Hòa Bình vào cuộc kiểm tra, xử lý dự án trồng rừng bán 'chui' biệt thự
Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình chỉ đạo các Sở, ngành, địa phương kiểm tra, rà soát và xử lý trước thông tin dự án trồng rừng kết hợp du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Hiền Lương (huyện Đà Bắc) của Công ty TNHH đầu tư và phát triển du lịch Hiền Lương rầm rộ bán 'chui' biệt thự khi chưa được phép.
Liên quan đến bài viết “Cận cảnh dự án trồng rừng kết hợp du lịch bán ‘chui’ biệt thự ở Hòa Bình”, do Báo Tiền Phong đăng tải ngày 31/5, UBND tỉnh Hòa Bình đã chỉ đạo các Sở, ngành vào cuộc kiểm tra, làm rõ.
Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh giao Sở Xây dựng chủ trì phối hợp với các Sở, ngành, địa phương có liên quan nghiên cứu, rà soát và có giải pháp xử lý theo thẩm quyền đối với nội dung Báo Tiền Phong phản ánh. Báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 10/6.
Như Tiền Phong thông tin, dự án trồng rừng kết hợp du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Hiền Lương (tên thương mại Takara Hòa Bình Resort) tại xã Hiền Lương, huyện Đà Bắc (Hòa Bình) dù đang trong quá trình san gạt, làm hạ tầng nhưng được rao bán, huy động vốn rầm rộ sản phẩm biệt thự với giá hàng tỷ đồng/căn.
Theo tìm hiểu của PV, năm 2019, UBND tỉnh Hòa Bình ký quyết định chủ trương đầu tư dự án trồng rừng kết hợp du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng Hiền Lương tại xã Hiền Lương (huyện Đà Bắc). Chủ đầu tư là Công ty TNHH đầu tư và phát triển du lịch Hiền Lương.
Mục tiêu dự án là trồng rừng tạo cảnh quan và môi trường trong sạch, trong lành, kết hợp với đầu tư khu nghỉ dưỡng chất lượng cao và trung tâm nghỉ dưỡng chăm sóc sức khỏe người cao tuổi… Thời gian hoạt động của dự án là 50 năm. Dự án có tổng diện tích 60 ha, trong đó có gần 30 ha trồng rừng với quy mô 661 căn biệt thự và 2 tòa căn hộ cao 3-7 tầng. Tổng vốn đầu tư gần 300 tỷ đồng.
Ghi nhận thực tế của PV, nhiều khu vực đồi núi tại dự án Takara Hòa Bình Resort đang bị “cạo trọc” nham nhở để làm hạ tầng kỹ thuật và một số hạng mục công trình…, tuy nhiên nhiều sàn môi giới đang rao bán rầm rộ sản phẩm biệt thự dự án như: Kim Group; RAILAND; Công ty BĐS New Sky; Công ty CP Tập đoàn Thương mại và Dịch vụ Quốc tế O.C.D…
Theo đó, chủ đầu tư và các sàn môi giới “lách luật” huy động vốn của khách hàng, bán “chui” biệt thự tại dự án Takara Hòa Bình Resort bằng “Hợp đồng vay vốn”, “Văn bản thỏa thuận”, “Bản đăng ký mua nhà”, … tiềm ẩn nhiều rủi ro cho khách hàng.
Không chỉ riêng dự án Takara Hòa Bình Resort, trên địa bàn tỉnh Hòa Bình thời gian qua cũng nở rộ các dự án bất động sản “ma”, các dự án nhà ở, khu đô thị, khu du lịch nghỉ dưỡng rao bán rầm rộ các sản phẩm biệt thự, liền kề khi chưa đủ điều kiện.
Để chấn chỉnh tình trạng này, Sở Xây dựng tỉnh Hòa Bình bêu tên 8 dự án "ma", không có trên địa bàn, gồm: Dự án Green Oasis Hòa Bình - Lương Sơn; Dự án Beverly Hill - Lương Sơn Hòa Bình; Dự án Vịt Cổ Xanh Ecologe Việt Pháp; Dự án Sun Legend Villa - Đà Bắc Ecolodge; Dự án Mountain Villa - Lương Sơn; Dự án Kai Village Resort tại cầu Mè, xã Mông Hóa, TP Hòa Bình; Dự án Ohara Villas &Resort, xã Mông Hóa, TP Hòa Bình; Dự án The Moon Village tại xã Yên Quang, TP Hòa Bình.
Đồng thời, Sở Xây dựng cũng công khai các dự án chưa đủ điều kiện huy động vốn, chuyển nhượng và kinh doanh bất động sản để người dân nắm bắt.
“Để tránh những rủi ro trong giao dịch và đảm bảo minh bạch và đảm bảo phát triển lành mạnh ổn định của thị trường bất động sản, không làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương, tránh tình trạng các tổ chức, cá nhân huy động vốn, bán sản phẩm bất động sản trái quy định pháp luật trên địa bàn tỉnh, Sở Xây dựng khuyến cáo người dân không tham gia giao dịch đối với các bất động sản chưa đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật”, Sở Xây dựng Hòa Bình khuyến cáo.