Hòa Bình kiên quyết xử lý vi phạm pháp luật về an toàn giao thông
Thời gian gần đây, qua số liệu thống kê xử lý vi phạm pháp luật về trật tự an toàn giao thông (TTATGT) của CSGT Công an TP Hòa Bình cho thấy, hành vi vi phạm pháp luật trên địa bàn tỉnh do người chưa đủ 18 tuổi gây ra có xu hướng tăng và có diễn biến phức tạp. Do đó, nhằm giảm thiểu TNGT và các hành vi vi phạm trong lứa tuổi học sinh, thanh, thiếu niên cần sự phối hợp của cơ quan chức năng, đặc biệt là phía gia đình.
Công an TP Hòa Bình xác định bảo đảm TTATGT cho lứa tuổi học sinh là nhiệm vụ rất quan trọng, ưu tiên hàng đầu, vừa có tính cấp bách trước mắt, vừa có ý nghĩa chiến lược lâu dài, UBND TP Hòa Bình đã quán triệt, triển khai đến các phòng, ban, đơn vị, đoàn thể và UBND các phường, xã các văn bản chỉ đạo của các cấp… về triển khai thực hiện Chỉ thị số 31/CT-TTg, ngày 21/12/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác đảm bảo TTATGT cho lứa tuổi học sinh trong tình hình mới.
Trong đó, tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT trong các cơ sở giáo dục, nhất là triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình phối hợp số 2203 giữa Công an thành phố và Phòng Giáo dục và Đào tạo về tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về TTATGT trong các cơ sở giáo dục giai đoạn 2022 – 2025; tăng cường phổ biến các kiến thức pháp luật và kỹ năng tham gia giao thông an toàn cho phụ huynh trong trường hợp chở trẻ em trên ôtô, môtô, xe máy và các phương tiện khác; kỹ năng tham gia giao thông an toàn, phòng tránh các tai nạn, rủi ro, kỹ năng xử lý tình huống cho học sinh, tập trung vào tháng 9 (tháng cao điểm học sinh đến trường) và thường xuyên trong năm.
Tổ chức cho các nhà trường, cha mẹ học sinh, học sinh, cán bộ, giáo viên, nhân viên ký cam kết thi đua chấp hành pháp luật về giao thông; vận động các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tặng mũ bảo hiểm đạt chuẩn cho học sinh.
Theo đó, Công an TP Hòa Bình đã phát hiện và xử lý 359 trường hợp học sinh, thanh, thiếu niên vi phạm TTATGT, tạm giữ 281 phương tiện; trong đó 197 trường hợp không đội mũ bảo hiểm, 8 trường hợp vi phạm nồng độ cồn, 164 trường hợp không đủ tuổi điều khiển phương tiện, 106 trường hợp rú ga (nẹt pô), bốc đầu, 36 trường hợp giao xe cho người chưa đủ điều kiện điều khiển và một số vi phạm khác. Thống kê, lập danh sách 437 trường hợp học sinh, thanh, thiếu niên vi phạm hoặc có biểu hiện vi phạm TTATGT, giao Công an thành phố phối hợp với chính quyền địa phương, nhà trường và gia đình quản lý, giáo dục.
Điển hình, thông qua phản ánh của người dân về vụ việc gây mất TTATGT của thanh niên không đội mũ bảo hiểm, điều khiển xe môtô đánh võng, quệt chân chống xuống đường trên cầu Hòa Bình 2. Sau đó, Công an TP Hòa Bình đã khẩn trương xác minh, làm rõ: Khoảng 1h52 ngày 10/5/2024, tại cầu Hòa Bình 2, H.Đ.T (SN 2005), trú tại xã Phú Cường, huyện Tân Lạc vi phạm các quy định về TTATGT, tổ công tác đã tiến hành lập biên bản tạm giữ phương tiện theo quy định.
Quá trình làm việc, tổ công tác phát hiện H.Đ.T lưu giữ trong điện thoại di động cá nhân một số video hình ảnh thanh, thiếu niên điều khiển xe môtô mang theo hung khí (dao, kiếm) có biểu hiện gây rối trật tự công cộng. Mở rộng điều tra, Công an TP Hòa Bình tiếp tục làm rõ, khoảng 0h ngày 11/5/2024, H.Đ.T đi cùng L.T.V (SN 2006), trú tại xã Đồng Tân, huyện Mai Châu điều khiển xe mô tô mang theo hung khí tự chế đi tìm người giải quyết mâu thuẫn. Lực lượng Công an đã củng cố hồ sơ xử lý theo quy định của pháp luật.
Năm học 2024 – 2025 sắp tới, Công an TP Hòa Bình tiếp tục ra quân kiểm tra, xử lý việc sử dụng phương tiện tham gia giao thông của học sinh, xử lý nghiêm các trường hợp phụ huynh đưa đón con em vi phạm TTATGT tại các tuyến gần khu vực trường học. Tăng cường tuần tra, kiểm soát, kiên quyết xử lý triệt để các vi phạm TTATGT đối với học sinh các cấp, đồng thời xử lý các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính gây tai nạn giao thông như vi phạm nồng độ cồn, chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, “cơi nới” thùng xe, chạy không đúng tốc độ quy định; vi phạm quy định về tránh vượt, phần đường, làn đường và không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (vượt đèn đỏ)…và kiên quyết xử lý đối với những phụ huynh cố tình giao xe cho con, em khi chưa đủ điều kiện điều khiển theo quy định.
Rà soát các trường hợp thanh, thiếu niên, học sinh có biểu hiện đua xe, tụ tập gây rối trật tự công cộng đưa vào diện quản lý, giáo dục tại địa bàn cơ sở. Phối hợp, trao đổi thông tin với chính quyền địa phương, nhà trường, phụ huynh của các em học sinh trong công tác quản lý, giáo dục, đặc biệt là đối với các em học sinh thường xuyên vi phạm. Đối với các trường hợp vi phạm, tổ chức xác minh nhân thân để gửi thông báo vi phạm về địa phương nơi cư trú, nhà trường để có biện pháp xử lý và theo dõi, quản lý. Yêu cầu 100% cha, mẹ, người giám hộ cam kết không giao, để xe cho con, em khi chưa đủ điều kiện điều khiển theo quy định của pháp luật.
Thường xuyên rà soát không gian mạng, phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm liên quan đến cổ xúy cho vi phạm, đua xe, lạng lách, đánh võng, gây rối trật tự công cộng và những hành vi khác ảnh hưởng tiêu cực đến thanh, thiếu niên. Khẩn trương điều tra, xử lý các vụ TNGT liên quan đến học sinh; củng cố hồ sơ xử lý các hành vi giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện điều khiển phương tiện gây tai nạn…
Công an TP Hòa Bình cũng đề nghị các bậc phụ huynh, bên cạnh công tác quản lý của nhà trường và những biện pháp xử lý đồng bộ, kiên quyết từ lực lượng Công an, điều quan trọng nhất là mỗi phụ huynh cần nâng cao ý thức trách nhiệm, thường xuyên theo dõi, nhắc nhở con em chấp hành nghiêm quy định của pháp luật khi tham gia giao thông, đặc biệt là phụ huynh không giao xe môtô, xe gắn máy khi các em chưa đủ tuổi điều khiển phương tiện tham gia giao thông, để phòng tránh hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra.
CSGT Công an tỉnh Phú Thọ chủ động bảo đảm an toàn giao thông đường thủy mùa mưa bão
Mùa mưa bão đang bắt đầu vào những tháng cao điểm, thời tiết diễn biến thất thường, lượng mưa lớn kéo dài nhiều ngày, mực nước trên các tuyến sông dâng cao, dòng chảy xiết, nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông đường thủy là rất lớn. Trước tình hình này, Phòng CSGT, Công an tỉnh Phú Thọ đã chủ động lên kế hoạch, phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường công tác quản lý, triển khai các giải pháp đảm bảo an toàn giao thông (ATGT) đường thủy.
Ngay từ đầu năm, lực lượng Cảnh sát đường thủy tăng cường đẩy mạnh công tác tuyên truyền pháp luật về ATGT đường thủy, nâng cao ý thức phòng, chống thiên tai, lụt bão cho các chủ tàu thuyền, bến phà, các hộ dân sinh sống trên sông, hướng dẫn cách sử dụng phương tiện cứu sinh, bố trí nơi trú ẩn cho tàu thuyền tránh bão nhằm duy trì hoạt động và đảm bảo lưu thông an toàn cho người và phương tiện trong mùa mưa bão.
Bên cạnh công tác tuyên truyền, lực lượng Cảnh sát đường thủy còn tăng cường lực lượng, phương tiện duy trì tuần tra kiểm soát phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, đặc biệt là các hành vi tập kết vật liệu xây dựng, khai thác cát trái phép trên sông, đăng, đó làm cản dòng chảy…
Đồng thời, thường xuyên kiểm tra, bảo dưỡng phương tiện tàu, xuồng đảm bảo sẵn sàng ứng cứu người, tài sản khi có thiên tai, bão lũ xảy ra. Trong 6 tháng đầu năm 2024, lực lượng CSGT trên toàn tỉnh đã phát hiện, lập biên bản 390 trường hợp vi phạm TTATGT đường thủy nội địa, xử phạt 1.744.250.000 đồng. Thông qua công tác tuần tra kiểm soát, lực lượng Cảnh sát đường thủy đã tổ chức tuyên truyền miệng cho trên 2.200 lượt người tham gia giao thông đường thủy nội địa; yêu cầu trên 1.600 chủ bến, chủ phương tiện ký cam kết chấp hành nghiêm quy định của pháp luật giao thông đường thủy nội địa.
Tính riêng trong 2 tháng cao điểm mưa bão, tháng 6 và tháng 7, lực lượng Cảnh sát đường thủy đã cùng với Công an huyện, thành, thị tổ chức kiểm tra và yêu cầu 24/24 chủ các bến thủy trên địa bàn tỉnh ký cam kết, đồng thời tuyên truyền, nhắc nhở chủ bến và chủ phương tiện, hành khách các biện pháp phòng, chống tai nạn trên đường thủy. Kết quả, đã lập biên bản 7 trường hợp chủ bến, chủ phương tiện vi phạm, phạt tiền 4.850.000 đồng.
Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, lực lượng Cảnh sát đường thủy khuyến cáo người dân, chủ phương tiện, phương tiện và hành khách tham gia giao thông cần chấp hành nghiêm các quy định pháp luật về giao thông thủy nội địa như: phương tiện giao thông (ghe, tàu,...) phải đảm bảo an toàn về kỹ thuật và trang bị đầy đủ dụng cụ cứu sinh, cứu đắm; người điều khiển phải có bằng, giấy chứng nhận chuyên môn; không chở quá trọng tải quy định... Đặc biệt, khi xảy ra dông lốc phải dừng hoạt động và neo đậu phương tiện vào nơi an toàn. (Trần Hải)