Hỗ trợ tối đa cho huấn luyện an toàn vệ sinh lao động
An toàn lao động là một trong những điều kiện cơ bản để duy trì, nâng cao hoạt động sản xuất kinh doanh. Chỉ khi người lao động nhận biết được các mối nguy hiểm trong quá trình làm việc cũng như đưa ra biện pháp phòng tránh, khắc phục, thì mới có thể đảm bảo được an toàn. Do đó, nhà nước đã tạo điều kiện tối đa trong việc hỗ trợ kinh phí huấn luyện an toàn lao động.
Lãnh đạo Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) cho biết, căn cứ Điều 24 Nghị định 37/2016/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật An toàn, vệ sinh lao động (ATVSLĐ) về bảo hiểm tai nạn lao động (TNLĐ), bệnh nghề nghiệp (BNN) bắt buộc cho thấy, mức hỗ trợ kinh phí huấn luyện ATVSLĐ được tính trên cơ sở các đối tượng tham gia huấn luyện ATVSLĐ theo mức tối đa: Không quá 01 lần mức lương cơ sở/người đối với người làm công tác ATVSLĐ; không quá 1/2 mức lương cơ sở/người đối với người lao động làm công việc có yêu cầu nghiêm ngặt về ATVSLĐ; không quá 1/4 mức lương cơ sở/người đối với người quản lý phụ trách ATVSLĐ; người làm công tác y tế; an toàn, vệ sinh viên. Bên cạnh đó, mức hỗ trợ tối đa bằng 30% mức giá dịch vụ huấn luyện ATVSLĐ theo quy định.
Theo báo cáo của Bộ LĐ-TB&XH, trung bình mỗi năm trên cả nước có hàng nghìn vụ TNLĐ. Số người mắc BNN cũng gia tăng. Nguyên nhân chính của TNLĐ do yếu tố chủ quan của con người chiếm tới 60%. Trong đó, người sử dụng lao động đã không xây dựng quy trình, biện pháp làm việc an toàn; thiết bị không đảm bảo an toàn; không tổ chức huấn luyện ATVSLĐ hoặc huấn luyện chưa đầy đủ; không bảo đảm điều kiện làm việc an toàn và không trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân cho người lao động. Phía người lao động cũng không sử dụng phương tiện bảo vệ cá nhân, đồng thời còn vi phạm nội quy, quy trình, quy chuẩn an toàn lao động.
Những điều này không chỉ gây ra tổn thất cho người lao động mà còn giảm năng suất và tổn hại về uy tín cho doanh nghiệp, người sử dụng lao động. Do đó, việc đầu tư vào huấn luyện ATVSLĐ đã được nhiều lao động, doanh nghiệp quan tâm thực hiện.
Ông Chang-Hee Lee - Giám đốc Văn phòng Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) tại Việt Nam - cho rằng, để có thể phòng tránh được hầu hết những mất mát, doanh nghiệp cần quan tâm hơn đến hệ thống quản lý an toàn, sức khỏe nghề nghiệp và các công nhân đều tuân thủ hướng dẫn an toàn. Cả người lao động và người sử dụng lao động đều cần nhận thức rõ hơn về những rủi ro, cũng như làm thế nào để giảm thiểu rủi ro qua công tác đào tạo, huấn luyện.
Để kiểm soát nguy cơ, rủi ro trong lao động; cải thiện điều kiện làm việc, không để xảy ra tai nạn, sự cố nghiêm trọng; hạn chế thấp nhất TNLĐ, BNN; xây dựng văn hóa an toàn lao động tại nơi làm việc, lãnh đạo Bộ LĐ-TB&XH yêu cầu: Các cấp chính quyền, cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và người lao động cần huy động nguồn lực để đa dạng các hình thức huấn luyện; xây dựng cơ sở đào tạo, huấn luyện chất lượng trên cơ sở phát triển các tài liệu huấn luyện sát thực; nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên và đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các hoạt động thông tin, huấn luyện ATVSLĐ; cần tiếp tục đầu tư, xây dựng các giải pháp, mô hình điển hình đảm bảo an toàn, phòng chống TNLĐ, BNN và cải thiện điều kiện lao động để nhân rộng ra trong cả nước... Người lao động cũng cần chủ động chấp hành đầy đủ, nghiêm túc các nội quy, quy trình, biện pháp ATVSLĐ; chủ động trang bị, trau dồi kiến thức, kỹ năng làm việc an toàn.
Lãnh đạo Cục An toàn lao động cho biết thêm, người sử dụng lao động được hỗ trợ kinh phí huấn luyện ATVSLĐ khi có đủ các điều kiện: Thực hiện đúng quy định pháp luật về bảo hiểm TNLĐ, BNN và huấn luyện ATVSLĐ; người lao động được hỗ trợ huấn luyện ATVSLĐ là người lao động có thời gian đóng bảo hiểm TNLĐ, BNN theo quy định đủ từ 12 tháng trở lên tính đến tháng đề nghị hỗ trợ kinh phí huấn luyện ATVSLĐ.