Hỗ trợ thu nhập cho giáo viên mới vào nghề
Mới đây, Báo cáo tình hình tài chính ngân sách tại Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho hay:
Trong bối cảnh cân đối ngân sách Nhà nước năm 2021 khó khăn, Chính phủ đề nghị chưa điều chỉnh tiền lương cơ sở để tập trung dành nguồn lực phòng chống dịch bệnh Covid-19 và một số vấn đề cấp bách khác.
Trước đó, hồi tháng 6/2020, với 91,72% tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành, Nghị quyết số 122/2020/QH14 Kỳ họp thứ 9 đã chính thức không điều chỉnh mức lương cơ sở với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và lương hưu từ ngày 1/7/2020. Như vậy, nếu đề nghị của Chính phủ thành hiện thực, năm 2021 mức lương cơ sở chưa tăng từ 1,49 triệu đồng/tháng lên 1,6 triệu đồng/tháng, đồng nghĩa với việc hai năm liên tiếp (năm 2020 và năm 2021), cán bộ, công chức, viên chức sẽ không được tăng lương.
Trong bối cảnh dịch bệnh diễn biến vẫn còn phức tạp, nhiều ngành kinh tế trọng điểm thất thu, lại thêm thiên tai hoành hành, áp lực tài chính quốc gia khá lớn. Vì thế, đông đảo cán bộ, công chức, viên chức đồng lòng nhất trí khi Nhà nước hoãn tăng lương cơ sở, với tinh thần sẻ chia cao. Tuy vậy, trong đội ngũ hưởng lương từ ngân sách vẫn có một bộ phận bị ảnh hưởng nặng nếu không được tăng lương cơ sở. Đó là những người hưởng lương hưu từ năm 1993 có mức lương rất thấp và đặc biệt là đội ngũ giáo viên trẻ mới vào nghề. Hiện nay, giáo viên mầm non, tiểu học có hệ số lương khởi điểm 1,86, giáo viên THCS có hệ số lương khởi điểm 2,1, giáo viên THPT có hệ số lương khởi điểm 2,34. Theo cách tính lương này thì thu nhập của một giáo viên mới ra trường rất thấp, như giáo viên mầm non, tiểu học chỉ nhận trên dưới 3 triệu đồng mỗi tháng. Trong khi đó, bắt đầu từ năm học này, sinh viên sư phạm đã được hỗ trợ theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP là 3,63 triệu đồng/tháng. Một giáo viên mầm non mới ra trường so sánh vui: “Nay, “lương” sinh viên sư phạm còn… cao hơn giáo viên!”.
Những năm đầu đi dạy với mỗi nhà giáo là khoảng thời gian rất quan trọng để quyết định người thầy có khả năng gắn bó lâu dài với nghề hay không. Bên cạnh áp lực chung trước những yêu cầu ngày càng gắt gao về đổi mới dạy học, trước phụ huynh, học sinh, trước ban giám hiệu, giáo viên trẻ còn phải đối mặt với nhiều khó khăn khác do thiếu kinh nghiệm trong nghề nghiệp lẫn cuộc sống. Thực tế, với mức thu nhập quá thấp, lại thêm áp lực công việc nặng, không ít giáo viên trẻ đã buộc phải nói lời chia tay nghề sau vài năm dạy học, trong đó có không ít người là giáo viên giỏi…
Chất lượng giáo viên quyết định đến chất lượng giáo dục. Để thu hút người trẻ, giỏi gắn bó lâu dài với ngành sư phạm, trong các dự thảo bảng lương và phụ cấp giáo viên thực hiện cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW đều có sự quan tâm đặc biệt đối với giáo viên mới ra trường. Theo đó, giáo viên mới vào ngành được đề xuất mức lương tăng cao hơn trước. Thế nhưng, thời gian để những quy định dự thảo này có hiệu lực và đi vào cuộc sống vẫn còn dài, trong lúc nhà giáo trẻ đang nặng gánh cơm áo gạo tiền hằng ngày. Nhiều giáo viên trẻ để trụ lại với nghề phải nhờ gia đình giúp đỡ, hoặc chật vật vay mượn, làm thêm việc ngoài…
Chưa tăng lương cơ sở cho cán bộ, công chức, viên chức trong bối cảnh hiện nay là quyết định phù hợp. Thế nhưng, với những đối tượng thu nhập quá thấp như giáo viên mới ra trường, lại rất cần được cân nhắc và xem xét thấu đáo, nhất là trong bối cảnh toàn ngành đang nỗ lực thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới. Trong khi chờ chính sách cải cách tiền lương theo Nghị quyết 27-NQ/TW được hiện thực hóa, việc linh động và chủ động trong thực hiện chính sách hỗ trợ nhà giáo mới vào nghề của Nhà nước, các địa phương, thậm chí các cơ sở giáo dục là rất cần thiết, nhằm động viên thầy cô vượt qua khó khăn, gắn bó với nghề, từ đó góp phần khuyến khích người giỏi vào sư phạm.