Hòa Bình: Bứt tốc giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm

Theo báo cáo tổng hợp từ Bộ Tài chính, nhiều năm trở lại đây, Hòa Bình luôn nằm trong top có tỷ lệ giải ngân đạt khá của cả nước. Năm 2022, với nguồn vốn được giao trên 4.192 tỷ đồng, tỉnh đã khẩn trương phân bổ cho các sở, ngành, địa phương và đưa ra các giải pháp để bứt tốc trong giải ngân ngay từ những tháng đầu năm.

Giải ngân vốn đầu tư công đạt 16,2% kế hoạch

Theo báo cáo từ UBND tỉnh Hòa Bình, đến nay tỉnh đã phân bổ, giao chi tiết đến từng dự án với số vốn 3.823,6 tỷ đồng.

Cụ thể, vốn đầu tư trong cân đối ngân sách tỉnh 1.869,7 tỷ đồng; vốn tăng thu ngân sách địa phương 798,9 tỷ đồng; vốn ngân sách trung ương trong nước 732,5 tỷ đồng; vốn nước ngoài 422,6 tỷ đồng. Số vốn còn lại 369,2 tỷ đồng dự kiến bố trí cho các dự án thuộc Đề án phát triển kinh tế- xã hội vùng chuyển dân sông Đà tỉnh Hòa Bình (hiện đã được Thủ tướng Chính phủ giao Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025).

Công chức Kho bạc Nhà nước đang thực hiện kiểm soát nguồn vốn đầu tư ngân sách nhà nước. Ảnh TL minh họa

Với nguồn vốn chi tiết được giao, các địa phương trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã tập trung hoàn thành công tác chuẩn bị đầu tư, lựa chọn nhà thầu để sớm triển khai thi công các công trình đảm bảo tiến độ đề ra.

Tại huyện Lạc Thủy, ngay từ đầu năm, UBND huyện đã đôn đốc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án tập trung nhân lực, thiết bị, vật tư nhằm đẩy nhanh tiến độ thi công, hoàn thành các hạng mục của dự án theo đúng kế hoạch. Đồng thời, UBND huyện Lạc Thủy đã yêu cầu các chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu khối lượng hoàn thành cho các dự án thành nhiều đợt, tránh để dồn khối lượng vào cuối năm.

Giải phóng mặt bằng luôn là khâu có nhiều vướng mắc nhất trong tiến trình thực hiện giải ngân vốn đầu tư. Để tháo gỡ “điểm nghẽn” này, Ban Quản lý dự án xây dựng cơ bản huyện Lạc Thủy đã chủ động phối hợp với UBND các xã, thị trấn nơi có dự án để làm công tác tuyên truyền, phổ biến cho các hộ còn kiến nghị về các chế độ liên quan đến đền bù hỗ trợ về đất và tài sản trên đất. Đồng thời, các đơn vị tổ chức kiểm tra, bổ sung kịp thời những thiếu sót về đất đai và tài sản trong quá trình kê khai, kiểm đếm để đưa bổ sung vào phương án.

Với cách làm này, về cơ bản, các dự án đang thực hiện đầu tư trên địa bàn huyện rất thuận lợi trong công tác giải phóng mặt bằng và đảm bảo tiến độ thực hiện theo đúng kế hoạch đặt ra.

Năm 2022, thành phố Hòa Bình được giao trên 447 tỷ đồng vốn đầu tư công, ngân sách tỉnh bổ sung có mục tiêu cho thành phố Hòa Bình 20,8 tỷ đồng. UBND thành phố Hòa Bình đã chỉ đạo phòng chuyên môn tham mưu, trình phê duyệt phương án phân bổ chi tiết danh mục đầu tư công năm 2022 căn cứ vào tình hình thực tế, khối lượng đã hoàn thành và ước hoàn thành của dự án, đảm bảo phân bổ đủ nguồn vốn để sớm hoàn thành công trình.

Bên cạnh đó, từ thực tế công tác giải ngân vốn đầu tư công cho thấy, việc giải ngân nguồn vốn ODA thường chậm, bởi liên quan tới nhiều thủ tục. Do đó, UBND thành phố Hòa Bình đã chỉ đạo Ban Quản lý dự án sử dụng vốn ODA tăng cường phối hợp các đơn vị liên quan thực hiện các trình tự nhằm đảm bảo tiến độ theo kế hoạch.

Bằng sự đồng loạt vào cuộc của các sở, ngành, địa phương trong toàn tỉnh, đến hết quý I/2022, tỉnh Hòa Bình đã giải ngân được trên 677,4 tỷ đồng, đạt 16,2% kế hoạch vốn được giao.

Gỡ khó giải ngân nhiều công trình

Mặc dù có nhiều cố gắng, nhưng theo nhận xét từ UBND tỉnh Hòa Bình, nhìn chung tình hình thực hiện, giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công năm 2022 trên địa bàn tỉnh vẫn chậm và còn nhiều hạn chế, vướng mắc. Đơn cử như tại thành phố Hòa Bình, hiện một số dự án mới được phê duyệt, đang trong quá trình hoàn thiện thủ tục đầu tư, tổ chức đấu thầu lựa chọn nhà thầu các gói thầu tư vấn và xây lắp nên chưa thực hiện giải ngân như: dự án nâng cấp đường trung tâm phường Thống Nhất; dự án cụm trường phường Tân Hòa; dự án đường liên khu vực nối với trục chính khu công nghiệp Yên Quang...

Đặc biệt, 2 dự án sử dụng vốn ODA được phê duyệt kế hoạch vốn năm 2022 trên 152 tỷ đồng, tương ứng với 36% tổng kế hoạch vốn của 2 dự án (trên 426 tỷ đồng) nhưng chưa thể giải ngân do vẫn đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục về điều chỉnh, bổ sung hiệp định đối với dự án thoát nước và xử lý nước thải.

Tại huyện Lạc Thủy, một số công trình, dự án tiến độ thi công còn chậm do nhà thầu chưa tập trung đầy đủ máy móc, thiết bị, vật tư, nhân lực để đẩy nhanh tiến độ. Đồng thời, một bộ phận người dân bị ảnh hưởng bởi các dự án chưa chấp hành nghiêm túc quy định của Nhà nước liên quan đến công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, còn làm phát sinh thêm tài sản, vật kiến trúc khiến kinh phí đền bù gia tăng…

Từ thực tế công tác giải ngân vốn đầu tư công trên địa bàn, UBND tỉnh Hòa Bình đã yêu cầu các sở, ngành, địa phương, chủ đầu tư tiếp tục thực hiện nghiêm những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu đẩy nhanh tiến độ thực hiện và giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công; đồng thời, đẩy nhanh công tác chuẩn bị thực hiện dự án, công tác lựa chọn nhà thầu theo đúng quy định pháp luật; chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, bảo đảm tiến độ thi công công trình.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh Hòa Bình yêu cầu các sở, ngành, địa phương phải thường xuyên kiểm tra các dự án, công trình, nhất là công trình trọng điểm để nắm bắt tình hình thực hiện của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, kịp thời chỉ đạo, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc để công tác giải ngân vốn được bứt tốc ngay trong những tháng đầu năm.

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/hoa-binh-but-toc-giai-ngan-von-dau-tu-cong-ngay-tu-dau-nam-102904.html