Hòa bình đáng giá đến nhường nào
Có lẽ đã lâu lắm rồi, khi xem một bộ phim chiến tranh mà người ta cảm thấy nó chân thực, ngộp thở, yêu và trân trọng cuộc sống mình đang có như 'Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối' của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên.

Sau những trận oanh tạc của Mỹ là khung cảnh hoang tàn ở căn cứ Bình An Đông.
Kể chuyện nơi “Đất thép thành đồng”
Địa đạo Củ Chi. Những đường hầm bé nhỏ trong lòng đất là dấu ấn một kỳ tích anh hùng, “kỳ quan” trong lòng đất của nghệ thuật chiến tranh du kích Việt Nam.
Được hình thành trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp, khoảng vào năm 1948, địa đạo Củ Chi ban đầu chỉ có những đoạn hầm ngắn, cấu trúc đơn giản, dùng để giấu tài liệu, trú ém cán bộ trong vùng địch hậu. Nhưng bước sang giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, địa đạo được gia cố và mở rộng, gồm hệ thống đường hầm dọc ngang nhiều tầng, dài hơn 250km, xuyên sâu trong lòng đất kết hợp với khoảng 500km chiến hào công sự trên mặt đất, tựa như “thiên la địa võng”, khiến kẻ thù phải khiếp sợ...
Từ năm 1954-1975, khối lượng bom đạn Mỹ trút xuống Củ Chi khoảng 500.000 tấn. Tính trung bình, mỗi người dân ở đây phải hứng chịu khoảng 1,5 tấn bom. Ngoài ra, có khoảng 480 tấn chất độc hóa học các loại đã được quân địch rải xuống vùng đất này.
Thế nhưng, dựa vào hệ thống địa đạo, quân và dân Củ Chi kiên cường bám trụ, đánh địch bằng cả 3 mũi giáp công (quân sự, chính trị, binh vận) với phương châm “nắm thắt lưng địch mà đánh”, thực hiện lối đánh áp sát với những chiến thuật bắn tỉa, phục kích, tập kích, phát huy tối đa sức mạnh tổng hợp của chiến tranh Nhân dân, vô hiệu hóa được nhiều loại vũ khí hiện đại nhất và làm thất bại âm mưu của địch.
Tuy nhiên, trong hai cuộc chiến trường kỳ đó, Củ Chi cũng chịu nhiều tổn thất: 10.101 dân thường bị chết; hơn 10.000 chiến sĩ, thanh niên đã hy sinh, 28.421 nhà bị cháy, 20.000ha ruộng, rẫy và rừng bị tàn phá...
Đất thép Củ Chi có 2.135 mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH), là một trong những địa phương có nhiều mẹ VNAH nhất. Trong số 452 tuyến đường được đặt tên trên đất Củ Chi thì có 370 tuyến đường mang tên của các mẹ VNAH.
Một bộ phim hay về chiến tranh
Lấy bối cảnh những năm 1967, lúc chiến tranh Việt Nam đang ở giai đoạn đỉnh điểm, “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” kể về Đội du kích 21 người do Bảy Theo chỉ huy tại căn cứ Bình An Đông, trở thành mục tiêu “tìm và diệt” của quân đội Mỹ khi họ nhận nhiệm vụ bằng mọi giá phải bảo vệ một nhóm thông tin tình báo chiến lược mới đến ẩn náu tại căn cứ.
Những thành viên trong đội du kích còn rất trẻ, họ cùng sinh hoạt, bám trụ địa đạo, nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ được giao. Họ được khắc họa với những nét bình thường, trần thế nhất, cũng có lúc nản chí, hoang mang, bế tắc nhưng quan trọng hơn, họ không chạy trốn hay bỏ cuộc. Chiến đấu đến hơi thở cuối cùng, họ đánh giặc bằng tất cả những gì có trong tay: súng bộ binh, mìn tự tạo, dao găm, rắn độc, xiên tre vót nhọn... Những cô gái nhỏ bé nhưng mạnh hơn gấp trăm lần một người lính Mỹ to cao, thiện chiến. Họ là những người dân bình thường - trong nghịch cảnh đã trở nên phi thường.
Ấn tượng nhất có lẽ là sự diễn xuất của các nhân vật. Ngoài Thái Hòa với nhân vật chính Bảy Theo, chỉ huy đội du kích thì các diễn viên khác dù không phải là tên tuổi “hot” nhưng diễn như không diễn. Trong đó, nhân vật Ba Hương, Tư Đạp được “đo ni đóng giày” cho diễn viên Hồ Thu Anh, Quang Tuân. Nếu Ba Hương với khuôn mặt rắn đanh, thể hiện bản lĩnh gan dạ, lý trí tỉnh táo và luôn phải kìm nén cảm xúc; thì Tư Đạp lại vừa ma mị vừa quyết liệt.
Nhưng hơn hết vẫn là tài năng của đạo diễn Bùi Thạc Chuyên. Bằng cách tái hiện lại hệ thống địa đạo một cách chi tiết qua sơ đồ đã giúp khán giả hình dung được kết cấu phức tạp, thông minh của “căn cứ” chiến đấu. Thậm chí, việc khắc họa nhiều loại bẫy được sử dụng trong địa đạo đã mang lại cảm giác chân thực mà không cần giải thích bằng lời – chỉ cần nhìn cũng đủ hiểu.
Thay vì khai thác góc độ bi kịch, yếu mềm của con người trước chiến tranh để lấy nước mắt của khán giả thì Bùi Thạc Chuyên chọn góc nhìn thô ráp, thực tế và sự bí bách bên dưới địa đạo để tái hiện các lát cắt của một thời kỳ lịch sử và khơi gợi tinh thần yêu dân tộc. Chiến tranh ai mà chẳng biết nó khốc liệt, nghiệt ngã và dai dẳng, nhưng để khai thác tận sâu bản năng con người, rất cần một “tay nghề” với những “ngón nghề” điêu luyện. Sự thật luôn có sức hấp dẫn nhưng không có nghĩa là trần trụi. Sự thật cần đủ độ để người xem vừa thấu được khó khăn, vừa chấp nhận những giới hạn của nhu cầu tình cảm và sinh lý.
Đây không phải lần đầu tiên đạo diễn, biên kịch Bùi Thạc Chuyên làm phim về đề tài chiến tranh nhưng rõ ràng từ “Sống trong sợ hãi” đến “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối” là cả một sự thay đổi. Không chọn góc tiếp cận rộng, ôm chứa toàn bộ chiều dài lịch sử địa đạo, ông chọn một lát cắt nhỏ, đủ sức gợi, đó là đời sống chiến đấu, tinh thần của đội quân du kích dưới lòng đất sâu. Không còn là những “bài học lịch sử” khô khan mang tính minh họa, bộ phim đã chạm tới chiều sâu nhân tính, những bi kịch đời thường trong bối cảnh phi thường của lịch sử.
Phim dẫn dắt khán giả bằng hình ảnh, âm thanh và những khoảng lặng. Một không gian hết sức chật hẹp: cuộc sống - với tất cả mọi sinh hoạt đời thường - từ ăn, ngủ, vui đùa, tâm sự, chuẩn bị chiến đấu cho đến yêu đương,... đều diễn ra trong lòng địa đạo. Ở đó, thiếu ánh sáng, thiếu khí trời, thiếu tất cả những điều kiện của cuộc sống bình thường. Mạch phim hồi hộp, kịch tính, có nhiều trường đoạn giàu cảm xúc, tự hào. Nhiều phân cảnh đắt giá, như cảnh chiến sĩ du kích vác B40 ra bắn trượt xe tăng Mỹ. Họ là du kích, là dân thường trở thành chiến binh. Việc bắn trượt càng thể hiện khát khao của mỗi người du kích ngày đó, họ chỉ muốn tự tay giết giặc. Hay cảnh chú Sáu bị lính Mỹ bắt, đạo diễn đã vô cùng khôn khéo tạo ra cảnh chú được cho điếu thuốc để hút, đồng thời bắt đầu kể về quá khứ của đất nước đã trải qua những bi thương và kiên cường như thế nào dưới thời Pháp. Một cảnh rất điện ảnh, nhưng cũng rất Việt Nam.
Bên cạnh những yếu tố lịch sử, bộ phim còn mang đến cho khán giả những trải nghiệm điện ảnh đầy choáng ngợp và hùng tráng. Phim có sự đầu tư quy mô lớn khi huy động hàng loạt vũ khí, khí tài hạng nặng cùng hàng nghìn diễn viên quần chúng trong nước và quốc tế.
Đặc biệt, đây là lần đầu tiên một dự án phim truyện Việt Nam huy động được nhiều vũ khí hạng nặng trong cuộc chiến tranh ở miền Nam Việt Nam thời đó như: xe tăng M-48 Patton, xe bọc thép tấn công M113 ACAV, máy bay trực thăng UH-1 Iroquois, tàu chiến Giang Thuyền Swift Boat (PCF) Patrol Craft Fast, tàu đổ bộ cỡ nhỏ LCM-8 cùng các loại vũ khí khí tài quân sự khác.
Có nhiều ý kiến khác nhau khi đánh giá về “Địa đạo: Mặt trời trong bóng tối”. Đó cũng là điều bình thường, bởi, phim không dành cho tất cả mọi người. Với riêng tôi, trong những ngày tháng 4 lịch sử này, hơn 2 giờ thưởng thức bộ phim, trái tim tôi thật sự lặng im vì biết ơn. Bởi tôi hiểu rằng, chẳng có thước phim nào ghi lại đủ sự khốc liệt của chiến tranh. Ngoài những nhân vật có tên, ngay trong bộ phim còn nhiều chiến sĩ hy sinh mà người xem chưa kịp nhớ tên. Họ là những anh hùng vô danh để chúng ta mới có được hòa bình ngày hôm nay.
Tôi thích cái kết phim. Có thể nhiều người cho rằng đơn giản đó là kết thúc có hậu, ta nhất định thắng, địch nhất định thua. Còn tôi, tôi tin chắc rằng, xem xong bộ phim dù trẻ hay già, dù đi qua chiến tranh hay sinh ra trong hòa bình đã phần nào hiểu sự hy sinh mất mát của cả một thế hệ để chúng ta có thể khẳng định rằng: hòa bình đáng giá đến nhường nào.
Tính đến thời điểm này, bộ phim đã đạt gần 130 tỷ đồng, cao nhất trong các bộ phim Việt Nam về đề tài chiến tranh. Có được điều đó bởi, bộ phim đã truyền tải được tinh thần của những chiến sĩ trẻ tuổi, điện ảnh hóa câu chuyện lịch sử tưởng chừng khô khan, góp phần giáo dục và khơi dậy niềm tự hào dân tộc trong lòng mỗi người dân Việt Nam.
Nguồn Thanh Hóa: https://vhds.baothanhhoa.vn/hoa-binh-nbsp-dang-gia-den-nhuong-nao-36713.htm