Hỗ trợ xử lý vệ sinh môi trường, phòng chống dịch sau mưa lũ tại Quảng Bình
Để hỗ trợ các tỉnh miền Trung xử lý vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh sau mưa lũ, tháng 10/2020, Cục Quản lý môi trường y tế đã thành lập Tổ công tác số 2 tiến hành làm việc tại tỉnh Quảng Bình từ ngày 03/11/2020 để hỗ trợ tăng cường theo Quyết định số 4511/QĐ-BYT ngày 29/10/2020 của Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế.
Thành phần Tổ công tác do TS. Nguyễn Thanh Hà - Phó Cục trưởng Cục Quản lý môi trường y tế là Tổ trưởng, thành viên gồm đại diện Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương, Cục Y tế dự phòng, Cục Quản lý môi trường y tế, Cục An toàn thực phẩm, Viện Dinh dưỡng quốc gia.
Tổ Công tác đã làm việc với Sở Y tế; Trung tâm kiểm soát bệnh tật tỉnh Quảng Bình; trung tâm y tế huyện thị và các cơ sở y tế để thu thập thông tin, đánh giá thực trạng tình hình thiệt hại, nguy cơ dịch bệnh và khả năng đáp ứng, công tác xử lý môi trường, nước sạch, phòng chống dịch bệnh, an toàn thực phẩm, dinh dưỡng. Xác định khó khăn, tồn tại và vấn đề ưu tiên để trực tiếp hỗ trợ và phối hợp ngành y tế tỉnh Quảng Bình xử lý vệ sinh môi trường, nước sạch, phòng chống dịch, an toàn thực phẩm, dinh dưỡng.
Theo báo cáo của Sở Y tế tỉnh Quảng Bình, thiệt hại do bão lũ lụt tháng 10/2020 vừa qua rất lớn. Toàn tỉnh có 25 người chết, 255 người bị thương, 84 cơ sở y tế bị ngập. Số máy móc, trang thiết bị y tế bị hư hỏng, mất do lũ lụt ước tính ban đầu thiệt hại khoảng 47.420 triệu đồng; trong đó thiệt hại nhiều máy móc, trang thiết bị tại các trạm y tế, trung tâm y tế và các bệnh viện. Hệ thống xử lý chất thải lỏng của 03 bệnh viện bị hư hỏng: BVĐK huyện Lệ Thủy, BVĐK huyện Quảng Ninh, BVĐK khu vực Bắc Quảng Bình; hệ thống X-quang của các bệnh viện Lệ Thủy, Quảng Ninh bị hư hỏng.
Sau khi nước rút, môi trường bị ô nhiễm do rác thải, xác gia súc, gia cầm chết, lượng rác thải phát sinh sau bão, lũ lụt rất lớn. Qua khảo sát thực địa, tổ công tác đã xác định các huyện Lệ Thủy, Quảng Ninh, Ba Đồn, Bố Trạch là địa bàn có nguy cơ bùng phát dịch nếu không làm tốt công tác giám sát cung cấp nước sạch, vệ sinh môi trường, giám sát véc tơ gây bệnh.
Tổ công tác đã tới các xã tại huyện Quảng Ninh, huyện Lệ Thủy để trực tiếp hướng dẫn cán bộ y tế huyện và xã kiểm tra công tác vệ sinh môi trường, hướng dẫn xử lý vệ sinh, khử khuẩn các giếng nước. Hướng dẫn cán bộ y tế huyện phun hóa chất khử khuẩn các điểm tập kết rác để tránh ô nhiễm trong thời gian chờ xe của môi trường vận chuyển xử lý.
Đồng thời, tổ công tác cũng tới các hộ gia đình có bệnh nhân sốt xuất huyết dengue và tiến hành điều tra dịch tễ, xử lý ổ dịch, véc tơ truyền bệnh; đồng thời tư vấn, hướng dẫn cho người dân các biện pháp diệt bọ gậy, loại bỏ những nơi sinh sản phát triển của muỗi. Qua điều tra đã phát hiện ổ bọ gậy và muỗi Aedes aegypti truyền bệnh sốt xuất huyết tại xã Tân Ninh, Huyện Quảng Ninh. Điều này cho thấy nguy cơ bùng phát dịch sốt xuất huyết tại những địa phương ngập lụt nếu không kịp thời triển khai các biện pháp phòng chống.
Ngoài ra, tổ công tác tiến hành kiểm tra các nhà máy nước của công ty cổ phần cấp nước tỉnh Quảng Bình và một số trạm cấp nước nông thôn của huyện Lệ Thủy để đánh giá công tác cung cấp nước sạch và đảm bảo chất lượng nước trong mùa lụt bão đồng thời lấy các mẫu nước để xét nghiệm, giám sát chất lượng nước ăn uống, sinh hoạt cho bà con.
Hỗ trợ xử lý nước và kiểm tra trạm cấp nước tại các huyện Quảng Ninh, Lệ Thủy.
Mưa lũ lớn đã gây ngập lụt, ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân và gây ô nhiễm môi trường, tăng nguy cơ bùng phát dịch bệnh. Cục Quản lý môi trường y tế, Bộ Y tế đã cho ban hành cuốn Sổ tay Hướng dẫn xử lý nước và vệ sinh môi trường trong mùa bão lụt nhằm giúp người dân có kiến thức về xử lý nước và vệ sinh môi trường, phòng, chống dịch bệnh có liên quan để bảo vệ sức khỏe và môi trường sống xung quanh.
Mời độc giả xem nội dung chi tiết tham khảo tại Sổ tay Hướng dẫn xử lý nước và vệ sinh môi trường trong mùa bão lụt (dưới đây).
File đính kèm