Hỗ trợ sinh kế cho nông dân từ dự án 'Ngân hàng bò GCS'

Để giúp hội viên nông dân nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo, nhất là hội viên là người khuyết tật hoặc gia đình có người khuyết tật, thông qua Hội Nông dân huyện Cam Lộ, từ đầu năm 2019, Tổ chức Chia sẻ dân sự toàn cầu (GCS) - Hàn Quốc đã triển khai thực hiện 3 dự án 'Ngân hàng bò GCS' tại huyện Cam Lộ. Sau 2 năm triển khai, đến nay, các dự án này phát huy hiệu quả tốt, tạo cơ hội thoát nghèo cho nhiều nông dân ở địa phương.

 Ông Hồ Hải Sơn (người ngoài cùng bên trái) phấn khởi khi bò giống của gia đình ngày càng phát triển - Ảnh: AV

Ông Hồ Hải Sơn (người ngoài cùng bên trái) phấn khởi khi bò giống của gia đình ngày càng phát triển - Ảnh: AV

Đầu năm 2019, thông qua Hội Nông dân huyện Cam Lộ, gia đình ông Hồ Hải Sơn, ở thôn Mai Lộc 1, xã Cam Chính được dự án “Ngân hàng bò GCS” hỗ trợ giải ngân 18 triệu đồng để phát triển chăn nuôi bò sinh sản. Số tiền này được ông Sơn đầu tư làm chuồng trại và mua 1 con bò giống kèm theo 1 con bê. Sau hơn một năm nuôi nhốt, tận dụng nguồn thức ăn sẵn có từ trồng cỏ, các loại phụ phẩm trong sản xuất nông nghiệp như rơm rạ, khoai, sắn cho bò ăn, ông Sơn đã bán con bê mới mua về được 12 triệu đồng. Đồng thời bò mẹ đã sinh lại thêm được 1 bê con đến nay đã hơn 9 tháng và hiện đang chuẩn bị sinh thêm 1 con bê nữa.

“Nuôi bò nhốt chủ yếu tận dụng thời gian nhàn rỗi cắt cỏ cho bò ăn, không phải mất tiền mua thức ăn, bò cũng ít khi bị dịch bệnh, hạn chế được rủi ro nên hiệu quả kinh tế cao. Sau hơn một năm thực hiện dự án, gia đình tôi đã bán được con bê 12 triệu đồng và đóng góp trả tiền gốc hằng tháng được 6 triệu đồng. Tính ra, bình quân mỗi năm một bò mẹ sinh một bê con, người chăn nuôi có thu nhập khoảng hơn 1 triệu đồng/tháng, từ đây tạo động lực cho gia đình đầu tư mở rộng phát triển chăn nuôi để nâng cao thu nhập”, ông Sơn cho biết.

Dự án chăn nuôi bò tại huyện Cam Lộ được Tổ chức Chia sẻ dân sự toàn cầu (GCS) tài trợ, Hội Nông huyện Cam Lộ tổ chức thực hiện. Có 135 hộ nông dân nghèo, hộ nông dân có người khuyết tật được vay vốn để chăn nuôi bò sinh sản với tổng số tiền hơn 2,2 tỉ đồng. Trong đó, mỗi hộ được vay từ 16 -18 triệu đồng trong thời gian 3 năm, lãi suất 0,2%/năm. Số lãi suất này chủ yếu để phục vụ cho công tác quản lý vốn. Sau thời hạn 3 năm vay vốn của dự án để chăn nuôi bò sinh sản, các hộ hoàn trả vốn cho dự án để cho các hộ gia đình khó khăn khác trong cộng đồng được tiếp cận nguồn vốn phát triển chăn nuôi tạo thu nhập để ổn định cuộc sống lâu dài. Bên cạnh hỗ trợ nguồn vốn vay, dự án còn tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi bò và quản lý vốn cũng như cung cấp dụng cụ thú y để các hộ gia đình thực hiện chăn nuôi bò có hiệu quả.

Ông Hồ Việt Hưng, quản lý dự án “Ngân hàng bò GCS”- Hàn Quốc tại Quảng Trị cho biết: “Toàn huyện Cam Lộ có 3 dự án “Ngân hàng bò GCS” được triển khai thông qua Hội Nông dân huyện. Trong đó, dự án thứ nhất bàn giao vốn ngày 21/2/2019 với số vốn 810.000.000 đồng cho 45 hộ (19 hộ ở xã Thanh An, 6 hộ ở thị trấn Cam Lộ và 20 hộ ở xã Cam Chính), số tiền cho vay là 18 triệu đồng/hộ; dự án thứ hai bàn giao vốn ngày 17/2/2020 với số vốn 720.000.000 đồng cho 45 hộ (25 hộ ở xã Cam Nghĩa và 20 hộ ở xã Thanh An), số tiền cho vay là 16 triệu đồng/hộ; dự án thứ ba bàn giao vốn ngày 30/6/2020 với số vốn 720.000.000 đồng cho 45 hộ (20 hộ ở xã Cam Nghĩa và 25 hộ ở xã Cam Thủy), số tiền cho vay là 16 triệu đồng/hộ. Tổng đàn vật nuôi của dự án là 155 con, đến cuối năm 2020 đã sinh ra được 42 con bê, số tiền thu được từ bán bò của các hộ gia đình là 154 triệu đồng. Đa số các hộ tham gia dự án đều phấn khởi vì có thêm sinh kế để nâng cao thu nhập, xóa đói giảm nghèo”.

Mặc dù mới được triển khai trong thời gian ngắn nhưng dự án “Ngân hàng bò GCS” đã mang lại hiệu quả rõ rệt; nông dân phát huy được sức lao động lúc nhàn rỗi và tận dụng được nguồn thức ăn sẵn có trong tự nhiên, là giải pháp hiệu quả nâng cao thu nhập, trao cơ hội thoát nghèo cho người dân. Đặc biệt, với đối tượng chính là hộ gia đình khuyết tật, nạn nhân chất độc da cam, dự án “Ngân hàng bò GCS” phù hợp với điều kiện và khả năng lao động của các hộ gia đình, vừa có thời gian chăm sóc người thân thường xuyên đau ốm, vừa tận dụng lúc rảnh rỗi kiếm thức ăn cho bò, tạo sinh kế để vươn lên thoát nghèo bền vững.

“Dự án này thực sự có hiệu quả đối với những hộ có người khuyết tật, khó khăn thiếu sức lao động. Qua kiểm tra hằng năm thấy nhiều hộ có thu nhập thêm rất khá, từ ban đầu một con bò giống nhưng bây giờ có hộ thêm được 2 - 3 con bê. Vì vậy trong thời gian tới, Hội Nông dân huyện sẽ tiếp tục hỗ trợ giúp các hộ này áp dụng kỹ thuật vào chăn nuôi bò để phát huy hiệu quả hơn nữa. Đồng thời phối hợp với dự án quản lý tốt nguồn vốn, mở rộng cho các hộ khó khăn khác tiếp cận vốn quay vòng, tạo thêm sinh kế để họ có cơ hội vươn lên thoát nghèo bền vững”, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Cam Lộ Lê Văn Tuấn cho biết.

Anh Vũ

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=72&modid=419&itemid=154530