Hỗ trợ tín dụng cho doanh nghiệp xuất khẩu thành phố Cần Thơ

Dù đóng góp 95% sản lượng gạo xuất khẩu và chiếm 60% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước, nhưng đồng bằng sông Cửu Long gặp khó khăn về khả năng tiếp cận và hấp thu nguồn vốn tín dụng. Theo Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Cần Thơ Huỳnh Thanh Sử, để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của doanh nghiệp xuất khẩu, cần linh hoạt áp dụng các hình thức bảo đảm tiền vay, thời hạn và lãi suất ưu đãi, cải tiến quy trình, thủ tục cho vay.

Tham luận tại hội nghị "Thúc đẩy tín dụng cho ngành nông sản chủ lực, đưa đồng bằng sông Cửu Long phát triển nhanh, bền vững" do Báo Đại biểu Nhân dân tổ chức sáng 18.11, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Cần Thơ Huỳnh Thanh Sử nhấn mạnh, vùng đồng bằng sông Cửu Long đóng góp 95% sản lượng gạo xuất khẩu và chiếm 60% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản của cả nước, ngoài ra, xuất khẩu rau quả trong thời gian qua liên tục tăng trưởng mạnh khi nhiều loại trái cây tiếp tục được mở rộng xuất khẩu sang nhiều thị trường. Thành phố Cần Thơ có vị trí trung tâm đồng bằng sông Cửu Long. 10 tháng năm 2024, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ thu ngoại tệ ước thực hiện 1.925 triệu USD; trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước thực hiện 1.472 triệu USD.

Sản lượng gạo xuất khẩu đạt 741 nghìn tấn, kim ngạch đạt 378 triệu USD. Sản lượng thủy sản xuất khẩu đạt 148 nghìn tấn, với kim ngạch đạt 484 triệu USD. Kim ngạch xuất khẩu nông sản và nông sản thực phẩm chế biến đạt 136 triệu USD.

 Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Cần Thơ Huỳnh Thanh Sử phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Lâm Hiển

Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Cần Thơ Huỳnh Thanh Sử phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Lâm Hiển

Thời gian qua, Sở Công Thương TP. Cần Thơ đã xây dựng, tham mưu UBND thành phố ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chiến lược xuất nhập khẩu hàng hóa đến năm 2030 trên địa bàn thành phố; Kế hoạch thực hiện Đề án “Thúc đẩy Doanh nghiệp Việt Nam tham gia trực tiếp các mạng phân phối nước ngoài đến năm 2030”; Chỉ thị về việc tăng cường sự lãnh đạo và hợp tác trong liên kết sản xuất lúa gạo theo chuỗi giá trị và xuất khẩu gạo bền vững.

Bên cạnh đó, triển khai kịp thời các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, xuất khẩu nông sản bền vững, minh bạch, hiệu quả; đẩy mạnh hoạt động phát triển thị trường, xúc tiến thương mại.

Tăng cường hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp. Kết nối, hỗ trợ các doanh nghiệp tiếp cận vốn tín dụng thuận lợi phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu.

Sở cũng đã phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức nhiều Hội nghị sơ kết tình hình xuất khẩu gạo và triển khai nhiệm vụ điều hành xuất khẩu gạo tại thành phố Cần Thơ. Phối hợp với UBND các huyện triển khai các giải pháp hỗ trợ, kết nối doanh nghiệp xuất khẩu gạo với các Hợp tác xã lúa gạo trong bao tiêu lúa gạo các vụ mùa. Triển khai xây dựng đề án Chợ gạo Thương mại điện tử cấp vùng.

 Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Lâm Hiển

Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Lâm Hiển

Phối hợp với Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ và các Vụ, Cục thuộc Bộ Công Thương triển khai các hoạt động trong khuôn khổ đề án đưa hàng Việt vào hệ thống phân phối nước ngoài. Thường xuyên phối hợp Bộ Công Thương và các đơn vị liên quan tổ chức hội nghị, hội thảo nhằm đẩy mạnh xuất khẩu. Thường xuyên cung cấp thông tin cho doanh nghiệp về: thị trường thế giới; các tiêu chuẩn, điều kiện của nước nhập khẩu; các quy định, nghị định về hạn ngạch thuế quan,…

Phó Giám đốc Sở Công Thương TP. Cần Thơ cho biết, những nỗ lực trên đã đem lại kết quả khả quan, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho doanh nghiệp và thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh và xuất khẩu.

Tuy nhiên, vẫn còn không ít những khó khăn như: Hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp xuất khẩu gạo chịu rủi ro từ việc giá thu mua lúa từ nông dân tăng trong khi giá ký các hợp đồng xuất khẩu đã được thỏa thuận trước đó, làm cho chi phí sản xuất tăng cao, khó cạnh tranh. Phần lớn các doanh nghiệp đều khó tiếp cận nguồn vốn tín dụng nên không chủ động trong việc thu mua lúa dự trữ phục vụ xuất khẩu. Nguồn nguyên liệu không ổn định về số lượng và chất lượng, làm giảm giá trị sản phẩm xuất khẩu. Ngoài ra, các doanh nghiệp trong lĩnh vực thủy sản gặp nhiều khó khăn hơn, hàng hóa tồn kho lớn do không xuất khẩu được đơn hàng vì sự suy giảm cầu từ các thị trường quốc tế.

Trước những khó khăn, thách thức đó, ông Huỳnh Thanh Sử cho biết, thời gian tới, Sở Công Thương sẽ tăng cường phối hợp với các đơn vị thuộc Bộ Công Thương và các cơ quan liên quan thông tin tình huống phát sinh tại địa phương, đề xuất giải pháp để thúc đẩy sản xuất và xuất khẩu.

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ theo Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công Thương và các Bộ ngành liên quan về việc đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh và xuất khẩu nông sản bền vững, minh bạch, hiệu quả trong tình hình mới.

Rà soát, đề xuất hoàn thiện cơ chế điều hành xuất khẩu gạo và quản lý hoạt động kinh doanh xuất khẩu gạo.

Tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan tăng cường công tác xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, hỗ trợ doanh nghiệp khai thác có hiệu quả lợi thế từ các Hiệp định thương mại tự do nhằm củng cố và mở rộng thị trường, nâng cao sức cạnh tranh cho nông sản xuất khẩu của thành phố.

Tiếp tục kết nối, hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn tín dụng thuận lợi, lãi suất ưu đãi, đáp ứng nhu cầu tín dụng phục vụ sản xuất và xuất khẩu.

 Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Lâm Hiển

Các đại biểu dự hội thảo. Ảnh: Lâm Hiển

Đẩy mạnh kêu gọi đầu tư các hạ tầng Logistics nhằm giảm giá thành sản phẩm, tăng sức cạnh tranh cho hàng hóa xuất khẩu.

Tiếp tục khuyến khích các doanh nghiệp xuất khẩu xây dựng vùng nguyên liệu, kết nối chuỗi sản xuất, chế biến và phân phối sản phẩm. Phối hợp xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản thành phố Cần Thơ.

Phối hợp chặt chẽ với các Sở ngành có liên quan tổ chức triển khai thực hiện Đề án “Phát triển bền vững một triệu ha chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030” trên địa bàn thành phố.

Phối hợp triển khai có hiệu quả Trung tâm liên kết sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp vùng đồng bằng sông Cửu Long, tập trung vào chế biến chuyên sâu, thu hút các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực chế biến nông sản, tăng cường liên kết trong chuỗi giá trị. Triển khai xây dựng hoàn chỉnh Chợ gạo Thương mại điện tử cấp vùng.

Ông Huỳnh Thanh Sử cũng kiến nghị các bộ, ngành Trung ương và Chính phủ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng tập trung nguồn vốn cho vay để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của doanh nghiệp xuất khẩu với thời hạn và lãi xuất ưu đãi; linh hoạt áp dụng các hình thức bảo đảm tiền vay; tiếp tục cải tiến quy trình, thủ tục cho vay.

Đặc biệt, Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng thương mại hỗ trợ tín dụng theo quy định cho các doanh nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp tham gia Đề án: Phát triển bên vững 1 triệu heta chuyên canh lúa chất lượng cao, phát thải thấp với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030.

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/ho-tro-tin-dung-cho-doanh-nghiep-xuat-khau-thanh-pho-can-tho-post396669.html