Hòa Bình: tạo đà phát triển vùng nguyên liệu mía

Để nâng cao giá trị sản phẩm và thúc đẩy xuất khẩu mía bền vững, tỉnh Hòa Bình đã triển khai nhiều giải pháp đồng bộ nhằm cải thiện năng suất và chất lượng mía tại các vùng trồng trong tỉnh.

Xã Đa Phúc (huyện Yên Thủy, tỉnh Hòa Bình) hiện có trên 400 ha mía nguyên liệu với hơn 700 hộ tham gia trồng. Năm 2024, năng suất thu hoạch từ cây mía đạt 80 tấn/ha, sản lượng đạt trên 32.000 tấn, được các doanh nghiệp thu mua với giá 12.500 đồng/kg.

Là một trong những hộ nổi bật trong trồng mía nguyên liệu ở xã Đa Phúc, gia đình anh Quách Văn Thọ trồng gần 10 ha mía, với giá bán cho nhà máy 12.500 đồng/kg. Vụ mía này đem lại thu nhập cho gia đình anh khoảng 600 triệu đồng.

Để nắm vững kỹ thuật trồng mía, anh Thọ chủ động học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu kiến thức kỹ thuật mới về chăm sóc cây mía. Anh Thọ luôn tự hào vì vườn mía của gia đình mình là một trong những vườn mía đẹp và chất lượng nhất xã Đa Phúc, đáp ứng yêu cầu cung cấp cho các nhà máy chế biến đường.

Mở rộng phát triển vùng mía không chỉ tạo việc làm mà còn góp phần xóa đói, giảm nghèo cho nông dân.

Mở rộng phát triển vùng mía không chỉ tạo việc làm mà còn góp phần xóa đói, giảm nghèo cho nông dân.

Những năm qua, tại tỉnh Hòa Bình, việc ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất giống mía nuôi cấy mô đã bước đầu phát huy hiệu quả. Cây mía cho năng suất, chất lượng cao, mẫu mã đẹp hơn; nguồn giống gốc thuần chủng tiếp tục được duy trì, phát triển để cung cấp vật liệu nhân giống mở rộng diện tích cho các vụ sau.

Trên địa bản tỉnh Hòa Bình đã hình thành một số vùng sản xuất mía ăn tươi chủ lực, có chất lượng tốt, có thương hiệu như: vùng trồng mía ở huyện Cao Phong (các xã Nam Phong, Dũng Phong, Thu Phong, Tây Phong, Thạch Yên); vùng trồng mía ở huyện Tân Lạc (các xã Phong Phú, Mỹ Hòa, Phú Vinh); vùng trồng mía tại huyện Lạc Sơn (các xã Ân Nghĩa, Tân Mỹ, Yên Nghiệp);....

Để nâng cao năng suất, chất lượng mía ăn tươi trên địa bàn tỉnh, mới đây, Sở NN&PTNT tỉnh đã ban hành văn bản về việc thực hiện các giải pháp nâng cao năng suất, chất lượng mía ăn tươi trên địa bàn tỉnh Hòa Bình.

Theo đó, Sở đề nghị UBND các huyện, thành phố và các đơn vị thuộc Sở chỉ đạo UBND các xã rà soát tổng thể thực trạng, có đánh giá cụ thể về giống, năng suất, sản lượng mía. Lựa chọn những khu vực phù hợp theo hướng tập trung, có điều kiện thâm canh, cơ giới hóa và nước tưới để phục vụ sản xuất trong thời gian tới.

Đẩy mạnh việc hỗ trợ thành lập các hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ mía, đảm bảo gắn kết người trồng trong chuỗi sản xuất và tiêu thụ mía. Hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư nâng cấp, cải tiến dây chuyền công nghệ sơ chế, chế biến mía ăn tươi. Chủ động bố trí lồng ghép các nguồn kinh phí, các chính sách khuyến khích phát triển vùng trồng mía tập trung để áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất; đầu tư thâm canh nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm.

Bên cạnh đó, tiếp tục mở rộng diện tích mía từ giống nuôi cấy mô để nâng cao năng suất, cải thiện chất lượng mía thương phẩm. Phổ biến và chỉ đạo thực hiện rộng rãi quy trình kỹ thuật canh tác mía tím. Tổ chức xây dựng, quản lý tốt các chợ mía ở các vùng sản xuất tập trung, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho việc thông thương. Đẩy mạnh hoạt động quảng bá thương hiệu sản phẩm mía tím, mía trắng Hòa Bình...

Tâm Hiền

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/hoa-binh-tao-da-phat-trien-vung-nguyen-lieu-mia.html