Hòa Bình những ngày đầu độc lập
Cụ bà Bùi Thị Chạ ở xóm Má, xã Bắc Phong (Cao Phong) năm nay đã bước sang tuổi 101. Dù tuổi cao, sức khỏe và trí nhớ giảm sút nhưng ký ức về những ngày vợ chồng bà tham gia đoàn quân khởi nghĩa từ Mường Thàng về giành chính quyền tại trung tâm tỉnh lỵ cách đây gần 80 năm vẫn chưa phai nhạt trong tâm trí...
Cụ Bùi Thị Chạ kể: Năm đấy, tôi hăm sáu tuổi (26 tuổi). Thời kỳ trước cách mạng, cuộc sống của những người nông dân cực khổ vô cùng, phải chịu đến 3 tầng áp bức của nhà Lang, người Pháp, Nhật. Thế nên khi nghe tin khởi nghĩa giành chính quyền, chúng tôi phấn khởi, háo hức lắm, ai cũng mong được tự do, không còn bị đè nén, áp bức. Khi thấy những đoàn người từ vùng Thạch Yên hợp cùng đoàn người từ Lạc Sơn ra phố Bằng (Cao Phong) thành một lực lượng hùng hậu hừng hực khí thế với cờ đỏ sao vàng, hô vang khẩu hiệu ủng hộ Việt Minh, tôi và nhiều người dân trong xóm mang theo gậy gộc, cờ đỏ sao vàng tham gia tiến về trung tâm tỉnh lỵ khởi nghĩa giành chính quyền. Đó là sáng 23/8/1945, khi trời còn tờ mờ sáng, chúng tôi đã cùng với đoàn quân khởi nghĩa nổi đuốc từ khắp các ngả qua dốc Cun tiến thẳng vào Phương Lâm. Trong không khí sục sôi cách mạng, nơi đâu chúng tôi cũng nghe thấy tiếng hô vang dậy đất trời. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền về tay Nhân dân diễn ra thuận lợi, nhanh gọn trong niềm vui sướng hân hoan.
Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền trên địa bàn tỉnh chỉ diễn ra vỏn vẹn trong 5 ngày, nhưng quân và dân ta đã giành thắng lợi hoàn toàn, trọn vẹn, góp phần cùng Nhân dân cả nước đánh đổ ách thống trị của kẻ thù xâm lược và phong kiến tay sai. Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thành công, ngày 2/9, tại Quảng trường Ba Đình, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố trước quốc dân đồng bào và thế giới về sự ra đời của Nhà nước công nông ở Việt Nam. Ở Hòa Bình thời điểm này, chính quyền cách mạng vừa mới ra đời đã phải đối mặt, giải quyết nhiều khó khăn trước tình cảnh thù trang, giặc ngoài, một số kẻ ngoan cố, chống đối gây ra. Thêm nữa, tình hình thiên tai, ảnh hưởng nặng nề của trận lũ lụt lịch sử năm 1945 vẫn còn hiển hiện. Trước thực tế đó, sau khi giành chính quyền được ít ngày, Ban Cán sự Đảng tỉnh đã tổ chức hội nghị đại biểu nhân dân toàn tỉnh ngày 29/8/1945. Tại hội nghị đã đề ra những nhiệm vụ cấp bách. Trong đó, quan trọng nhất là phải tập trung xây dựng, củng cố hệ thống chính quyền, mặt trận Việt Minh các cấp; nhanh chóng đẩy mạnh các mặt công tác, tăng gia sản xuất, chống đói, khắc phục hậu quả thiên tai, cải thiện đời sống Nhân dân... Để thực hiện tốt chính sách đại đoàn kết dân tộc, Ban Cán sự Đảng tỉnh đã mời một số nhà Lang có uy thế tham gia giữ chức vụ chủ chốt trong UBND cách mạng của tỉnh, huyện. Các cơ quan chuyên môn giúp chính quyền điều hành công việc cũng khẩn trương được củng cố, ổn định lại tổ chức và thành lập mới.
Một trong những nhiệm vụ cấp bách, trước mắt đó là "diệt giặc đói". Ban Cán sự Đảng tỉnh đã chỉ đạo chính quyền cách mạng, Mặt trận Việt Minh và đoàn thể cứu quốc các cấp tuyên truyền, hướng dẫn Nhân dân phát hoang, tận dụng đất đai thực hiện khẩu hiệu "tấc đất, tấc vàng” để đẩy mạnh tăng gia sản xuất. Song song với "diệt giặc đói", trên mặt trận "diệt giặc dốt", phong trào bình dân học vụ được các địa phương đẩy mạnh, phát triển sâu rộng. Các lớp bình dân học vụ được mở ra khắp nơi với phương châm "người biết chữ dạy người chưa biết chữ”, thu hút đông đảo các tầng lớp Nhân dân, các lứa tuổi. Nếu trước năm 1945, số người mù chữ chiếm gần 99% thì sau 1 năm thực hiện phong trào bình dân học vụ, hơn một nửa số người trong toàn tỉnh đã biết đọc, biết viết.
Dù còn gặp muôn bề khó khăn nhưng hưởng ứng, thực hiện lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh về "Tuần lễ vàng” và xây dựng "”Quỹ độc lập”, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã tự nguyện đóng góp hàng nghìn đồng bạc trắng, hoa tai, vòng vàng, đồ gia bảo quý giá để bổ sung vào công quỹ Nhà nước. Điều này nói như cụ Lê Thị Tâm, cán bộ lão thành cách mạng thì: Từ việc dựa vào sức mạnh của Nhân dân hết lòng ủng hộ nên ngay sau khi giành thắng lợi, chính quyền cách mạng non trẻ đã cùng với Nhân dân đấu tranh, đối phó có hiệu quả với các âm mưu phá hoại của kẻ thù trong những ngày đầu mới giành được chính quyền. Điển hình như vào trung tuần tháng 9/1945, quân và dân trong tỉnh đã đập tan âm mưu phản loại của bọn "Đại Việt quốc gia liên minh” và tay sai ở Lương Sơn, Kỳ Sơn; đập tan tổ chức phản động "Đại Việt Duy dân” do Lý Đông A cầm đầu. Ngoài ra, trấn áp, bắt giữ nhiều tên tội phạm nguy hiểm chuyên thực hiện các vụ giết người, cướp của...
"Sau hơn 1 năm sống dưới chế độ dân chủ nhân dân, đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân các dân tộc trong tỉnh đã có những đổi thay rõ rệt. Người dân tin tưởng tuyệt đối vào sự lãnh đạo của Đảng. Một lòng cùng cả nước đứng lên trường kỳ kháng chiến chống giặc ngoại xâm theo lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Chúng ta thà hy sinh tất cả chứ nhất định không chịu mất nước, không chịu làm nô lệ” - cụ Lê Thị Tâm kể.
Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/11/156585/hoa-binh-nhung-ngay-dau-doc-lap.htm