Hòa An phát triển rau màu hàng hóa
Tận dụng lợi thế của địa phương, nhiều hộ dân trên địa bàn huyện Hòa An mạnh dạn chuyển đổi một phần đất trồng lúa sang trồng các loại rau màu và cây ăn quả theo hướng sản xuất hàng hóa bước đầu đem lại hiệu quả, nâng cao thu nhập, cải thiện cuộc sống.
Để khai thác hiệu quả đất đai, phát triển nông nghiệp theo hướng hàng hóa, huyện Hòa An vận động nhân dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Các phòng chuyên môn của huyện tập trung tuyên truyền, hướng dẫn các hộ dân tuân thủ nghiêm ngặt các quy trình sản xuất rau an toàn, đưa những cây rau màu có chất lượng tốt vào sản xuất và nhân giống. Thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã và kết nối với các doanh nghiệp phát triển các loại rau màu lợi thế theo hướng hàng hóa. Hiện, huyện hình thành các vùng chuyên canh rau màu với tổng diện tích gần 300 ha, chủ yếu tập trung ở các xã: Hồng Việt, Hoàng Tung, Thị trấn..., có nhiều mô hình rau an toàn hoạt động hiệu quả. Sản phẩm được cung ứng cho thị trường trong tỉnh, phục vụ các nhà hàng, khách sạn, siêu thị và các cửa hàng thực phẩm an toàn...
Chủ tịch UBND xã Hồng Việt Trần Văn Hoàn cho biết: Tận dụng diện tích bãi bồi đất ven sông, bà con tập trung phát triển cây rau hàng hóa, hằng năm diện tích rau màu duy trì thường xuyên trên 30 ha. Đặc biệt, mấy năm gần đây, nhiều hộ dân mạnh dạn chuyển đổi diện tích trồng lúa sang trồng dưa hấu và dưa lê đem lại giá trị kinh tế cao với diện tích toàn xã trên 2 ha.
Chị Ban Thị Huyên, xóm Dẻ Đoóng cho biết: Từ năm 2019, nhận thấy cây dưa hấu và dưa vàng phù hợp điều kiện khí hậu ở địa phương, gia đình tôi mạnh dạn chuyển đổi 1.000 m2 đất lúa sang trồng dưa, do khí hậu, thổ nhưỡng phù hợp nên cây trồng sinh trưởng và phát triển tốt, mang lại nguồn thu nhập ổn định cho gia đình. Bên cạnh đó, gia đình chị trồng thêm một số loại rau màu khác như đỗ, khoai tây… Hằng năm gia đình bán trên 1 tấn quả và các loại hoa màu, tạo thêm thu nhập, ổn định cuộc sống.
Xã Hoàng Tung là một trong những xã điểm về trồng và phát triển rau màu, bên cạnh trên 20 ha rau màu các loại, nhiều hộ dân ứng dụng công nghệ nông nghiệp thông minh xây dựng hệ thống dưa lưới. Ông Đàm Văn Truyền, xóm Đoàn Kết, xã Hoàng Tung là một trong những hộ đầu tư hệ thống dưa lưới, chia sẻ: Qua nhiều lần đi tìm hiểu và học hỏi kinh nghiệm từ các mô hình trồng dưa lưới trong nhà màng ở trong và ngoài tỉnh thấy cho hiệu quả cao hơn nhiều lần so với trồng lúa và rau màu, gia đình tôi mạnh dạn chuyển đổi gần 3.000 m2 đất nông nghiệp sang trồng cây dưa vàng, đây là giống dưa lưới chất lượng ngon, được thị trường ưa chuộng, có giá trị kinh tế cao, quá trình trồng và chăm sóc rất dễ. Mô hình trồng dưa lưới ứng dụng công nghệ cao trong nhà màng giúp cây dưa sinh trưởng, phát triển tốt hơn, ít bị ảnh hưởng của thời tiết, ít sâu bệnh hại và tiết kiệm công lao động hơn rất nhiều so với cách canh tác truyền thống hiện nay. Mặc dù chi phí đầu tư ban đầu cao nhưng sản phẩm thu được đảm bảo an toàn, chất lượng, bảo vệ sức khỏe người trồng cũng như người tiêu dùng và thân thiện với môi trường.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Hòa An, thời gian tới, huyện tiếp tục tiến hành rà soát, quy hoạch, định hướng một số vùng, địa bàn phát triển rau màu tập trung theo hướng chuyên canh, ưu tiên phát triển trên diện tích ruộng 1 vụ và phát triển rau màu vụ đông, phối hợp mở các lớp tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật, cách trồng rau sạch, an toàn cho nông dân; tăng cường áp dụng các biện pháp kỹ thuật tiên tiến trong phát triển rau màu; đặc biệt là áp dụng các tiêu chuẩn trồng rau an toàn trong nhà lưới, trồng theo hướng hữu cơ, tiêu chuẩn VietGAP... Xây dựng các mô hình điểm được áp dụng khoa học kỹ thuật, đưa những cây rau có chất lượng, hiệu quả vào sản xuất để nhân rộng, góp phần mở hướng đi mới trong phát triển rau màu theo hướng hàng hóa, đem lại nguồn thu nhập ổn định cho nông dân tại địa phương.
Nguồn Cao Bằng: https://baocaobang.vn/hoa-an-phat-trien-rau-mau-hang-hoa-3170237.html