Hỗ trợ tư vấn về sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo
Hội nghị kết nối tìm hiểu nhu cầu và tư vấn pháp lý cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp khoa học công nghệ (KHCN) về sở hữu trí tuệ khu vực phía Nam được tổ chức ngày 23/11 tại TP. Hồ Chí Minh.
Hội nghị do Viện Khoa học sở hữu trí tuệ - Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với các đối tác tổ chức, tiếp nối Hội nghị được tổ chức tại Hà Nội ngày 18/10/2023 thuộc khuôn khổ triển khai nhiệm vụ “Hỗ trợ phát triển thị trường cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo; phát triển các nền tảng trực tuyến liên kết, kết nối các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” thuộc Đề án “Hỗ trợ hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo quốc gia đến năm 2025” được phê duyệt tại Quyết định số 844/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ do Bộ Khoa học và Công nghệ chủ trì thực hiện.
Hội nghị được tổ chức nhằm mục đích kết nối tìm hiểu nhu cầu của doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp KHCN, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp trong vực sở hữu trí tuệ và các lĩnh vực liên quan.
Tham dự Hội nghị là đại diện của các doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp KHCN, tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp, các trường đại học, viện nghiên cứu tại khu vực phía Nam, các tổ chức dịch vụ sở hữu trí tuệ, các đơn vị của Bộ KH&CN và các đơn vị truyền thông trong và ngoài Bộ.
Tại Hội nghị, các chuyên gia của Viện sẽ chia sẻ về các chủ đề: Thông tin sở hữu công nghiệp đối với hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Vai trò của sở hữu trí tuệ và thông tin sở hữu công nghiệp đối với doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp KHCN; Đề xuất, khuyến nghị về việc sử dụng thông tin sở hữu công nghiệp hiệu quả đối với doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và doanh nghiệp KHCN và tổ chức hỗ trợ khởi nghiệp); Công cụ khai thác thông tin sở hữu công nghiệp phục vụ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.
Chủ đề còn lại liên quan đến các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo do hai đơn vị trực thuộc Bộ KH&CN trình bày gồm: Hoạt động đánh giá, định giá công nghệ - tài sản trí tuệ phục vụ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (Viện Đánh giá khoa học và Định giá công nghệ); Chính sách hỗ trợ tài chính dành cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo từ Quỹ NATIF (Quỹ Đổi mới công nghệ quôc gia) và chủ đề còn lại là Hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp đổi mới sáng tạo – Điều gì có thể giúp hệ sinh thái cất cánh. Thực tiễn và bài học kinh nghiệm từ một số quốc gia khác do tổ chức hỗ trợ hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trình bày (Nền tảng đổi mới sáng tạo mở BambuUp).
Theo TS. Nguyễn Hữu Cẩn, Viện Khoa học sở hữu trí tuệ (VIPRI), 3 dạng tài sản trí tuệ có giá trị nhất đó là: cơ sở dữ liệu khách hàng (42%), công nghệ sản phẩm (40%), và thông tin R&D (23%) (khảo sát 314 nhà quản lý doanh nghiệp cấp cao ở Trung Quốc, Pháp, Đức, Singapore, Anh và Mỹ trong các lĩnh vực hàng tiêu dùng và bán lẻ, tài chính, năng lượng và nguồn lực tự nhiên).
Các doanh nghiệp có sở hữu tài sản trí tuệ tạo ra doanh thu trung bình/người cao hơn 20% so với doanh nghiệp không sở hữu tài sản trí tuệ (Khảo sát hơn 127.000 công ty từ 28 nước Thành viên EU trong 13 năm (2007-2019).
Cũng tại Hội nghị, các chuyên gia của Viện và Đối tác sẽ tiếp nhận yêu cầu tư vấn và thực hiện tư vấn miễn phí cho doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp KHCN tại khu vực phía Nam về lĩnh vực sở hữu trí tuệ (khai thác thông tin sở hữu công nghiệp, xác lập quyền sở hữu công nghiệp, bảo vệ quyền sở hữu công nghiệp) và các vấn đề có liên quan hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo như vấn đề tài chính, định giá tài sản trí tuệ, kinh nghiệm quốc tế về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo… qua đó góp phần tháo gỡ những vướng mắc, khó khăn mà doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp KHCN phải đối mặt trên thực tiễn.