Hóa chất Đức Giang (DGC): Chọn gửi ngân hàng chứ nhất định không mua trái phiếu hưởng lãi cao

Tính đến quý II/2024, CTCP Tập đoàn Hóa chất Đức Giang (mã: DGC) có tới gần 10.000 tỷ tiền nhàn rỗi. Tuy nhiên trong nhiều năm qua, thay vì đầu tư cổ phiếu, trái phiếu thì số dư tiền mặt lớn đều được Đức Giang gửi ngân hàng.

Nửa năm đã hoàn thành 51% kế hoạch lợi nhuận

Tại BCTC hợp nhất quý II/2024, DGC có doanh thu thuần hơn 2.500 tỷ đồng, tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ, tuy nhiên giá vốn tăng chậm hơn, giúp lãi gộp đạt 983 tỷ (tăng 4,6%).

Doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ giảm gần 9% do lãi tiền gửi có kỳ hạn sụt giảm. Chi phí tài chính cũng giảm 36%, trong đó chi phí lãi vay giảm hơn 3 tỷ đồng.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Kết quả, doanh nghiệp báo lãi sau thuế quý II/2024 đạt 870 tỷ đồng, giảm nhẹ 1% so với cùng kỳ năm 2023 nhưng tăng gần 24% so với quý I/2024.

Lũy kế nửa đầu năm 2024, doanh nghiệp hóa chất thu về gần 4.900 tỷ, lãi ròng 1.574 tỷ. Năm nay, Hóa chất Đức Giang đặt mục tiêu tổng doanh thu hợp nhất 10.202 tỷ đồng, tăng gần 5% so với thực hiện năm ngoái song lợi nhuận sau thuế dự kiến giảm 4,4% (còn 3.100 tỷ đồng). Sau 6 tháng, doanh nghiệp đã hoàn thành 48% mục tiêu doanh thu và 51% kế hoạch lợi nhuận năm.

Trả lời cổ đông về kế hoạch kinh doanh có phần thận trọng tại ĐHĐCĐ năm 2024, ông Đào Hữu Huyền, Chủ tịch HĐQT cho biết, thực ra là khó khăn chứ không phải thận trọng. Năm 2024, doanh nghiệp phấn đấu 3.000 tỷ là không hề đơn giản, chưa kể vấn đề điện tăng giá. Hiện tại, tình hình tiêu thụ của tập đoàn vẫn tốt, có gì là bán hết, mặc dù không ế nhưng giá cả không phải cao. Nếu đặt quá cao thì dễ thành PR cổ phiếu.

Nhiều tiền mặt và tiền gửi nhưng sẽ không dùng để mua trái phiếu

Tính tới ngày 30/6/2024, quy mô tổng tài sản của doanh nghiệp đạt 15.350 tỷ đồng (giảm nhẹ so với đầu năm).

Chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tài sản của Hóa chất Đức Giang vẫn là khoản tiền, tiền gửi ngân hàng với tổng giá trị 10.239 tỷ đồng (tại ngày 30/6), chiếm 67% tổng tài sản, dù giảm 164 tỷ đồng so với đầu năm. Trong nửa đầu năm 2024, công ty nhận về hơn 266 tỷ đồng lãi tiền gửi (chi phí lãi vay chỉ gần 12 tỷ).

Được biết, trong nhiều kỳ liên tiếp, khoản đầu tư duy nhất của doanh nghiệp này là đầu tư tài chính ngắn hạn (gửi ngân hàng với lãi suất cố định), đặc biệt là không ghi nhận bất kỳ khoản đầu tư nào khác như cổ phiếu, trái phiếu...

Cũng tại ĐHĐCĐ, ông Đào Hữu Huyền cho biết, lượng tiền gửi của doanh nghiệp là khoản đầu tư bền vững. Rất nhiều các công ty tài chính tới để kêu gọi công ty mua trái phiếu nhưng doanh nghiệp đã từ chối.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Ảnh minh họa. Nguồn ảnh: Internet.

Ông Đào Hữu Huyền cho rằng lãi suất 4% thì ăn chắc 4% còn trái phiếu 12% thì cầm tiền lo nơm nớp. Do đó, năm nay và sang năm doanh nghiệp này cũng sẽ không đi mua trái phiếu của ai cả.

Đại diện doanh nghiệp nói thêm, doanh nghiệp đi gửi ngân hàng lãi suất 4-5% là dở vì không biết làm gì mới phải đi gửi. Tuy nhiên, DGC đi chỉ đi vay với lãi suất 2% nên doanh nghiệp vẫn kiếm được khoảng trăm tỷ mỗi năm.

Theo ông Huyền, khoản tiền này sẽ được dùng để dồn lực ở dự án Đăk Nông và dự án bất động sản.

Chủ tịch Đào Hữu Huyền cho biết, Nhà nước mới đưa tập đoàn vào diện thí điểm, nhanh thì các dự án bất động sản có thể triển khai trong 2025. Dự án có quy mô khoảng 1.000 căn hộ và 60 căn liền kề. Tập đoàn đã chờ 5 năm nay. Đợt này nhà nước có vẻ mở hơn về việc cấp phép xây dựng chung cư và nhà liền kề.

Bên cạnh đó, các khoản phải thu ngắn hạn còn gần 1.000 tỷ đồng, đa phần là các khoản phải thu ngắn hạn. Hàng tồn kho cũng còn gần 980 tỷ, chủ yếu là thành phẩm.

Cuối quý II/2024, nợ phải trả của Hóa chất Đức Giang hơn 1.970 tỷ đồng. Tổng nợ vay hơn 818 tỷ đồng, hoàn toàn là nợ vay ngắn hạn, giảm 38% so với hồi đầu năm.

Vốn chủ sở hữu khoảng 13.379 tỷ đồng, trong đó bao gồm 6.867 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 30/6.

Ông Nguyễn Đình Duy, Giám đốc phân tích Khối Xếp hạng và Nghiên cứu (VIS Ratings) cho biết, lượng trái phiếu doanh nghiệp chậm trả năm ngoái lên đến gần 190.000 tỷ đồng, song năm nay chỉ khoảng 40.000 tỷ đồng, thuộc về 35 doanh nghiệp phát hành. Lượng trái phiếu rủi ro cao tập trung trong quý IV năm 2024.

Việc phát hành trái phiếu hiện nay khó khăn hơn, nhiều doanh nghiệp buộc phải đổi kế hoạch huy động vốn từ trái phiếu sang vay vốn ngân hàng hoặc phát hành cổ phiếu, hoán đổi trái phiếu sang cổ phiếu… để trả nợ.

Bích Ngọc

Nguồn Kinh tế Môi trường: https://kinhtemoitruong.vn/hoa-chat-duc-giang-dgc-chon-gui-ngan-hang-chu-nhat-dinh-khong-mua-trai-phieu-huong-lai-cao-90708.html