Hóa đơn tiền điện tăng vù vù: EVN nhận khuyết điểm nhưng nói 'là sự cố cá nhân'
Ông Nguyễn Quốc Dũng - Trưởng ban Kinh doanh EVN thừa nhận vẫn còn một số nhân viên ngành điện chưa làm tròn trách nhiệm và sẽ có điều chỉnh.
Ông Dũng chia sẻ tại cuộc làm việc giữa đại diện Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công Thương), Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, Hội Bảo vệ Người tiêu dùng, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tại Công ty Điện lực Thanh Xuân (thuộc Tổng công ty Điện lực Hà Nội).
Theo ông Dũng, đâu đó vẫn còn một số nhân viên chưa làm tròn trách nhiệm và sẽ có những điều chỉnh để đảm bảo quy trình. EVN nhận khuyết điểm và điều chỉnh lại quy trình ngay, sẽ dùng phần mềm lọc bớt sự sai sót, không để xảy ra những trường hợp tăng đột biến như vậy nữa. “Người đi ghi thì vậy, nhưng người ngồi ở văn phòng thấy tăng vài chục lần mà không phát hiện ra thì thiếu trách nhiệm”, ông Dũng nói.
Theo bà Tô Lan Phương, Trưởng ban kinh doanh Tổng Công ty Điện lực Hà Nội, các công tơ trước khi đưa vào sử dụng đều phải được kiểm định đạt tiêu chuẩn theo quy định của Bộ Khoa học và công nghệ.
Trong quá trình sử dụng nếu phải kiểm định thì nhân viên điện lực phải tháo công tơ dưới sự chứng kiến của khách hàng, nếu khách hàng vẫn thắc mắc về kết quả sẽ đưa công tơ đi kiểm định độc lập.
Đối với điện lực Hà Nội, hiện nay đã lắp đặt 70% công tơ điện tử đo và truyền dữ liệu tự động, khách hàng có thể trực tiếp tra cứu chỉ số sử dụng điện hằng ngày trên website hoặc app. Đồng thời, có thể đăng ký kiểm soát nhu cầu sử dụng điện bằng cách đăng ký lượng điện tiêu thụ để có cảnh báo nếu sử dụng vượt quá mức cho phép để thay đổi hành vi tiêu dùng.
Trên quan điểm người tiêu dùng, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng, cho rằng những thắc mắc, khiếu nại của khách hàng khi thấy tiền điện tăng cao đột biến là chính đáng và ngành điện có trách nhiệm phải giải thích thỏa đáng và công khai, minh bạch thông tin.
Ông cũng đặt câu hỏi là liệu có sự can thiệp vào việc ghi chỉ số điện trên hóa đơn hay không, bởi không tránh khỏi trường hợp người đi đo làm sai lệch chỉ số. “Ngành đo lường đã hậu kiểm chưa, phát hiện trường hợp nào gian lận số điện không?”, ông Hùng đặt câu hỏi.
Theo bà Lan Phương, về quy trình kiểm định công tơ, khi khách hàng có nhu cầu, công ty điện lực sẽ đến và tháo công tơ trước sự chứng kiến của khách hàng, mang đi kiểm định. Khi kiểm định tại trung tâm kiểm định của điện lực Hà Nội, nếu khách hàng không có kiến nghị, thắc mắc gì, kết quả kiểm định đó sẽ được công nhận. “Nếu thắc mắc và muốn kiểm định ở một cơ sở độc lập, công ty sẽ tiếp tục kiểm định ở các cơ quan quản lý nhà nước của Tổng cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng”, bà Lan Phương cho hay.
Chia sẻ thêm về những trường hợp hóa đơn tiền điện tăng đột biến gần đây, ông Võ Quang Lâm, Phó Tổng giám đốc EVN cho rằng những sai sót xảy ra ở một số địa phương thời gian qua như Quảng Bình, Quảng Ninh, Nghệ An… rất đáng tiếc cho những nỗ lực của ngành trong thời gian qua và phải kỷ luật cán bộ chỉ là “là sự cố cá nhân”.
Do đó, ông nhấn mạnh trách nhiệm của tập đoàn là tới đây sẽ kiện toàn hơn nữa ý thức cán bộ công nhân viên, tuân thủ quy định công vụ thông qua chương trình đào tạo bồi dưỡng. Đồng thời nâng cao hơn nữa hiện đại hóa ngành điện, tăng tỉ lệ công tơ điện tử trong thời gian tới. “Các vụ việc vừa xảy ra là mới chỉ ở giai đoạn thông báo tiền điện. Khi khách hàng phát hiện ra đột biến thì đã khiếu nại. Ngay sau đó cán bộ điện lực đã xử lý”, ông Lâm nói.