Hòa giải cơ sở ở Lâm Đồng ngày càng đi vào nề nếp
Tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thời gian qua đã đi vào nề nếp, ngày càng có hiệu quả, tỷ lệ hòa giải thành hàng năm tăng, góp phần giữ gìn sự đoàn kết, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Ngày 11/8, UBND tỉnh Lâm Đồng đã tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở và trao giải Hội thi “Hòa giải viên giỏi năm 2023”.
Theo báo cáo, thời gian qua, tỉnh Lâm Đồng đã ban hành nhiều văn bản, hướng dẫn thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở. Đồng thời, tỉnh đã triển khai Luật Hòa giải ở cơ sở bằng nhiều hình thức đa dạng, phong phú như: thường xuyên tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến cán bộ, công chức, nhân dân trên địa bàn, chú trọng đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số, người có hoàn cảnh khó khăn; tổ chức hội nghị tập huấn, triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở và kỹ năng, nghiệp vụ hòa giải…
Trong 10 năm qua, công tác biên soạn, phát hành tài liệu nghiệp vụ công tác hòa giải cơ sở được các cấp, các ngành trên địa bàn tỉnh quan tâm, triển khai. UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo, hướng dẫn xây dựng và nhân rộng mô hình điểm, cách làm hay trong công tác phổ biến, giáo duc pháp luật; hòa giải cơ sở; xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật, đặc biệt là mô hình tổ hòa giải điển hình tại địa phương để nhân rộng trên địa bàn tỉnh.
Hàng năm, UBND tỉnh giao Sở Tư pháp tiến hành kiểm tra công tác hòa giải ở cơ sở đối với các huyện thành phố trên địa bàn, qua đó kịp thời phát hiện, đánh giá những tồn tại, hạn chế và kiến nghị, đề xuất những biện pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện tại các cơ quan, đơn vị được kiểm tra.
Với sự tham gia, phối hợp của Ủy ban MTTQ các cấp, trong 10 năm qua công tác hòa giải ở cơ sở tại Lâm Đồng đã có nhiều chuyển biến tích cực. Hầu hết các thành viên tham gia MTTQ ở thôn, tổ dân phố là những người có uy tín với nhân dân, phát huy được khả năng cũng như uy tín của mình để giải quyết các tình huống hòa giải mang lại hiệu quả cao.
Hiện nay trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có 1.100 tổ hòa giải với 7.879 hòa giải viên; tổng số hòa giải viên đã tham gia bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ là 6.334 người. Trong 10 năm qua, tổng số vụ việc tiếp nhận 16.051 vụ; số vụ hòa giải thành 12.784 vụ (tỷ lệ 79,6%); số vụ việc hòa giải không thành 3.267 vụ, các nội dung chủ yếu liên quan đến đất đai, dân sự, hôn nhân gia đình, mâu thuẫn tại cơ sở…
Theo đánh giá, tổ chức và hoạt động hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng thời gian qua đã đi vào nề nếp, ngày càng có hiệu quả, tỷ lệ hòa giải thành hàng năm tăng, góp phần ngăn chặn kịp thời các mâu thuẫn phát sinh từ cơ sở, giữ gìn sự đoàn kết, gắn bó trong địa bàn dân cư, đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Tuy nhiên, công tác hòa giải ở cơ sở tại Lâm Đồng còn nhiều hạn chế. Cụ thể, sự phối hợp giữa một số ngành, địa phương trong công tác hòa giải cơ sở chưa thường xuyên chặt chẽ; đội ngũ cán bộ làm công tác hòa giải ở cơ sở chưa thật sự chủ động làm tốt vai trò tham mưu; khả năng cập nhật thông tin, văn bản pháp luật mới, kỹ năng tư vấn và thuyết phục còn hạn chế.
Bên cạnh đó, điều kiện nguồn lực để triển khai thực hiện công tác hòa giải ở cơ sở còn hạn chế; việc hướng dẫn các bên tranh chấp đề nghị tòa án ra quyết định công nhận kết quả hòa giải thành chưa đầy đủ.
Tại hội nghị, các địa phương, tổ hòa giải và hòa giải viên đã trình bày tham luận về khó khăn, vướng mắc trong triển khai thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở.
Dịp này, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã tặng bằng khen cho 18 tập thể, 29 cá nhân có thành tích xuất sắc trong 10 năm thực hiện Luật Hòa giải ở cơ sở.
Tại phần trao giải Hội thi “Hòa giải viên giỏi tỉnh Lâm Đồng năm 2023”, Ban tổ chức đã trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 6 giải khuyến khích. Trong đó, đội thi huyện Đức Trọng giành giải Nhất và được chọn để tham dự Vòng thi thứ nhất (Vòng thi khu vực của Hội thi Hòa giải viên giỏi toàn quốc lần thứ IV) tổ chức tại Khánh Hòa.