gia CNTT đừng giới hạn trách nhiệm công việc của mình mà cần nghĩ sứ mệnh của mình rộng hơn, đó là mang CNTT vào mọi ngõ ngách của cuộc sống. Ứng dụng CNTT không chỉ để cho có, mà quan trọng là giúp địa phương phát triển KT-XH, nâng cao đời sống người dân".

TRÀ MY

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/ho-tro-sinh-ke-cho-nguoi-ngheo-nho-chuyen-doi-so-634048