Hỗ trợ thông tin, giúp người dân giảm nghèo

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh triển khai đồng bộ các giải pháp hướng đến mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững. Trong đó, Tiểu dự án 1: Giảm nghèo về thông tin thuộc Dự án 6: Truyền thông và giảm nghèo về thông tin đã và đang mang lại hiệu quả tích cực.

Huyện Sông Hinh tập huấn công tác giảm nghèo về thông tin năm 2024. Ảnh: CTV

Huyện Sông Hinh tập huấn công tác giảm nghèo về thông tin năm 2024. Ảnh: CTV

Xóa nghèo thông tin

Thiếu hụt thông tin là một trong những chỉ số thuộc tiêu chí thiếu hụt các dịch vụ xã hội cơ bản. Tình trạng nghèo thông tin không những gây ảnh hưởng lớn đến khả năng tiếp cận đường lối của Đảng và chính sách của Nhà nước trong thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, mà còn gây thiếu hụt thông tin về đời sống, KT-XH.

Bởi vậy, giảm nghèo về thông tin là một trong những tiểu dự án quan trọng của Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025. Mục tiêu của tiểu dự án này là tăng cường truyền thông, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của toàn xã hội về công tác giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững nhằm khơi dậy tinh thần tự lực, tự cường vươn lên thoát nghèo của người dân và cộng đồng; nâng cao khả năng tiếp cận và thụ hưởng trợ giúp pháp lý, huy động nguồn lực để thực hiện mục tiêu giảm nghèo bền vững; tuyên truyền các gương điển hình, sáng kiến, mô hình tốt về giảm nghèo để thúc đẩy, nhân rộng và lan tỏa trong xã hội.

Được tiếp cận các thông tin về chính sách, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm trong sản xuất, nhiều người dân đã thay đổi nếp nghĩ, cách làm, không còn tâm lý trông chờ, ỷ lại, chủ động vươn lên thoát nghèo.

Chị A Lơ Hờ Diếp (buôn Học, xã Krông Pa, huyện Sơn Hòa) chia sẻ: Trước đây gia đình tôi thuộc diện hộ nghèo. Quanh năm tôi chỉ biết làm thuê kiếm sống. Qua nhiều đợt tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi của xã và xem ti vi, đọc báo, nghe đài, tôi dần thay đổi nhận thức trong cách nghĩ, cách làm. Nhờ sự hỗ trợ của địa phương, tôi được vay vốn mua một con bò cái giống về nuôi, nỗ lực cố gắng làm ăn vươn lên thoát nghèo.

Ông Ngô Văn Sử (xã Bình Ngọc, TP Tuy Hòa) có thói quen sáng dậy sớm pha ấm trà rồi nghe thời sự từ chiếc loa phát thanh được lắp đặt gần nhà, cho hay: Nhờ nghe thời sự, tôi biết thêm nhiều tin tức về KT-XH trong và ngoài tỉnh, những chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, rất bổ ích.

Mở hướng thoát nghèo

Theo ông Phan Đại Thắng, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH, trong giai đoạn 2021-2023, toàn tỉnh có 70% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu đã được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet. Các hoạt động tuyên truyền giúp người dân kịp thời tiếp cận nhiều hơn các chính sách và những thông tin hữu ích để nâng cao nhận thức, chủ động thực hiện các giải pháp phát triển kinh tế gia đình, góp phần giảm nghèo bền vững.

Cùng với việc tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác giảm nghèo ở cơ sở, các sở, ngành liên quan còn phối hợp với các cơ quan truyền thông trong tỉnh tăng cường đăng tải tin bài tuyên truyền chính sách giảm nghèo của Đảng, Nhà nước, của tỉnh. Đồng thời tăng cường chuyển đổi số, đưa thông tin về cơ sở… góp phần thực hiện thành công mục tiêu giảm nghèo bền vững. Toàn tỉnh phấn đấu đến cuối năm 2025, 90% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được tiếp cận sử dụng các dịch vụ viễn thông, internet.

“Để giảm nghèo về thông tin cho người dân, trong thời gian tới, cùng với thường xuyên tổ chức tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ phụ trách truyền thông trên địa bàn tỉnh, Sở LĐTB&XH phối hợp với Sở TT&TT tham mưu UBND tỉnh tăng cường cơ sở vật chất cho hoạt động của các đài truyền thanh xã; sửa chữa loa, đài và hệ thống wifi cho các trụ sở thôn, buôn, khu phố; hỗ trợ các xã đặc biệt khó khăn nâng cấp đài truyền thanh, chuyển đổi công nghệ…”, ông Phan Đại Thắng cho biết thêm.

HOÀNG LÊ

Nguồn Phú Yên: https://baophuyen.vn/141/320812/ho-tro-thong-tin-giup-nguoi-dan-giam-ngheo.html