''Hoa dã quỳ'' của mỗi buôn, thôn

Nhằm nâng cao vị thế của phụ nữ, không chỉ đảm đang quán xuyến những công việc trong gia đình mà còn tích cực tham gia đóng góp ngoài xã hội, Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) huyện Đơn Dương đã thực hiện nhiều chương trình phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của mỗi địa phương. Từ đó, vai trò của người phụ nữ trong cộng đồng dân cư ngày càng được khẳng định.

Con đường hoa do chị em phụ nữ thôn Suối Thông A2, xã Đạ Ròn chăm sóc

Con đường hoa do chị em phụ nữ thôn Suối Thông A2, xã Đạ Ròn chăm sóc

Chị Ka Rơm (xã Đạ Ròn) năm nay 49 tuổi, số năm chị là Chi hội trưởng Chi hội Phụ nữ thôn Suối Thông A2 đã bằng một nửa số tuổi của mình. Miệt mài với công tác hội từ năm 1996 đến giờ, chị bảo rằng mình đúng kiểu “Ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng” như người ta vẫn thường hay nói. Không có lương, lại thường xuyên phải bỏ tiền túi ra để đổ xăng hay nạp tiền điện thoại, nhưng chị luôn thấy mình may mắn vì có gia đình ủng hộ, có người chồng tạo điều kiện để có thể gắn bó với công tác hội cho đến bây giờ.

“Khó khăn lớn nhất chỉ có vậy thôi, còn tinh thần và tâm huyết thì lúc nào mình cũng có thừa. Không phải không có lúc nản lòng, nhưng sự gắn bó và tình cảm với chị em lại giúp mình có thêm động lực để hoàn thành tốt công việc được giao” - chị Ka Rơm thật lòng chia sẻ.

Thôn Suối Thông A2 có 214 hộ, 118 hội viên Hội Phụ nữ. Nếu như cách đây 20 năm, việc tuyên truyền, vận động chị em phụ nữ trong thôn tham gia một buổi sinh hoạt vẫn còn là điều khó khăn, thì bây giờ, điều đó đã trở nên dễ dàng rất nhiều. Có được điều đó là nhờ những ngày chị Ka Rơm kiên trì đi từng xóm, gõ cửa từng nhà, tâm sự, chia sẻ mà chị em trong thôn đã biết những lợi ích mà mình nhận được khi tham gia vào hội. Trước đây, chị em trong thôn chỉ trồng cà phê, thời gian nhàn rỗi nhiều nhưng thu nhập chẳng được là bao. Bây giờ, rất nhiều người đã trở thành công nhân cho Công ty hoa Đà Lạt Hasfarm, nên những buổi họp hay tuyên truyền, chị Ka Rơm tranh thủ tổ chức vào buổi tối, và luôn nhớ báo trước để chị em tiện sắp xếp công việc. Để vận động phụ nữ không sinh con thứ 3, chị lấy bản thân gia đình mình ra làm gương. Để chia sẻ khó khăn với hội viên, chị xây dựng Hũ gạo tình thương nhằm giúp đỡ nhau lúc khó khăn, hoạn nạn.

Dẫn chúng tôi thăm tuyến đường hoa đang khoe sắc rực rỡ giữa nắng tháng 10, chị Ka Xuyên - Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ (LHPN) xã Đạ Ròn tự hào khoe: 400 cây hoa ngọc yến và tuyến đường hoa giáp 2 thôn Suối Thông A1 và Suối Thông A2 là mô hình dân vận khéo của Hội LHPN xã, được đông đảo chị em ủng hộ, thực hiện. Để làm được điều đó, vai trò của các chi hội trưởng trong công tác tuyên truyền, vận động đóng vai trò rất lớn. Chị Ka Xuyên khẳng định: “Chỉ khi Chi hội thôn hoạt động tốt thì Hội Phụ nữ xã mới có phong trào. Với 4/8 thôn trên toàn xã là thôn đồng bào dân tộc thiểu số, nếu chi hội trưởng các chi hội không nhiệt tình thì Hội Phụ nữ xã sẽ rất vất vả”.

Theo chị Phan Thị Hoài Thanh - Chủ tịch Hội LHPN huyện Đơn Dương: Hiện, Hội LHPN huyện Đơn Dương có 12.693 hội viên/19.079 phụ nữ. Tỷ lệ tập hợp thu hút hội viên đạt 78%.

Các hoạt động tuyên truyền, vận động của Hội đều hướng về cơ sở: căn cứ tình hình những vấn đề nổi cộm cần có sự vào cuộc của các cấp, các ngành tại địa phương như tình trạng tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống, sinh con thứ ba, tình hình vi phạm an toàn giao thông, vệ sinh an toàn thực phẩm…; Hội LHPN huyện chủ động phối hợp với các ngành có liên quan, phối hợp Hội LHPN cơ sở cùng chung tay thực hiện.

Nhằm hỗ trợ hội viên nghèo thoát nghèo bền vững, ngay từ đầu năm, tranh thủ chủ trương về hỗ trợ hộ nghèo trên địa bàn huyện, Hội LHPN huyện đã chủ động tham mưu với UBND huyện nhận đỡ đầu 10 hộ gia đình hội viên phụ nữ nghèo của các xã, thị trấn từ nguồn kinh phí hỗ trợ của UBND huyện. Đồng thời chỉ đạo Hội LHPN cơ sở thường xuyên quan tâm, hỗ trợ thêm thông qua các nguồn vốn vay, hỗ trợ kỹ thuật trong sản xuất, phát huy tổ vần đổi công... cho các hộ gia đình hội viên để chị em hội viên phụ nữ có thêm điều kiện đầu tư phát triển kinh tế, thoát nghèo bền vững.

Để chị em phụ nữ có hứng thú với các phong trào, hoạt động, Hội LHPN huyện thường xuyên đổi mới các hình thức sinh hoạt nhằm tạo sự mới mẻ, phong phú, đồng thời lồng ghép triển khai nhiều nội dung mang lại hiệu quả cao. Cuộc vận động “Phụ nữ Lâm Đồng tự trọng rèn đức - Tự tin luyện tài - Trung hậu đảm đang - Xây dựng gia đình hạnh phúc” đã từng bước nâng cao vị thế của phụ nữ thông qua các mô hình phù hợp với điều kiện của từng địa phương như: mô hình “Xanh - sạch - đẹp” (thôn Krăng Chớ, xã Ka Đơn); mô hình “Chi hội phụ nữ 5 không, 3 sạch, xây dựng nông thôn mới” tại thôn Đồng Thạnh (xã Lạc Xuân); mô hình “Khu dân cư có đường thôn, ngõ xóm sáng - xanh - sạch - đẹp và xây dựng gia đình hội viên phụ nữ văn hóa tiêu biểu” (thôn Quảng Hòa, xã Quảng Lập),...

Dọc hai bên đường về Đơn Dương, dã quỳ đã bắt đầu nở những bông hoa đầu tiên. Và chúng tôi chợt liên tưởng rằng, những người phụ nữ đang nhiệt tâm từng ngày với công tác hội phụ nữ cũng giống như bông hoa dã quỳ: bình dị mà mạnh mẽ, âm thầm mà rực rỡ. Chỉ khác rằng, dã quỳ chỉ nở một mùa trong năm, còn những người phụ nữ đó thì vẫn đang hàng ngày miệt mài vận động, cho sự đổi thay của mỗi buôn, thôn.

V.QUỲNH - H.THẮM

Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/xahoi/202010/hoa-da-quy-cua-moi-buon-thon-3027989/