Hổ trong những câu chuyện trạng Vĩnh Hoàng

'Năm con hổ, kể chuyện trạng con hổ' là lời mời khá hấp dẫn, thú vị của người dân làng trạng Vĩnh Hoàng (xã Vĩnh Tú, huyện Vĩnh Linh), đối với du khách phương xa. Ngày tết Nhâm Dần, về làng trạng nghe kể chuyện hổ, trải lòng trong những nụ cười vui tươi, sảng khoái qua chất giọng đặc sắc, ngôn từ, điệu bộ và thổ ngữ địa phương cũng là một điều thú vị.

 Ông Trần Đức Trí hăng say kể chuyện “Bắt nhầm cọp đi cày” - Ảnh: M.Đ

Ông Trần Đức Trí hăng say kể chuyện “Bắt nhầm cọp đi cày” - Ảnh: M.Đ

“Ai về Vĩnh Tú nhớ ghé lại Huỳnh Công Tây/Để thăm làng trạng nơi đây một lần”. Trạng Vĩnh Hoàng xuất xứ từ trạng dân gian, là nét đẹp văn hóa độc đáo không nơi nào có được. Chuyện đều bắt đầu từ sự việc có thật, rồi được nhân cách hóa, cường điệu hóa, hư cấu thành một câu chuyện hiển nhiên như thật, rất tự nhiên và hài hước. Trong hoàn cảnh càng khó khăn, gian khổ, ác liệt thì chuyện trạng càng nở rộ, tạo nên những tiếng cười sảng khoái cho người dân có thêm nghị lực, sống thêm lạc quan, yêu đời.

Chị Hoàng Diệu Hương, công chức văn hóa - xã hội xã Vĩnh Tú cho biết, ở Vĩnh Tú, đại đa số người dân đều có thể kể chuyện trạng Vĩnh Hoàng, tuy nhiên, để kể đúng “hồn trạng” thì còn rất ít người. Trong số những người kể hay và đúng với chất trạng nhất là ông Trần Hữu Chư, ông Trần Đức Trí... với lối kể hóm hỉnh, vui tươi, lạc quan, yêu đời, có ý nghĩa giáo dục, răn dạy thông qua chuyện kể chứ không đơn thuần là câu chuyện khoác lác, chọc cười vô nghĩa. Tết con hổ, được nghe kể chuyện trạng con hổ từ các nghệ nhân thì không gì “đã tai” bằng.

Xưa nay, hổ được ví như chúa tể rừng xanh, nhiều người khiếp sợ. Người làng trạng đã “chiến thắng” loài hổ bằng những câu chuyện trạng như: Bắt nhầm cọp đi cày, Bứt nhầm đuôi cọp... Nói về hổ, ông Trần Đức Trí (83 tuổi), thôn Huỳnh Công Tây, cao hứng kể: “Bữa đó, nhà tui có mấy tấm ruộng trạc, tui muốn đi cày sớm nên dặn vợ chuẩn bị sẵn cơm nước để đi cày. Trời đã sáng chi mô mà vợ tui đã làm sẵn cho một bù nước chè đặc với một mo cơm nếp sáo với khoai luộc, mùi bay thơm phúc. Tui khoái quá, liền lùa bò một mạch ra tận rú ông Đồn, thấy trời vẫn chưa sáng, tui cho bò ăn một chặp”.

Ông nhấn mạnh từng câu, từng chữ với giọng kể nặng trịch: “Trời thì trăng cứ “đực đực... đực đực”, không biết còn khuya hay đã sáng. Tui liền bắt bò đi cày, tui sờ vô từng con, thấy con mô con nấy đều cũng trơn cũng láng cả, không biết con nào là con Ô, con nào là con Dề. Tui ngó về cây chạc mao, thấy có 2 con ăn song kềm với nhau. Tui nói, con Ô với con Dề đang ăn với nhau đây rồi, tui mới bắt cả 2 con cải vô cày. Chỉ mới một loáng mà tui cày xong mẫu mốt như chơi. Qua vạt thứ 2, tui mới cày được mấy đàng, tự nhiên hắn dừng lại không chịu đi nữa. Tui dạo “tắc, tắc” hắn cũng không đi, tui dạo “rì, rì” hắn cũng ì ra. Tức máu quá, tui mới quất cho mấy roi, hắn lồng lên làm cho cái cày đâm sâu xuống nghe kêu rắc rắc. Tui nói con bò Dề sáng ni sao mà trở chứng. Rồi hắn xây cái mặt lại với tui, chằm vằm ra như cái mâm”.

Đến hồi cao trào, ông càng nhấn mạnh hơn làm cho chúng tôi liên tưởng như đang chứng kiến sự việc diễn ra. “Trời đã sáng tỏ, thì rõ ràng đây là đực cọp chứ có phải bò Dề mô. Con cọp mi báo hại tao rồi. Sẵn cơn rạ, tui chặt một nhát làm cho cái niệt cày đứt làm đôi tháo cho cọp chạy. Lạo lủi một mạch lên rú ông Đồn mà không dám ngoái đầu lại. Rứa hắn đã làm cho tui lỡ mất bữa cày”. Qua lời kể, ông đưa người nghe đi đến nhiều cung bậc cảm xúc trong sự tò mò và đoạn kết viên mãn là nụ cười sảng khoái, vui tươi.

 Ông Trần Hữu Chư vẽ tranh trạng Vĩnh Hoàng về loài hổ trên bức tường nhà mình mới xây xong - Ảnh: M.Đ

Ông Trần Hữu Chư vẽ tranh trạng Vĩnh Hoàng về loài hổ trên bức tường nhà mình mới xây xong - Ảnh: M.Đ

Nhiều người làng trạng nói, “đặc sản” ngày Tết mà họ đãi khách là những câu chuyện trạng, chỉ nghe qua một lần là nhớ mãi. Chúng tôi “thấm” điều đó qua nhiều câu chuyện trạng của ông Trần Hữu Chư, người gìn giữ hồn trạng Vĩnh Hoàng. Tôi ấn tượng nhất là bức tranh “Bắt cọp đi cày” của ông được tạc ở vị trí trang trọng ở Hợp tác xã Huỳnh Công Tây để du khách gần xa đến đây, chỉ cần thấy bức tranh này là biết mình đặt chân đến làng trạng.

Hàng chục năm qua, ông đã sưu tầm được hàng trăm câu chuyện và thơ trạng người xưa để lại; trực tiếp sáng tác hàng trăm bài thơ trạng và tự tay vẽ trên 500 bức tranh về chuyện trạng, trong đó, có khoảng 50 bức tranh về hổ. Vừa qua, gia đình mới xây dựng bức tường kiên cố, ông tiện tay vẽ luôn 8 bức tranh trạng lên tường, trong đó có 2 bức tranh về hổ. Chỉ cần nhìn bức tường đẹp được vẽ bằng tranh trạng là biết nhà ông Chư.

 Một số hình ảnh minh họa trong các câu chuyện trạng - Ảnh: M.Đ

Một số hình ảnh minh họa trong các câu chuyện trạng - Ảnh: M.Đ

Ông Chư nói, trạng về hổ luôn thu hút, lôi cuốn người nghe. Dù được xem như chúa tể rừng xanh, oai hùng, dữ tợn nhưng đối với người làng trạng thì hổ đã trở thành câu chuyện vui. Câu chuyện “Bứt tranh bứt nhầm đuôi cọp” thật ấn tượng trong từng câu chữ qua giọng kể của ông Chư. “Hôm đó, mấy anh em chúng tôi rủ nhau đi bứt tranh trên nguồn. Lên đến nơi, chúng tôi gặp một bãi tranh rậm rịt, thấy ưng ý. Chúng tôi sà vô bứt, vì mãi mê bứt mà không để ý, bỗng có tiếng “soạt” làm đám tranh tung lên. Tôi thấy máu phọt ra đầy cả chân tay, tôi tưởng mình bị thương nhưng sờ vô khắp cả người, chẳng thấy thương tích chổ nào. Bỗng từ phía bên kia đồi, tiếng hổ gầm thét làm kinh thiên động địa. Tôi mới đoán ra: À té ra đực cọp bị thương, vì tôi say bứt mà không để ý nên liềm phang phải lạo, phọt máu ra đau quá mới vọt chạy, chừ kêu toáng lên đó thôi. Tưởng đó là việc bình thường nên vẫn tiếp tục bứt cho đủ tranh để đem về lợp nhà”.

Ông nhâm nhi ly chè xanh bình thản, rồi bỗng thay đổi sắc thái trên khuôn mặt: “Một buổi trưa, đang còn say giấc ngủ, bỗng có tiếng con chó vàng sủa toáng lên, nghe đinh tai, điếc óc. Tôi thấy lạ quá chạy ra xem thử, té ra gió Nam thổi mạnh làm mấy cái tranh tốc ngược lên, để bày ra cái đuôi cọp vặc vặc, vện vện cứ vất qua vất lại thật là ngạo nghễ. Hèn chi mà con chó vàng sủa dai rứa phải. Rứa là bữa trước bứt tranh tui đã bứt nhầm phải đuôi “mệ” đem về lợp lên mái nhà mà không biết” (Cọp còn gọi là mệ).

Minh họa thêm cho câu chuyện, ông đọc vài câu thơ: “... Nói ra thật chuyện ly kỳ/Mệ đang say ngủ biết gì chung quanh/Liềm phay quá mạnh quá nhanh/Liềm phay phải mệ bứt nhầm đó thôi.../Bó tranh tôi chở về xuôi/Tranh thời khô ráo tôi thời lợp lên.../Không ngờ một trận gió Nam/Vén tranh để lộ đuôi sam vặt về/Hèn chi chó sủa cả trưa/Bứt nhầm đuôi mệ xin chừa từ đây”. Ông còn đem nhiều bức tranh tự chính tay ông vẽ về loài hổ, kèm theo những dòng chú thích hình ảnh cho người xem dễ hiểu rõ nội dung, như bức tranh “Bắt nhầm cọp đi cày” kèm theo nhiều lời chú thích: “Đúng là hắn trở chứng. Té ra cọp chứ không phải bò dê”, “Rõ cọp rồi, tháo cho hắn chạy”... và một số bức tranh về hổ khác với dòng chú thích: “Tạt nồi cháo đang nấu nóng hổi vào miệng cọp”, “Cọp lên tìm người Vân Kiều để đòi lại đuôi sau khi bị bứt”...

Thông qua những bức tranh, bài thơ và nhất là các chuyện trạng được kể bằng giọng nặng trịch, lúc trầm, lúc bổng, lúc nhanh, lúc chậm, tập trung xoáy sâu vào chi tiết, ông Chư đã đưa chúng tôi đi qua nhiều cung bậc cảm xúc khác nhau, để rồi đọng lại là tiếng cười vui tươi, sảng khoái. Cũng như chúng tôi, biết bao người đã hơn một lần nghe trạng Vĩnh Hoàng và muốn quay trở lại để nghe tiếp. "Dù ai đi ngược đi xuôi/Tiếng trạng đã ngấm vẫn về đây nghe”...

Nguyễn Minh Đức

Nguồn Quảng Trị: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?tabid=74&modid=421&itemid=164682&title=ho-trong-nhung-cau-chuyen-trang-vinh-hoang