Hóa giải 'bài toán khó' đưa đặc sản vùng miền vào siêu thị
Việc đưa đặc sản vùng miền của các DN nhỏ và vừa, HTX vào chuỗi siêu thị và trung tâm thương mại lâu nay vẫn được ví như 'bài toán khó'. Thế nhưng, việc này có thể được 'hóa giải' nếu như có sự đồng cảm, liên kết chặt chẽ, cách thức mới về chia sẻ doanh thu, linh động chính sách… giữa nhà bán và nhà mua hàng để đôi bên cùng có lợi.
Nói về đưa đặc sản vùng miền vào tiêu thụ tại Trung tâm thương mại (TTTM) Gigamall ở Tp.Thủ Đức (Tp.HCM), ông Phạm Nguyễn Thái Huy, Phó tổng giám đốc CTCP Đầu tư Thương mại dịch vụ Gigamall Việt Nam (Gigamall), cho biết siêu thị Giga Market thuộc Gigamall đang làm việc với gần 50 đơn vị có các sản phẩm đặc sản địa phương, truyền thống vùng miền, sản phẩm OCOP…
Khó khăn chỉ là bước đầu
Theo ông Huy, phía siêu thị luôn ủng hộ và hỗ trợ, tạo điều kiện tối đa để các doanh nghiệp (DN), HTX chuyên sản xuất các đặc sản vùng miền đưa hàng vào đây. Trước hết là hỗ trợ mặt bằng, quầy, kệ và tất cả các thứ về trưng bày. Đồng thời siêu thị cũng hỗ trợ nhân viên bán hàng, hỗ trợ chiết khấu (chiết khấu về sản phẩm, chiết khấu về doanh thu và lợi nhuận)... để đồng hành cùng các đặc sản Việt ở nông thôn.
Trao đổi với VnBusiness tại lễ hội “Nông sản - Đặc sản vùng miền 2023” diễn ra ở Tp.HCM từ ngày 28/4 - 2/5 (quy tụ hơn 1.000 loại nông đặc sản đến từ 20 tỉnh thành trong cả nước), vị phó tổng giám đốc của Gigamall cho rằng việc hỗ trợ thúc đẩy thương mại, nâng cao giá trị kinh tế với các loại nông sản, đưa đặc sản vùng miền trong nước đến gần hơn với người tiêu dùng Việt thông qua kênh siêu thị là rất cần thiết.
“Dĩ nhiên khi đưa vào siêu thị thì đó phải là những đặc sản đã được chứng nhận, có các giấy tờ pháp lý liên quan đến an toàn thực phẩm một cách rõ ràng. Tức là tất cả những việc mà các DN, HTX đã làm. Tuy nhiên, thời gian đầu cho việc tiếp cận của các đặc sản vùng miền với chuỗi phân phối, siêu thị có thể sẽ gặp không ít khó khăn”, ông Huy chia sẻ.
Xét về nút thắt khi đưa đặc sản vùng miền vào siêu thị, bà Vũ Kim Anh, Phó giám đốc Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN (BSA) thuộc Hội DN hàng Việt Nam chất lượng cao, lưu ý để các DN, HTX đưa mặt hàng đặc sản vùng miền vào siêu thị sẽ có những khó khăn bước đầu từ tiêu chuẩn, chất lượng sản phẩm cho đến sản lượng của sản phẩm.
“Chưa kể, giá cả của đặc sản cũng là cả vấn đề. Thông thường, giá của mặt hàng đặc sản bán trong siêu thị sẽ khác với giá phân phối ở thị trường bên ngoài. Không những vậy, quy trình trong DN, HTX để làm việc với các siêu thị thì mỗi siêu thị lại có một bộ hồ sơ riêng. Và các đơn vị sản xuất trước tiên phải đáp ứng về mặt giấy tờ chứng nhận chất lượng sản phẩm, giấy tờ hoạt động của DN, HTX, cho tới các quy trình giao nhận”, bà Vũ Kim Anh chia sẻ.
Làm sao để đôi bên cùng có lợi
Cũng theo vị phó giám đốc BSA, những khó khăn nêu trên là điều mà các đơn vị sản xuất muốn đưa đặc sản vùng miền vào siêu thị cần phải hóa giải. Nhất là với yêu cầu gì chưa đủ, chưa đạt thì mong rằng các siêu thị cần nhắc nhở ngay để đơn vị sản xuất có thể bổ sung ngay và hoàn thiện giấy tờ, hồ sơ. Bới nếu cứ đợi đúng thời gian rồi siêu thị mới trả lời cho đơn vị sản xuất sẽ rất khó.
“Cho nên, việc kết nối tốt giữa DN, HTX với siêu thị là rất quan trọng để có thể đưa đặc sản vùng miền vào chuỗi bán lẻ hiện đại. Về phía các siêu thị cũng nên có sự đồng cảm với việc muốn đưa đặc sản vùng miền một cách nhiều nhất và tốt nhất ra thị trường. Nếu có sự trao đổi, gắn kết, chia sẻ, cảm thông giữa nhà mua và nhà bán, tôi nghĩ kết quả sẽ tốt hơn”, bà Vũ Kim Anh nhấn mạnh.
Ở góc độ DN chuyên sản xuất những mặt hàng đặc sản từ cây sen, ông Lương Việt Chương, Giám đốc Công ty TNHH sản xuất và kinh doanh quốc tế Đất Phú, cho biết khó khăn của những DN nhỏ và vừa khi đưa mặt hàng đặc sản vào siêu thị là vấn đề về chi phí.
Ông Chương dẫn lại lời than phiền của một số DN khác khi đưa hàng hóa vào hệ thống siêu thị là càng bán càng lỗ. Bởi vì mức chiết khấu khá cao, ngoài ra phải kể đến những chi phí như hỗ trợ cho siêu thị mở chi nhánh mới, phí quầy kệ, kể cả chi phí cho sinh nhật…Và khi cộng lại, các DN mất hết lợi nhuận và chịu cảnh lỗ lã.
“Riêng bản thân công ty chúng tôi đang có mô hình là chia sẻ doanh thu với các TTTM và siêu thị. Như với TTTM Takashimaya (quận 1, Tp.HCM) có cách làm khá hay khi chia sẻ doanh thu giữa nhà mua với nhà bán. Họ không lấy phí mặt bằng mà sẽ lấy phần trăm trên doanh số bán tại quầy”, ông Chương nêu ra dẫn chứng.
Theo vị giám đốc của Đất Phú, hình thức chia sẻ doanh thu như vậy rất phù hợp cho các DN nhỏ và vừa trong mảng đặc sản. Nếu như DN cố gắng bán hàng sẽ có tiền, có lợi nhuận, còn nếu không bán được sẽ tự chuyển đi chỗ khác. Như Takashimaya hay TTTM Diamond Plaza (quận 1, Tp.HCM) đang áp dụng mô hình này, trong khi một số TTTM khác vẫn chưa áp dụng.
Đối với mô hình chia sẻ doanh thu, đứng ở góc độ quản lý TTTM Gigamall, ông Phạm Nguyễn Thái Huy cho biết bên trong TTTM có siêu thị Giga Market vẫn đang hợp tác với DN thông qua hình thức chia sẻ doanh thu, không lấy tiền thuê quầy kệ cố định hàng tháng.
“Chúng tôi rất linh động trong chuyện hợp tác đối với các DN nhỏ và vừa, HTX và đặc biệt là những DN khởi nghiệp. Nhất là làm sao để hỗ trợ hiệu quả một cách tốt nhất cho họ để có thể mang những sản phẩm đặc sắc nhất của các vùng miền vào siêu thị”, ông Huy khẳng định.
Có thể thấy, việc đưa đặc sản vùng miền vào các chuỗi siêu thị hay TTTM sẽ không phải là bài toán quá khó và có thể dễ dàng hóa giải các nút thắt nếu có được sự đồng cảm, chia sẻ, liên kết chặt chẽ giữa nhà bán và nhà mua.
Trong vấn đề này, điều mà các DN, HTX mong muốn là cách thức chia sẻ doanh thu hay việc linh động chính sách của siêu thị và TTTM như thế nào để đôi bên cùng có lợi, không ai phải chịu thiệt là điều rất quan trọng.