Hòa giải cơ sở giúp giảm thiểu khiếu kiện ra tòa
Người dân ngày càng tin tưởng và lựa chọn sử dụng biện pháp hòa giải ở cơ sở trong giải quyết tranh chấp, mâu thuẫn thuộc phạm vi hòa giải. Đây là kết quả tích cực sau 6 năm triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở vừa được Bộ Tư pháp tổng kết.
Nhiều mô hình hay trong hòa giải
Theo báo cáo của Bộ Tư pháp, sau 6 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Cụ thể, tính đến 31/12/2019, chỉ tính riêng các vụ việc được tiếp nhận, thống kê, các tổ hòa giải ở cơ sở trên cả nước đã tiến hành hòa giải 875.573 vụ, việc, trong đó hòa giải thành 707.945 vụ, việc (đạt tỷ lệ 80,6%). Công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật nâng cao nhận thức về hòa giải ở cơ sở, Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành được quan tâm triển khai kịp thời, sâu rộng, hiệu quả. Quản lý Nhà nước về hòa giải ở cơ sở ngày càng đi vào chiều sâu, có trọng tâm, trọng điểm.
Các tổ hòa giải và đội ngũ hòa giải viên được kiện toàn và tăng cường cả về số lượng và chất lượng; một số mô hình điểm có hiệu quả được xây dựng và từng bước được nhân rộng. Hòa giải ở cơ sở ngày càng khẳng định vị trí, vai trò là một cơ chế giải quyết mâu thuẫn, tranh chấp rất nhân văn; được người dân quan tâm, sử dụng.
Theo Sở Tư pháp Hà Nội, đến nay, toàn TP có 5.427 tổ hòa giải với tổng số 34.390 hòa giải viên. Năm 2019, toàn TP tiếp nhận tổng số 5.063 vụ việc hòa giải (giảm 986 vụ việc so với năm 2018), đã tiến hành hòa giải thành 4.158/4.858 vụ việc, đạt tỷ lệ 85,6%. Nhiều mô hình hay trong công tác hòa giải ở cơ sở được thực hiện, đặc biệt là mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” đã phát huy hiệu quả tích cực. Nhận thức của cấp ủy, chính quyền đối với công tác hòa giải ở cơ sở đã có nhiều chuyển biến tích cực, nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương đã triển khai bài bản, sáng tạo, hiệu quả trong các công tác.
Trang bị kiến thức pháp luật cho hòa giải viên
Tại Diễn đàn thảo luận về hoàn thiện và thực thi pháp luật với chủ đề “Nâng cao hiệu quả hoạt động hòa giải tại Việt Nam” do Bộ Tư pháp phối hợp với Phái đoàn liên minh Châu Âu tại Việt Nam và Cơ quan phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tổ chức mới đây, Điều phối viên thường trú của Liên Hợp quốc tại Việt Nam Kamal Malhatra cho rằng, các hòa giải viên cần phải được đào tạo, trang bị kiến thức pháp luật, đồng thời, cần xây dựng nguyên tắc hòa giải để áp dụng thống nhất, hòa giải phải mang tính trung lập, minh bạch.
Trong khi đó, ông Pier Giorgio Aliberti - Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam nhận xét, hòa giải là một cơ chế giải quyết tranh chấp đã được thực hiện từ rất lâu và tiếp tục được phát triển hoàn thiện thể chế hóa trong pháp luật của nhiều quốc gia châu Âu và trên thế giới. Ở Việt Nam, hòa giải giúp tiếp cận công lý tốt hơn, thường được áp dụng và rất hiệu quả. Thông qua hòa giải, có thể tạo ra cơ chế cho các bên giải quyết tranh chấp thuận lợi hơn.
Theo Thứ trưởng Bộ Tư pháp Nguyễn Thanh Tịnh, tại một số địa phương, công tác hòa giải ở cơ sở còn chưa phát huy hiệu quả, đòi hỏi cần có giải pháp để phát huy hơn nữa công tác hòa giải. Qua đó, một mặt giữ được sự yên bình trong đời sống Nhân dân, ngăn ngừa các vi phạm pháp luật; mặt khác giảm thiểu thấp nhất đưa vụ việc tranh chấp trong cộng đồng dân cư ra giải quyết tại cơ quan hành chính Nhà nước hoặc phải thụ lý, giải quyết tại Tòa án.
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/hoa-giai-co-so-giup-giam-thieu-khieu-kien-ra-toa-387699.html