Hỗ trợ trâu, bò cho hộ nghèo, cận nghèo để phát triển kinh tế
Trong nhiều năm qua, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, chính quyền địa phương các hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã từng bước được cải thiện, nâng cao đời sống một cách rõ rệt.
Để có góc nhìn thực tế, khách quan, phóng viên Báo Bảo vệ pháp luật đã mục sở thị tại các hộ dân nghèo và cận nghèo trên địa bàn huyện Phú Lương đang thực hiện dự án II: Đa dạng hóa sinh kế, mô hình phát triển kinh tế giảm nghèo thuộc chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững năm 2023 nội dung chăn nuôi trâu sinh sản và bò giống.
Ông Dương Văn Hải, SN 1971, hộ khẩu thường trú xóm Đồng Nghè 2 xã Động Đạt, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên cho biết: Gia đình tôi là hộ nghèo của xóm, nhà có 5 khẩu gồm: 2 vợ chồng tôi và 3 con đang tuổi ăn học, tôi thì sức khỏe yếu do bệnh tắc nghẽn tĩnh mạch nên không lao động nặng được, chỉ có vợ tôi là lao động chính nuôi cả nhà.
Bởi vậy, kinh tế gia đình cũng không khá lên được. Năm 2023, khi được xóm, xã triển khai về chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững với nội dung hỗ trợ sinh kế cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo tham gia mô hình sản xuất cộng đồng để tạo sinh kế ổn định giúp hộ nghèo vươn lên thoát nghèo, tôi thấy đây là cơ hội tốt cho những người không có sức khỏe như tôi được tham gia sản xuất hỗ trợ gia đình trong phát triển kinh tế, nên tôi đã đăng ký được tham gia tổ sản xuất cộng đồng nuôi bò sinh sản. Sau khi tham gia tổ sản xuất, tôi được tham gia tập huấn về kỹ thuật chăn nuôi bò sinh sản, được xã tổ chức cho đi thăm quan thực tế và chọn bò giống tại hợp tác xã Lúa Vàng ở huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang.
Hôm đó, chúng tôi được cán bộ kỹ thuật của trại phổ biến về kỹ thuật chăn nuôi bò giống, cách chăm sóc bò sao cho nhanh thích nghi với môi trường chăn thả tự nhiên và phấn khởi hơn là chúng tôi được tự mình chọn những con bò giống ưng ý cho gia đình. Khi chúng tôi được nhận bò giống là cuối tháng 11/2023, đến nay cũng được gần 4 tháng, bò thích nghi với môi trường chăn thả, sinh trưởng và phát triển tốt, cán bộ xã cũng thường xuyên quan tâm xuống thăm và hướng dân cách chăm sóc cho bò. Bản thân tôi và gia đình cảm thấy rất vui mừng phấn khởi, cảm ơn chính sách của Đảng và Nhà nước, cảm ơn chính quyền địa phương đã mang đến những chính sách hỗ trợ thiết thực cho hộ nghèo như tôi.
Ông Phan Thanh Dũng SN 1950, ở xóm Cây Thị, xã Ôn Lương, huyện Phú Lương cho biết: Gia đình tôi thuộc hộ nghèo, gia đình có 3 khẩu. Từ khi được UBND xã triển khai chương trình hỗ trợ nuôi trâu sinh sản (Thuộc chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững). Gia đình đã mạnh dạn đăng ký đề án trên và gia đình tôi đã được Đảng và Nhà nước cấp cho một con trâu. Quá trình triển khai dự án đến các hộ dân trên địa bàn xã, gia đình chúng tôi đã được xã mời lên họp, tại buổi họp các gia đình đã được nghe các chính sách của Đảng và Nhà nước về các chương trình hỗ trợ hộ nghèo, thoát nghèo bền vững, quyền lợi và nghĩa vụ khi tham gia dự án. Sau khi nghe phổ biến xong, gia đình tôi đã đăng ký. Sau khi đăng ký xong, cán bộ xã đã đưa các hộ chúng tôi về cơ sở cung cấp Trâu giống (ở tỉnh Bắc Giang).
Tại đây, chúng tôi được cán bộ kỹ thuật của đơn vị tư vấn, hướng dẫn cách nuôi, chăm sóc và cách phòng, trị một số bệnh thường gặp khi trâu mới nhận. Đồng thời, cho các gia đình được chọn trực tiếp con trâu giống (khi chọn các con Trâu có mã số đeo ở tai). Khi chọn xong đơn vị cung cấp giống đã vận chuyển Trâu về địa phương để các hộ trực tiếp ra nhận. Khi nhận trâu xong các gia đình được xã mời lên tập huấn…Cho đến nay, trâu béo khỏe, ăn tốt, không bệnh tật gì. Gia đình rất vui mừng khi được nhận Trâu của dự án mà không phải nộp bất cứ một khoản chi phí nào. Tôi hy vọng, trong thời gian tới gia đình tôi có thể vươn lên thoát nghèo bền vững.
Ông Bùi Quang Huy, xóm Khuân Rây, xã Phủ Lý, huyện Phú Lương, tỉnh Thái Nguyên cho biết. Gia đình tôi thuộc đối tượng hộ nghèo, gia đình tham gia Dự án II “Đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo” năm 2023 tại xã Phủ Lý.
Chương trình được UBND huyện đã giao cho Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện và UBND xã thực hiện. Trong quá trình triển khai dự án này, tôi được UBND xã mời tham gia họp bàn, thống nhất các nội dung khi thực hiện dự án, biết về cơ chế chính sách hỗ trợ của Nhà nước, ký cam kết sẽ thực hiện những quy định mà chương trình đưa ra. Sau khi họp bàn, các gia đình được dự án hỗ trợ Tảng đá liếm, cám, chế phẩm xử lý chuồng trại, giống cỏ. Để chuẩn bị trước khi lấy trâu về, gia đình đã sửa lại chuồng, làm đất trồng cỏ. Tôi và các hộ khác được đi tham quan học tập mô hình tại Bắc Giang, tại đây tôi được cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách chăm sóc trâu, cách phòng bệnh cho trâu... Cán bộ còn trao đổi số điện thoại để liên hệ khi cần thiết. Sau đó, tham quan mô hình chuồng trại, khu trồng cỏ, khu chế biến, trộn thức ăn… Tôi được tự mình lựa chọn con trâu theo ý mình, do vậy tôi và các hộ rất phấn khởi. Sau khi nhận trâu về, gia đình chăm sóc cẩn thận, cỏ cắt về băm và trộn cùng cám do chương trình hỗ trợ, do vậy từ lúc nhận trâu từ tháng 7/2023 đến nay, trâu phát triển rất tốt, trâu béo khỏe, không bị bệnh. Cán bộ xã và trung tâm dịch vụ nông nghiệp huyện thường xuyên đến kiểm tra, hướng dẫn nên gia đình rất yên tâm. Gia đình tôi cảm ơn nhà nước đã quan tâm giúp đỡ, giúp cho những gia đình có hoàn cảnh khó khăn như tôi, cảm ơn các cán bộ kỹ thuật của huyện, cán bộ xã đã giúp đỡ để tôi có thể chăm sóc trâu cũng như sản xuất nông nghiệp tốt hơn, có thể từng bước phát triển kinh tế, mang lại nhu nhập cao hơn để sớm thoát nghèo.
Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc quyết liệt của các cấp, các ngành tỉnh Thái Nguyên thực hiện dự án II đa dạng hóa sinh kế, những hộ nghèo và cận nghèo trên địa bàn sẽ từng bước được nâng cao và cải thiện đời sống trong thời gian tới.