Lấy người lao động làm trung tâm trong xây dựng chính sách, pháp luật
Là một quốc gia lấy con người làm trung tâm để phát triển bền vững đất nước, Việt Nam luôn chú trọng chăm lo cho đời sống người lao động.
Thời gian qua, trên tinh thần khẩn trương, quyết liệt, Việt Nam đang gấp rút xây dựng, hoàn thiện nhiều văn bản pháp luật quan trọng nhằm bảo đảm và bảo vệ toàn diện quyền, lợi ích chính đáng của người lao động trong tình hình mới. Thông qua đó, giúp hàng triệu người lao động trên cả nước yên tâm, gắn bó với công việc và ổn định cuộc sống.
Là một quốc gia lấy con người làm trung tâm để phát triển bền vững đất nước, Việt Nam luôn chú trọng chăm lo cho đời sống người lao động. Hiến pháp năm 2013 khẳng định, Nhà nước khuyến khích, tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tạo việc làm cho người lao động, đồng thời bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người lao động, người sử dụng lao động, hỗ trợ xây dựng quan hệ lao động tiến bộ, hài hòa và ổn định.
Nội dung này đã trở thành quan điểm bao trùm trong các văn bản pháp luật hiện hành và tiếp tục được cụ thể hóa tại nhiều dự thảo luật trong thời gian qua. Trong số đó, có thể kể đến Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) và dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi). Ðây cũng là hai dự án luật được công chúng đặc biệt quan tâm vì liên quan chặt chẽ đến quyền lợi mà người lao động sẽ trực tiếp được thụ hưởng.
Ngày 29/6, tại kỳ họp thứ 7, Quốc hội chính thức thông qua Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) với số lượng tán thành cao, đạt 93,42% số đại biểu tham gia biểu quyết. Tại kỳ họp này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho biết, sẽ nỗ lực hoàn thiện dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) để có thể trình Quốc hội xem xét, thông qua vào kỳ họp tiếp theo.
Như vậy, hệ thống pháp luật về lao động của Việt Nam không ngừng được hoàn chỉnh để đáp ứng kịp thời những nguyện vọng, tâm tư đúng đắn của người lao động với việc bổ sung nhiều quy định mới trong Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) và sắp tới là dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi).
Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 đã bổ sung hàng loạt quy định có lợi cho người lao động, nhất là công dân trong các nhóm yếu thế như người nghèo, cận nghèo, lao động trong khu vực phi chính thức. Các quy định này góp phần mở rộng diện tham gia bảo hiểm xã hội, giúp hàng triệu người dân được tiếp cận những chính sách ưu việt của loại hình này. Ðiển hình là việc Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 đã điều chỉnh điều kiện hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm.
Luật cũng bổ sung chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện. Ðây là nội dung tác động tích cực tới quyết định tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện của lực lượng lao động nữ giới trong khu vực phi chính thức bởi theo thống kê năm 2019, có tới 67,2% số phụ nữ Việt Nam đang tham gia thị trường lao động dưới hình thức này.
Bên cạnh đó, Luật Bảo hiểm xã hội mới còn được đánh giá là khắc phục những bất cập, hạn chế đang tồn tại trong các văn bản pháp luật trước đây khi thêm nhiều quy định nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm về quyền, nghĩa vụ của người lao động và người sử dụng lao động khi tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Qua đó, ngăn chặn các hành vi gian lận, trục lợi, vi phạm quy định về bảo hiểm xã hội đang diễn ra tại một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn cả nước.
Ðối với dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) cũng được nhìn nhận là bước tiếp theo trong quá trình cụ thể hóa một số quy định tiến bộ đã xuất hiện trong Bộ luật Lao động năm 2019; hướng đến tương thích một phần với Công ước số 87 về Quyền tự do hiệp hội và bảo vệ quyền được tổ chức (1948) của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).
Cụ thể, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) đã xây dựng nhiều quy định mới trên nền tảng nội dung về tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở được quy định trong Bộ luật Lao động năm 2019 và Quyết định số 174/QÐ-TLÐ được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành ngày 03/02/2020 về việc ban hành điều lệ Công đoàn Việt Nam (Khóa XII).
Từ đây, dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) đã đưa ra định nghĩa đầy đủ về tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở “là tổ chức được thành lập trên cơ sở tự nguyện của người lao động tại một đơn vị sử dụng lao động nhằm mục đích bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động trong quan hệ lao động. Tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở bao gồm công đoàn cơ sở, nghiệp đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp theo quy định của Bộ luật Lao động” (khoản 4, Ðiều 4).
So với Luật Công đoàn hiện hành, Ðiều 4 của dự thảo Luật Công đoàn (sửa đổi) đã bổ sung nghiệp đoàn cơ sở và tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp bên cạnh công đoàn cơ sở có thể trở thành đại diện hợp pháp cho người lao động. Quy định này giúp người lao động có thêm lựa chọn về tổ chức đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của họ tại đơn vị sử dụng lao động. Trong đó, nghiệp đoàn cơ sở là tổ chức cơ sở của Công đoàn Việt Nam, tập hợp những người lao động tự do, hợp pháp, cùng ngành, nghề hoặc những người lao động đặc thù khác, được công đoàn cấp trên công nhận theo quy định của pháp luật và Ðiều lệ Công đoàn Việt Nam.
Tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp là tổ chức được thành lập, hoạt động hợp pháp theo quy định của pháp luật và tồn tại độc lập với Công đoàn Việt Nam. Tuy nhiên, các tổ chức này có quyền được gia nhập Công đoàn Việt Nam nếu tự nguyện và tán thành Ðiều lệ Công đoàn Việt Nam và tôn chỉ mục đích, tổ chức và hoạt động của họ thực hiện theo Ðiều lệ Công đoàn Việt Nam.
Khi gia nhập Công đoàn Việt Nam, tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp có trách nhiệm thông báo cho cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để thu hồi đăng ký và chấm dứt hoạt động theo quy định của pháp luật. Những nội dung này cho thấy, trên tinh thần Tuyên bố năm 1998 về các nguyên tắc và quyền cơ bản trong lao động của ILO, được Việt Nam tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện một số nội dung trong Công ước số 87 dù chưa phê chuẩn công ước này.
Tuy nhiên, vẫn có tình trạng một vài cá nhân, nhóm người tự xưng là “nhà hoạt động công đoàn”, “công đoàn độc lập”, “nghiệp đoàn độc lập” tìm mọi cách phủ nhận các chính sách, pháp luật trên. Thời gian qua, lấy cớ là “bảo vệ người lao động”, các nhà đấu tranh, tổ chức tự phong này ra sức xuyên tạc Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 và dự Luật Công đoàn (sửa đổi). Trong quá trình Nhà nước xây dựng Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024, họ ra sức đưa ra những tin đồn thất thiệt, vô căn cứ như “quỹ lương hưu không đủ chi trả từ năm 2025”, “Nhà nước chiếm đoạt lương hưu của người lao động”, “Bảo hiểm xã hội Việt Nam đầu tư không hiệu quả làm thâm hụt quỹ”, “đồng tiền mất giá, lạm phát”… để kích động người dân ồ ạt rút bảo hiểm xã hội một lần trong khi việc làm này sẽ tạo ra hệ lụy tiêu cực lâu dài đối với người lao động vì sẽ không được hưởng lương hưu cùng nhiều chế độ hỗ trợ khác theo quy định của pháp luật.
Chưa dừng lại ở đó, trên một số tờ báo, diễn đàn ở nước ngoài không thiện chí với Ðảng và Nhà nước Việt Nam, thường xuyên đăng tải bài viết, ý kiến kêu gọi người lao động đàm phán với doanh nghiệp để không đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc với lý do bảo hiểm phải được lập ra trên cơ sở “tự nguyện”. Họ đưa ra những cáo buộc bịa đặt như mức đóng bảo hiểm xã hội của đơn vị sử dụng người lao động hiện nay thực chất chỉ trích từ tiền công của người lao động.
Do đó, họ lập luận suy diễn rằng người lao động có toàn quyền sử dụng khoản tiền được dùng để đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc. Những cá nhân này cũng thổi phồng hiện tượng doanh nghiệp bỏ trốn, nợ bảo hiểm xã hội để gây ra tâm lý hoang mang trong người dân khi tham gia loại hình này.
Khi đưa ra những thông tin sai lệch, nhiễu loạn về bảo hiểm xã hội, các tổ chức này đã lộ rõ động cơ đen tối, mưu đồ chống phá của mình đó là không hề nhằm mục đích bảo vệ người lao động mà chỉ lợi dụng chiêu bài này để hình thành “công đoàn độc lập”, tạo ra đa nguyên công đoàn làm tiền đề cho đa nguyên chính trị. Từ đó, hình thành nên tổ chức đối lập, chống phá vai trò lãnh đạo của Ðảng Cộng sản, hòng chống phá, lật đổ chế độ.
Nhiều năm nay, các đối tượng thường xuyên lợi dụng việc nước ta chưa tham gia Công ước số 87 của ILO để bôi đen mối quan hệ lao động giữa doanh nghiệp và công nhân, hạ thấp vai trò của Công đoàn Việt Nam, qua đó đòi hỏi Việt Nam phải sớm thông qua công ước này cũng như ban hành các quy định cụ thể về “công đoàn độc lập”. Các đối tượng cố tình lờ đi thực tế đó là đây không phải công ước bắt buộc tất cả các nước thành viên của ILO phải thông qua. Ðến thời điểm hiện tại, nhiều quốc gia chưa tham gia công ước trên vì những lý do khác nhau.
Chưa kể, nếu phê chuẩn Công ước số 87, vị trí của Công đoàn Việt Nam cũng không thể thay đổi. Bởi đây là tổ chức chính trị-xã hội rộng lớn của giai cấp công nhân và của người lao động, được thành lập trên cơ sở tự nguyện, là thành viên trong hệ thống chính trị của xã hội Việt Nam. Vị thế này của Công đoàn Việt Nam đạt được qua 95 năm xây dựng, đấu tranh, hoạt động, trưởng thành và phát triển.
Do đó, sự xuất hiện các tổ chức của người lao động tại doanh nghiệp không thể mang ý nghĩa đối trọng như tuyên bố của các tổ chức tự phong nêu trên mà chỉ góp phần, tạo cơ hội để Công đoàn Việt Nam tiếp tục phát huy vai trò vững chắc trong lòng người lao động. Bên cạnh đó, việc gia nhập Công đoàn Việt Nam cũng giúp các tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở góp thêm sức mạnh vào phong trào công đoàn trong cả nước và công đoàn quốc tế vì mục tiêu chung là hướng tới xã hội công bằng.
Trên cơ sở hoàn thiện hệ thống pháp luật về lao động, Việt Nam đang thể hiện sự quyết tâm trong bảo đảm việc làm bền vững, nâng cao mức sống, cải thiện điều kiện làm việc, cơ hội tiếp cận đầy đủ các chính sách, dịch vụ xã hội cơ bản của công nhân, người lao động ở tất cả mọi miền Tổ quốc. Những kết quả đáng khen ngợi này đã củng cố uy tín của đất nước trên trường quốc tế, khẳng định cam kết quốc tế của Việt Nam về lao động, tạo thuận lợi cho quá trình hội nhập và tham gia các hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới trong tương lai gần.