'Hoa đến kỳ hoa chẳng nở'- Người trồng lay ơn khóc bên ruộng hoa
Người nông dân ở vùng trồng lay ơn lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi cười như mếu vì tình trạng hiếm gặp: Sát Tết, hoa vẫn không nở.
Chập choạng tối, ông Võ Chí Thành (thôn Bình Đông, xã Nghĩa Hà, TP Quảng Ngãi, tỉnh Quảng Ngãi) chạy xe ba gác ra đồng, bật công tắc điện ở ruộng lay ơn rồi rít một hơi dài thuốc lá, đượm buồn: “Chong đèn nửa tháng nay để thúc hoa nở, nhưng đến tận 28 Âm lịch rồi vẫn không thấy tăm hơi. Mấy năm trước giờ là ấm túi rồi, có đâu như vầy".
Vụ hoa Tết năm nay, ông Thành “mạnh tay” chi gần trăm triệu đồng trồng 5 sào lay ơn với nhiều giống khác như như: Trắng, nhung, vàng lưỡi hổ… với hy vọng kiếm được khoản thu nhập khá.
Thời gian đầu, ông Thành rất phấn khởi khi thấy cây phát triển, sinh trưởng tốt. Nhưng bất ngờ, còn cách Tết Nguyên đán Quý Mão 2023 chừng hơn một tháng thì lay ơn có hiện tượng thối rễ, chết hàng loạt hoặc ngưng phát triển.
“Mưa lạnh kéo dài nên 5 sào thì bị hư hơn 2 sào. Số còn lại ráng chăm bón để kịp Tết, ai ngờ thời tiết vẫn tiếp tục mưa, lạnh. Giờ cả ruộng vẫn xanh um, hôm nay ra kiếm một ít để bán, có gỡ thì gỡ cũng chẳng nổi nữa”- ông Thành thở dài.
Cách không xa ruộng hoa của ông Thành, ông Ngô Văn Của (thôn Bình Đông) cũng đang tranh thủ nhổ ít hoa mang bán vào phiên chợ 29 Tết. Năm nay, ông Của trồng 4 sào lay ơn thì có đến 3 sào bị hư hại do thời tiết thất thường, chút hy vọng dồn cả vào sào còn lại tiếp tục vỡ tan.
“Bình thường mọi năm giờ này là ruộng trống trơn rồi, thương lái tới mua sạch. Năm nay còn y… Mới nhổ bán được chừng 400 cây, kiếm được 4 triệu đồng. Còn lại mong ra Tết bán thêm được chút ít. Làm nông mà, trời cho thì ăn, trời lấy đành chịu”- ông Của thở dài.
Ngưng giây lát, ông Của tắc lưỡi, nói tiếp: “Mấy chục năm trồng hoa lay ơn, năm nay là năm đầu tiên chứng kiến cảnh như thế này, mưa lạnh 2 tháng liền. Ai đời sát Tết nụ lay ơn còn khép kín, không nở. Các cách đều đã dùng thử. Người ta chỉ chong đèn ban đêm để thúc hoa cúc, còn tui chong đèn thúc hoa lay ơn cả chục ngày nay. Nếu không thúc chắc giờ chẳng có cây nào để bán đâu”.
Nhẩm tính mỗi sào tốn gần 20 triệu đồng tiền giống, thuốc, vụ này, ông Của mất trắng hơn 60 triệu đồng, phần vì hoa hư, phần vì hoa chậm nở, bán không đúng thời điểm.
“Làm nông thì năm nay mất, năm sau vẫn trồng tiếp, không bỏ nghề. Tết này kém vui rồi, trúng hoa thì thêm thịt thêm bánh, giờ thất bát vầy thì ăn ít lại”- ông Của cười buồn.
Dạo quanh xã Nghĩa Hà - nơi trồng hoa lay ơn lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi - đều thấy không khí khá ảm đạm. Phần lớn các ruộng hoa vẫn còn y nguyên, một số có 5,6 nụ, một số thậm chí mới chớm có nụ.
“Hoa lay ơn phục vụ dịp Tết, nhất là trước Tết. Còn sau Tết thị trường chỉ mua đến trước mùng 10. Với tình trạng hiện nay thì chắc có nhiều người đến tận rằm tháng Giêng mới có hoa bán. Mà dịp đó thì còn ai mua nữa”- bà Nguyễn Thị Ánh Tuyết (thôn Bình Đông) rầu rĩ.
Theo nhiều nông dân, thông thường, tầm 20 Âm lịch hàng năm là khắp các thôn của xã Nghĩa Hà, nhất là Hổ Tiếu, Bình Đông - nơi có nhiều diện tích trồng lay ơn - đã nhộn nhịp người mua kẻ bán. Nhưng năm nay, thời tiết không ủng hộ, đại đa số diện tích trồng hoa lay ơn nở muộn khiến người trồng mất Tết.
“Xã Nghĩa Hà có khoảng 25 hec ta trồng lay ơn phục vụ thị trường Tết Nguyên đán Quý Mão 2023. Năm nay thời tiết thất thường, một số diện tích chết, hư hỏng, số còn lại không nở kịp Tết, nhiều nông dân thất thu nặng” - Phó Chủ tịch UBND xã Nghĩa Hà Nguyễn Thị Loan cho hay.