Hòa Bình: Đề nghị Chính phủ hỗ trợ hơn 616 tỷ đồng
Chủ tịch tỉnh Hòa Bình, ông Bùi Văn Khánh vừa ký báo cáo số 365/BC-UBND ngày 12/9 thống kê về thiệt hại do cơn bão số 3 (bão Yagi) gây ra, ước khoảng 109,8 tỷ đồng. Qua đó, tỉnh Hòa Bình cũng có đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ hơn 616 tỷ đồng.
Theo báo cáo của UBND tỉnh Hòa Bình, từ ngày 6/9 đến 9h ngày 12/9, cơn bão số 3 đã gây thiệt hại hơn 109,8 tỷ đồng. Trên địa bàn tỉnh Hòa Bình vẫn còn mưa nhỏ, mưa vừa, đôi khi mưa to cục bộ; diễn biến thiên tai phức tạp, công tác ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và thống kê chi tiết theo mức độ thiệt hại vẫn đang triển khai thực hiện khẩn trương, liên tục. Để đảm bảo chất lượng thống kê thiệt hại chính xác, sát với thực tế, tỉnh Hòa Bình sẽ tăng cường công tác thống kê đánh giá thiệt hại và cập nhật trong thời gian sớm nhất có thể.
Cơn bão đi qua, tỉnh Hòa Bình tiếp tục huy động các lực lượng xung kích tại cơ sở tham gia ứng phó thiên tai, giúp người dân sơ tán, khôi phục nhà cửa…, đồng thời trực 24/24h tại 151/151 xã, phường, thị trấn và 8.899 thành viên tham gia; các lực lượng Công an, Quân đội từ tỉnh đến xã trực, ứng phó thiên tai và hỗ trợ người dân khắc phục hậu quả với 100% quân số.
Hiện tại, các đơn vị trực thuộc tỉnh đang tập trung khắc phục các thiệt hại. Người dân vẫn tiếp tục được yêu cầu ở tại nơi sơ tán đối với khu vực vẫn có nguy cơ sạt lở và được hỗ trợ tu sửa nhà cửa, dọn dẹp cây gãy đổ, thống kê thiệt hại đợt thiên tai theo quy định.
Hiện tại vẫn còn mưa nhỏ tại một số nơi nhưng các địa phương đã chuyển một số hộ dân có nguy cơ thấp về sạt lở, ngập lụt trở lại nhà để ở. Thực hiện các thủ tục mai táng, hỗ trợ cho người tử vong; chăm sóc, cứu chữa cho người bị thương.
Lãnh đạo Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, UBND, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh, Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh đã phối hợp với UBND các huyện Đà Bắc, huyện Lương Sơn, huyện Kim Bôi đến tận nơi thăm hỏi và động viên gia đình có người bị thương vong.
Các nhà cửa hư hỏng, tốc mái được sửa chữa, rà soát đánh giá mức độ an toàn của các khu vực sinh sống để đưa người dân đang đi sơ tán về để ổn định cuộc sống và sinh hoạt. Đồng thời, dọn dẹp các trường học, cơ sở giáo dục, chuẩn bị điều kiện an toàn để học sinh tiếp tục đến trường.
Qua đánh giá, về cơ bản cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đặc biệt là các tuyến đường giao thông, các tuyến đường điện… đã được khôi phục bước đầu để đảm bảo không có khu vực nào bị cô lập hoặc mất liên lạc.
UBND tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cử các đơn vị chuyên môn thuộc Sở xuống các địa phương kiểm tra, đánh giá mức độ an toàn hồ đập, đê kè, hệ thống công trình thủy lợi; hướng dẫn người dân chăm sóc cây trồng, vật nuôi, nuôi trồng thủy sản phục hồi sản xuất, chăn nuôi, đảm bảo ổn định sản xuất nông lâm nghiệp cho người dân trên địa bàn tỉnh và đã kịp thời chỉ đạo Công ty TNHH MTV Khai thác công trình thủy lợi Hòa Bình, UBND các huyện, thành phố triển khai các biện pháp khắc phục các sự cố, đảm bảo an toàn hồ chứa. Đồng thời, yêu cầu các địa phương, đơn vị và chủ hồ chứa tiếp tục xả nước hạ thấp mực nước hồ, chỉ thực hiện tích nước khi hồ chứa đảm bảo an toàn.
Thông tin từ UBND tỉnh Hòa Bình cho biết, tỉnh đã chủ động trích 23 tỷ đồng từ nguồn dự phòng ngân sách tỉnh năm 2024 để hỗ trợ các địa phương bị thiệt hại do thiên tai gây ra. Đồng thời, tổ chức tiếp nhận và phân bổ nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân hảo tâm hỗ trợ cho tỉnh khắc phục thiệt hại đảm bảo công khai, minh bạch, đúng đối tượng.
Bên cạnh đó, ngày 11/9, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Hòa Bình cũng đã phát động kịp thời, nhanh chóng thư, chương trình kêu gọi toàn thể cán bộ công chức, viên chức, người lao động, người dân trên địa bàn tỉnh tham gia ủng hộ người dân bị ảnh hưởng bởi thiên tai.
Qua những thống kê về con số thiệt hại, UBND tỉnh Hòa Bình đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét hỗ trợ với tổng kinh phí là 616,112 tỷ đồng.