Hỗ trợ sinh kế để giảm nghèo bền vững ở Hùng Sơn

Với xã Hùng Sơn (Hiệp Hòa), công tác giảm nghèo luôn là nhiệm vụ trọng tâm được cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể tập trung thực hiện. Sau nhiều nỗ lực, đến nay, vùng quê nơi đây đã đổi thay đáng kể, đời sống người dân không ngừng nâng lên. Bên cạnh thực hiện đầy đủ các chính sách giảm nghèo của Nhà nước, xã có những kinh nghiệm hay trong hỗ trợ phát triển sản xuất, tạo sinh kế để người nghèo tự lực vươn lên.

Nằm cách trung tâm huyện 5km, xã Hùng Sơn có diện tích tự nhiên 4,39km2, hơn 1,1 nghìn hộ dân với gần 5,1 nghìn nhân khẩu. Năm 2021, sau tổng điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo đầu giai đoạn mới với phương thức tiếp cận đa chiều, toàn xã có 42 hộ nghèo, 40 hộ cận nghèo, tăng gấp đôi so với năm 2020. Công tác chỉ đạo thực hiện mục tiêu giảm nghèo ở một số thôn chưa quyết liệt; một bộ phận người dân còn mang nặng tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước.

 Cán bộ xã Hùng Sơn thăm mô hình trồng bưởi của gia đình bà Nguyễn Thị Hằng.

Cán bộ xã Hùng Sơn thăm mô hình trồng bưởi của gia đình bà Nguyễn Thị Hằng.

Sinh kế phù hợp

Trước thực tế này, Ban Chỉ đạo giảm nghèo xã xác định, muốn giảm nghèo thì trước hết phải thay đổi nhận thức, khơi dậy ý chí vươn lên của mỗi người dân. Vì vậy, ngoài đầu tư xây dựng hạ tầng cơ sở, xã quan tâm bố trí kinh phí để hỗ trợ phát triển sản xuất, nhân rộng mô hình giảm nghèo, tạo sinh kế bền vững cho hộ nghèo. Phương châm này được người dân ủng hộ; nhờ vậy, bà con tích cực xây dựng nhiều mô hình trồng trọt, chăn nuôi mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Là một trong những hộ nghèo được hỗ trợ sinh kế, năm 2022, gia đình bà Nguyễn Thị Hằng (SN 1964), thôn Tân Sơn đã vươn lên thoát nghèo. Vợ chồng bà Hằng sức khỏe đều không tốt, khả năng lao động hạn chế nên từ nhiều năm nay kinh tế gia đình rất khó khăn. Ông bà có hai con gái đã lấy chồng ở xa, cũng không dư dả để phụ giúp bố mẹ. Năm 2018, gia đình bà được hỗ trợ 100 con gà từ dự án đa dạng hóa sinh kế. Năm 2019, được Hội Nông dân xã tư vấn, đứng ra tín chấp khoản vay ưu đãi 50 triệu đồng dành cho hộ nghèo của Ngân hàng Chính sách xã hội. Dù vất vả nhưng ông bà vẫn cố gắng duy trì, phát triển mô hình nuôi gà, vịt, trồng thêm mấy chục gốc bưởi. “Được lãnh đạo xã quan tâm cử cán bộ khuyến nông hướng dẫn tỉ mỉ kỹ thuật chăm sóc, phòng bệnh cho cây trồng, vật nuôi nên tôi luôn thấy vững tâm. Đến nay, gia đình tôi thu lãi khoảng 50 triệu đồng/năm từ bán gà thịt và trứng vịt. Hy vọng cuối năm nay tôi sẽ trả hết khoản vay ngân hàng, có thêm tiền tích lũy để sửa sang nhà cửa”, bà Hằng cho biết.

Hộ nghèo xã Hùng Sơn chọn bò giống từ dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo.

Hộ nghèo xã Hùng Sơn chọn bò giống từ dự án đa dạng hóa sinh kế, nhân rộng mô hình giảm nghèo.

Mới đây, 22 hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo trên địa bàn xã Hùng Sơn được tham gia dự án nuôi bò sinh sản (giống bò lai Sind). Tổng kinh phí thực hiện hơn 586 triệu đồng từ nguồn thuộc dự án 2 (đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo) của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững năm 2023 chuyển nguồn sang. Ngày 17/6, UBND xã tổ chức lễ bàn giao bò cho các hộ tham gia dự án. Là một trong 4 hộ mới thoát nghèo được hỗ trợ sinh kế dịp này, bà Hoàng Thị Tiếp (SN 1971), thôn Hòa Tiến chia sẻ: “Được nhà nước hỗ trợ, tôi sẽ cố gắng chăm sóc để bò phát triển tốt, giúp kinh tế gia đình bớt khó khăn”.

Đa dạng cách thức hỗ trợ

Trao đổi với ông Hoàng Minh Quyến, Phó Chủ tịch UBND xã Hùng Sơn được biết, qua khảo sát, trong tổng số hộ nghèo, hộ cận nghèo, phần lớn là do thiếu vốn, thiếu kiến thức và kỹ thuật nuôi, trồng dẫn tới việc duy trì các mô hình sản xuất nông nghiệp nhỏ lẻ, chất lượng sản phẩm kém, đầu ra bấp bênh nên thu nhập không cao. Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo giảm nghèo xã giao cho Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ đứng ra tín chấp với Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hiệp Hòa giúp người dân có điều kiện tiếp cận với các nguồn vốn vay ưu đãi. Cùng đó, đẩy mạnh tuyên truyền, khắc phục tư tưởng ỷ lại, khích lệ ý chí, quyết tâm thoát nghèo của người dân; đồng thời, tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật để thay đổi tập quán sản xuất giúp kết quả giảm nghèo thực sự bền vững.

Được biết, từ nguồn kinh phí của dự án đa dạng hóa sinh kế thuộc chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và Chương trình 135 (hỗ trợ đầu tư tại xã đặc biệt khó khăn, xã thuộc vùng An toàn khu II), hằng năm, xã được phân bổ khoảng 400 triệu đồng. Ban Chỉ đạo giảm nghèo xã quan tâm phân bổ phù hợp, ưu tiên hỗ trợ vốn, cây, con giống cho hộ nghèo xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp điều kiện tự nhiên, canh tác của địa phương. Đồng thời, cân đối, lồng ghép các nguồn vốn để tập trung đầu tư nâng cấp hạ tầng nông thôn, công trình thủy lợi tạo điều kiện đi lại, giao thương cho bà con.

Nhờ những nỗ lực của cấp ủy, chính quyền và nhân dân, từ thu nhập bình quân đầu người thấp (năm 2015, chỉ đạt khoảng 30 triệu đồng/người/năm), đến nay đã đạt hơn 51 triệu đồng/người/năm, vượt kế hoạch đề ra. Đời sống ngày càng được cải thiện nên công tác văn hóa, giáo dục, y tế được quan tâm nhiều hơn. Sau rà soát, năm 2023, toàn xã còn 19 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 1,65%, giảm 1,1% so với năm 2022, vượt chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ xã, nhiệm kỳ 2020-2025 đề ra.

Bài, ảnh: Tường Vi

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.vn/ho-tro-sinh-ke-de-giam-ngheo-ben-vung-o-hung-son-081604.bbg