Hòa đàm Myanmar: Đặc phái viên ASEAN báo 'bước tiến lớn', mời đại diện 'phi chính trị' dự các cuộc họp khối

Ngày 6/7, đặc phái viên ASEAN về Myanmar Prak Sokhonn đã thông báo về tiến triển của tiến trình hòa đàm ở quốc gia này.

Đặc phái viên ASEAN về Myanmar Prak Sokhonn (phải) - cũng là Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Campuchia - trong cuộc họp báo hôm 6/7.

Đặc phái viên ASEAN về Myanmar Prak Sokhonn (phải) - cũng là Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Campuchia - trong cuộc họp báo hôm 6/7.

Tại cuộc họp báo ngày 6/7, đặc phái viên Prak Sokhonn, cũng là Phó Thủ tướng kiêm Ngoại trưởng Campuchia, cho biết, "tiến trình đàm phán hòa bình ở Myanmar đã hướng về phía trước".

Theo đó, trong cuộc thảo luận với ông Sokhonn, Chủ tịch Ủy ban Đoàn kết dân tộc và Kiến tạo hòa bình (NSPNC) ở Myanmar Ya Pey cho hay, Hội đồng Điều hành Nhà nước (SAC) Myanmar đồng ý mở rộng đối tượng tham gia đàm phán.

Tuy vậy, phía Myanmar yêu cầu những đối tượng muốn đàm phán phải đáp ứng ba điều kiện, đó là (1) không có ý định lật đổ chính phủ; (2) không có ý định thay thế chính phủ; và (3) thông qua hiến pháp năm 2008 làm cơ sở cho các cuộc đàm phán hòa bình.

Dù còn có các điều kiện trên, Bộ trưởng Prak Sokhonn đánh giá, đây là bước tiến lớn đối với tiến trình đàm phán hòa bình và khả năng đàm phán đã được mở đường.

Theo Phó Thủ tướng Campuchia Sokhonn, ông cũng đã gửi thư đề nghị Myanmar cử “đại diện phi chính trị” tham dự các hội nghị ASEAN sắp tới.

Từ 29/6-3/7, ông Sokhonn đã có chuyến công du tới Myanmar nhằm đánh giá tiến triển của việc thực hiện Đồng thuận 5 điểm và kết quả cuộc họp tham vấn về viện trợ nhân đạo của ASEAN dành cho Myanmar diễn ra ngày 6/5 vừa qua tại Phnom Penh.

Nguyên tắc Đồng thuận 5 điểm do lãnh đạo ASEAN thông qua tháng 4/2021 nhằm hỗ trợ Myanmar ổn định tình hình, tham gia hiệu quả hợp tác ASEAN, xây dựng cộng đồng.

Năm điểm thống nhất của ASEAN về Myanmar gồm chấm dứt bạo lực, đối thoại mang tính xây dựng giữa tất cả các bên liên quan, gửi viện trợ cho Myanmar, bổ nhiệm đặc phái viên ASEAN để tạo điều kiện cho các cuộc đàm phán và cho phép đặc phái viên ASEAN đến Myanmar.

Với tư cách là Chủ tịch luân phiên của ASEAN năm 2022, Campuchia sẽ tổ chức Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN (AMM) lần thứ 55, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN với các đối tác, Hội nghị ASEAN+3, Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Cấp cao Đông Á, Diễn đàn Khu vực ASEAN lần thứ 29 và các cuộc họp liên quan từ 31/7-6/8 tại Phnom Penh.

(theo Fresh News, Khmer Times)

Bảo Hà

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/hoa-dam-myanmar-dac-phai-vien-asean-bao-buoc-tien-lon-moi-dai-dien-phi-chinh-tri-du-cac-cuoc-hop-khoi-189869.html