Hòa Bình: Không có tình trạng 'chặt chém' mùa lễ hội Xuân 2024
Dịp lễ hội đầu Xuân 2024, Quản lý thị trường tỉnh Hòa Bình đã tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, văn minh.
Tập trung kiểm tra hoạt động kinh doanh hàng hóa mùa lễ hội
Sau dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình đã diễn ra nhiều lễ hội thu hút đông đảo người dân, du khách tới các điểm tham quan, khu di tích, đền chùa ở địa phương, kéo theo nhiều hoạt động mua sắm, dịch vụ thương mại diễn ra nhộn nhịp, dễ xảy ra nguy cơ việc tăng giá bất hợp lý, “chặt chém” du khách.
Ông Vì Văn Dậu, cán bộ Đội Quản lý thị trường số 4 (Cục Quản lý thị trường tỉnh Hòa Bình) cho biết, Đội hiện đang chịu trách nhiệm quản lý tại các địa bàn huyện như: Cao Phong, Tân Lạc, Mai Châu. Đây cũng là các địa phương tập trung diễn ra nhiều lễ hội lớn dịp đầu năm nên đơn vị tập trung kiểm tra, kiểm soát các hoạt động kinh doanh hàng hóa, dịch vụ phục vụ lễ hội đầu Xuân, nhất là hàng hóa thiết yếu, được người dân tiêu thụ nhiều.
Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn các cơ sở kinh doanh dịch vụ thực hiện đúng quy định pháp luật, đặc biệt là niêm yết giá và bán hàng đúng giá niêm yết, nguồn gốc hàng hóa, đảm bảo tốt công tác an toàn vệ sinh thực phẩm, mục tiêu nhằm không để xảy ra các hoạt động tiêu cực ảnh hưởng đến du khách, góp phần đảm bảo ổn định thị trường, bảo vệ quyền và lợi ích của người tiêu dùng.
Qua đó, góp phần giữ ổn định thị trường tại các lễ hội như: Lễ đón nhận di sản văn hóa phi vật thể Keng Loóng và Lễ hội Xên Mường (huyện Mai Châu), diễn ra trong các ngày 9 - 10 tháng Giêng, có 16 gian hàng tham gia trưng bày, giới thiệu và bán sản phẩm tại lễ hội. Hàng hóa chủ yếu là mặt hàng truyền thống của các xóm, xã được niêm yết giá đảm bảo; không vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm.
Tương tự, Đội Quản lý thị trường số 1 thực hiện quản lý tại TP. Hòa Bình, huyện Đà Bắc, Lương Sơn đã tập trung quân số, trực tiếp kiểm tra tại nhiều địa điểm kinh doanh, chú trọng về chất lượng an toàn thực phẩm, giá cả hàng hóa. Trong 2 tháng thực hiện đợt cao điểm, Đội đã độc lập và phối hợp với các lực lượng chức năng trên địa bàn kiểm tra 20 cơ sở, qua đó, xử phạt vi phạm hành chính 8 cơ sở, phạt tiền 16 triệu đồng trên địa bàn huyện Lương Sơn.
Không có tình trạng “chặt chém” người dân, du khách
Chị Vũ Thị Trà Giang (phường Đồng Tiến, TP. Hòa Bình) chia sẻ: “Sau dịp Tết gia đình tôi tổ chức đi du xuân tại đền Thác Bờ ở xã Thung Nai, huyện Cao Phong. Mọi người trong đoàn có mua một số mặt hàng bày bán xung quanh khu di tích cũng như sử dụng dịch vụ ăn uống tại đây, cá nhân tôi thấy giá cả khá hợp lý, không có hiện tượng tăng giá, hay chèn ép du khách nên tôi rất hài lòng”.
Ông Đỗ Mạnh Dũng, Trưởng phòng Nghiệp vụ tổng hợp - Cục Quản lý thị trường tỉnh Hòa Bình thông tin, đơn vị đã chỉ đạo các Đội Quản lý thị trường trực thuộc, đặc biệt là các địa bàn có nhiều điểm thu hút đông đảo người dân, du khách chủ động tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm ngăn chặn các hành vi tăng giá bất hợp lý, kinh doanh hàng hóa không đảm bảo chất lượng.
Đồng thời, phối hợp với chính quyền địa phương, ban quản lý các khu di tích thực hiện ký cam kết, đẩy mạnh tuyên truyền, nhắc nhở các cơ sở dịch vụ thương mại chấp hành nghiêm các quy định của pháp luật trong kinh doanh; khuyến cáo người dân, du khách gọi điện tới số điện thoại đường dây nóng: 0982.891.518 khi phát hiện các hành vi gian lận thương mại trên địa bàn tỉnh.
Nhờ đó, không để xảy ra tình trạng bán hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc, tình trạng "chặt chém” khách hàng tại các điểm kinh doanh, buôn bán, đặc biệt là những nơi diễn ra các lễ hội dịp đầu Xuân 2024. Đồng thời, đảm bảo các hoạt động mua sắm, dịch vụ ăn uống, nghỉ ngơi của người dân, du khách một cách an toàn, văn minh.