Hỗ trợ xây dựng mã số vùng trồng để hoàn thiện tiêu chí nông thôn mới nâng cao

Mã số vùng trồng (MSVT) là mã số định danh cho một vùng trồng trọt để theo dõi tình hình sản xuất, kiểm soát chất lượng sản phẩm, truy xuất nguồn gốc cây trồng, đưa khâu tổ chức sản xuất bắt kịp xu thế phát triển nông nghiệp hiện đại, tạo thuận lợi để xuất khẩu nông sản chính ngạch. Với tầm quan trọng này, hiện nay, MSVT trở thành một trong những tiêu chí cứng để đánh giá, công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới (NTM) nâng cao, NTM kiểu mẫu. Tuy nhiên, đây là tiêu chí mới, khó thực hiện nên đòi hỏi sự vào cuộc đồng bộ của ngành nông nghiệp và PTNT cũng như chính quyền địa phương.

Theo số liệu Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, Quảng Trị đã được cấp 23 MSVT với diện tích 2.195,775 ha, trong đó có 11 MSVT phục vụ xuất khẩu cho sản phẩm chuối và lúa; 12 MSVT nội địa cho các sản phẩm lúa, hồ tiêu, ném, an xoa, đậu xanh, chanh leo, lạc, thanh long. Ngoài ra, có 4 hồ sơ (3 MSVT chanh leo và 1 cơ sở đóng gói (CSĐG) phục vụ xuất khẩu cho sản phẩm chuối) đang chờ kết quả đàm phán giữa Cục Bảo vệ thực vật và Tổng cục Hải quan Trung Quốc (GACC) phê duyệt.

Những năm qua, Quảng Trị cũng bước đầu hình thành các vùng sản xuất tập trung như: vùng trồng lúa hữu cơ ở các huyện Vĩnh Linh, Gio Linh, Triệu Phong và Hải Lăng; vùng sản xuất hồ tiêu theo tiêu chuẩn hữu cơ tại xã Kim Thạch, huyện Vĩnh Linh; vùng sản xuất cà phê đặc sản, chanh leo ở huyện Hướng Hóa; vùng sản xuất các loại cây ăn quả ở xã Hải Sơn, xã Hải Phú, huyện Hải Lăng, phía Tây xã Triệu Ái, huyện Triệu Phong.

Tuy nhiên, quá trình triển khai việc cấp MSVT trên địa bàn tỉnh gặp nhiều khó khăn do quy mô sản xuất nông nghiệp manh mún, nhỏ lẻ. Mỗi hộ dân sử dụng một diện tích rất nhỏ nên có khi một vùng trồng vài chục héc ta nhưng có tới hàng trăm nông dân cùng canh tác. Bên cạnh đó, diện tích đất sản xuất tập trung cũng không nhiều, không đồng nhất trong từng vùng trồng.

Do vậy, rất khó để thực hiện đồng bộ các giải pháp kỹ thuật đáp ứng theo yêu cầu. Đến nay, ít người dân hiểu biết về lợi ích của MSVT, trong khi vùng trồng được cấp mã số thì người sản xuất trực tiếp phải cập nhật thông tin trên cơ sở dữ liệu để quản lý về mùa vụ, các tác động vào vùng trồng, thu hoạch, năng suất... khiến họ thêm việc, tốn thời gian nên nhiều người không mặn mà với việc xây dựng MSVT cho nông sản.

Theo bộ tiêu chí NTM nâng cao trên địa bàn tỉnh Quảng Trị giai đoạn 2021 - 2025 do UBND tỉnh ban hành ngày 7/4/2022, vùng nguyên liệu tập trung đối với nông sản chủ lực của xã được cấp MSVT được đưa vào thành tiêu chí bắt buộc để cấu thành tiêu chí số 13 là Tổ chức sản xuất và phát triển kinh tế nông thôn.

Có nghĩa là từ nay, để đạt xã NTM nâng cao, địa phương phải có vùng nguyên liệu sản xuất tập trung được cấp MSVT. Vì thế, ngành nông nghiệp cần phối hợp các địa phương rà soát lại các vùng sản xuất chính, vùng trồng các loại cây được xác định là chủ lực, đặc sản của tỉnh để tập trung hỗ trợ, thiết lập, cấp MSVT cho vùng sản xuất, nhất là tại các xã phấn đấu đạt xã NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trong năm 2023 và những năm tiếp theo.

Cần tổ chức tập huấn cho cán bộ nông nghiệp xã cũng như nông dân nắm các quy định về xây dựng MSVT, CSĐG nông sản, giúp người dân hiểu rõ tầm quan trọng và lợi ích của MSVT. Đồng thời xây dựng, đề xuất cấp có thẩm quyền về chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển vùng trồng theo quy mô sản xuất hàng hóa để hình thành các MSVT.

Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, để giúp các xã hoàn thiện tiêu chí MSVT khi thực hiện xây dựng NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu, thời gian tới, chi cục tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, tổ chức cấp và giám sát MSVT và CSĐG nông sản phục vụ xuất khẩu trên địa bàn tỉnh, đặc biệt tập trung hỗ trợ hướng dẫn tổ chức, cá nhân để cấp MSVT nội địa cho các xã về đích NTM kiểu mẫu, NTM nâng cao.

Theo đó, các tổ chức, cá nhân có yêu cầu trực tiếp lên hệ thống phần mềm quản lý trực tuyến tại địa chỉ trang web https://csdltrongtrot.mard.gov.vn để đăng ký. Điều này giúp người dân thuận lợi, không phải đi lại nhiều lần đến cơ quan chức năng để nộp hồ sơ xin cấp MSVT nội địa. Đối với việc cấp MSVT, CSĐG phục vụ xuất khẩu, chi cục tiếp tục thực hiện việc tiếp nhận hồ sơ, thiết lập vùng trồng, CSĐG, đảm bảo duy trì các điều kiện kỹ thuật đối với MSVT, CSĐG đã cấp.

Xem xét, kiểm tra kỹ các thông tin về diện tích, sản lượng, sự đồng thuận của các hộ nông dân tham gia vào vùng trồng cũng như các điều kiện kỹ thuật khác trước khi gửi báo cáo về Cục Bảo vệ thực vật. Hướng dẫn UBND các xã, tổ chức, cá nhân hoàn thiện hồ sơ để cấp MSVT, CSĐG cũng như các giải pháp kỹ thuật liên quan để bảo đảm thực hiện đúng quy định của nước nhập khẩu về kiểm dịch thực vật và an toàn thực phẩm.

Bên cạnh sự vào cuộc của ngành nông nghiệp và PTNT, các địa phương cần chủ động kiểm tra, giám sát các vùng trồng, CSĐG đã được cấp mã số theo đúng quy định, đảm bảo vùng trồng, CSĐG luôn duy trì được tình trạng đáp ứng yêu cầu của nước nhập khẩu.

Đồng thời, tuyên truyền nông dân thay đổi thói quen canh tác truyền thống, ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất, từng bước tạo ra sản phẩm chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm, dễ dàng truy xuất nguồn gốc, tạo điều kiện thuận lợi đăng ký MSVT. Qua đó, góp phần tạo đầu ra ổn định cho các sản phẩm nông sản, từng bước nâng cao thu nhập cho nông dân.

Mai Lâm

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/van-de-binh-luan/ho-tro-xay-dung-ma-so-vung-trong-de-hoan-thien-tieu-chi-nong-thon-moi-nang-cao/178011.htm