Hòa Bình, Sơn La còn nhiều khó khăn trong công tác phòng chống thiên tai

Nhiều công trình hồ đập xuống cấp, hư hỏng qua các trận thiên tai nhưng chưa được bố trí kinh phí sửa chữa, một số văn bản chỉ đạo đã không phù hợp… đang là thực tế khiến công tác phòng chống thiên tai tại các tỉnh Hòa Bình, Sơn La gặp khó khăn.

Tại tỉnh Sơn La, 4 tháng đầu năm 2022, thiên tai đã làm thiệt hại ước tính gần 34 tỷ đồng

Tại tỉnh Sơn La, 4 tháng đầu năm 2022, thiên tai đã làm thiệt hại ước tính gần 34 tỷ đồng

Với vị trí là tỉnh miền núi, địa hình có độ dốc lớn, bị chia cắt, tại tỉnh Hòa Bình trong những năm gần đây đã xảy ra nhiều trận mưa, lũ, gây thiệt hại về người và tài sản. Tính riêng trong 4 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn đã xảy ra 2 đợt rét đậm, rét hại kèm mưa giông và 6 đợt không khí lạnh. Các loại hình thiên tai xảy ra đã gây thiệt hại trên địa bàn 10 huyện, thành phố.

Còn tại tỉnh Sơn La, do vị trí nằm sâu trong đất liền nên ít chịu ảnh hưởng trực tiếp của các cơn bão, tuy nhiên địa phương cũng chịu ảnh hưởng của nhiều dạng thiên tai khác như mưa lớn, lốc, sạt lở đất, rét hại…

Hàng năm, thiên tai đã gây thiệt hại lớn về người và tài sản cho các tổ chức, gia đình, cá nhân trên địa bàn. Báo cáo của UBND tỉnh Sơn La cho thấy, trong 4 tháng đầu năm 2022, thiên tai đã làm 2 người chết, 1 người bị thương… thiệt hại về vật chất ước tính gần 34 tỷ đồng.

Nhằm chủ động ứng phó trước mùa mưa bão và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai, thời gian qua, chính quyền tỉnh Hòa Bình, Sơn La đã tích cực triển khai thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW của Ban Bí thư về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai; Quyết định 987/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị 42-CT/TW…

Đồng thời chỉ đạo các sở, ngành liên quan hoàn thành công tác kiện toàn Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn của đơn vị, địa phương mình.Khi nhận được thông tin về thiên tai, chính quyền các cấp đã chủ động triển khai phương pháp ứng phó, đồng thời cảnh báo đến nhân dân các vùng có thể bị đe dọa để chủ động ứng phó…

Đối với các công trình hồ đập, các địa phương đã tăng cường chỉ đạo các chủ công trình tổ chức rà soát quy trình vận hành, phương án bảo vệ đập, phương án ứng phó với tình huống khẩn cấp hồ chứa, phương án ứng phó thiên tai cho công trình, vùng hạ du đập; cắm mốc chỉ giới bảo vệ đập, hồ chứa thủy điện, thủy lợi…

Tuy nhiên hiện công tác phòng chống thiên tai tại các địa phương còn gặp nhiều khó khăn. Trong đó, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình, nhiều công trình hồ đập đã xuống cấp, hư hỏng qua các trận thiên tai nhiều năm nhưng chưa được bố trí kinh phí sửa chữa, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao trên địa bàn tỉnh.

Còn tại tỉnh Sơn La, theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thành Công, hiện một số văn bản chỉ đạo đã không phù hợp với thực tế, việc củng cố hệ thống quan trắc, vận hành liên hồ chứa phải có cơ chế và quy trách nhiệm phát triển kinh tế - xã hội cho các chủ lòng hồ. Bên cạnh đó, việc tuyên truyền tập huấn kỹ năng phòng chống thiên tai cho nhân dân trên địa bàn chưa đạt kết quả cao.

Mới đây, đoàn công tác của Bộ Công Thương do Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân dẫn đầu đã kiểm tra công tác phòng chống thiên tai tại tỉnh Hòa Bình, Sơn La.

Tại các buổi kiểm tra, các tỉnh đã kiến nghị với đoàn công tác nhiều vấn đề liên quan đến việc nâng cao hơn nữa chất lượng công tác phòng chống thiên tai.

Trong đó, tỉnh Sơn La kiến nghị bổ sung hướng dẫn cụ thể chi tiết việc chấm điểm theo bộ chỉ số đánh giá công tác phòng chống thiên tai cấp tỉnh ban hành tại Quyết định số 01/QĐ-TWPCTT của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai và các tài liệu kiểm chứng có căn cứ tại các văn bản quy phạm pháp luật. Hỗ trợ nguồn vốn thực hiện các dự án di dời khẩn cấp khỏi khu vực có nguy cơ cao sạt lở đất, lũ ống, lũ quét theo hình thức tái định cư tập trung…

Nhằm nâng cao năng lực phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai cho tỉnh, UBND tỉnh Hòa Bình cũng đã có nhiều đề xuất kiến nghị với Đoàn công tác. Trong đó, đề nghị Ban chỉ đạo Quốc gia phòng chống thiên tai và các bộ ngành Trung ương xem xét, hỗ trợ kinh phí cho tỉnh để khắc phục, phục hồi các công trình công cộng bị hư hỏng có nguy cơ mất an toàn, đặc biệt là các dự án ổn định dân cư vùng thiên tai.

Cùng với đó xem xét hỗ trợ phục hồi công tác chăn nuôi gia súc phù hợp với điều kiện chăn nuôi trên địa bàn tỉnh, đồng thời hỗ trợ về giống cây trồng để phục hồi sản xuất do ảnh hưởng của thiên tai như giống ngô, giống lúa...

Tại các buổi làm việc, Thứ trưởng Nguyễn Sinh Nhật Tân nhấn mạnh: phòng chống thiên tai là hoạt động thường xuyên, liên tục. Do vậy, các địa phương cần xây dựng kế hoạch, phương án phù hợp với đặc điểm, đặc thù của tỉnh và từng vùng; chú trọng hơn nữa công tác tập huấn, diễn tập. Đồng thời có kịch bản xử lý sự cố thiên tai; cụ thể tiêu chí phòng chống thiên tai gắn với xây dựng nông thôn mới và có những giải pháp để khắc phục hạn chế, khó khăn, vướng mắc.

Thứ trưởng Bộ Công thương cũng cho biết, những đề xuất, kiến nghị của tỉnh Hòa Bình, Sơn La sẽ được đoàn công tác ghi nhận để báo cáo với Ban chỉ đạo Trung ương và các bộ, ngành xem xét, giải quyết.

Ngọc Phúc

Nguồn Pháp Luật VN: https://baophapluat.vn/hoa-binh-son-la-con-nhieu-kho-khan-trong-cong-tac-phong-chong-thien-tai-post446099.html