Hòa giải cơ sở - truyền thống văn hóa tốt đẹp của hai nước Việt - Lào

Đoàn công tác của Vụ Khuyến khích hệ thống Tư pháp (Bộ Tư pháp Lào) vừa kết thúc thành công chuyến thăm và làm việc tại Hà Nội. Chuyến thăm đã giúp hai bên cùng trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm quý, những mô hình hay trong việc triển khai công tác hòa giải ở cơ sở.

Theo Phó Vụ trưởng Vụ trưởng Vụ Khuyến khích hệ thống Tư pháp Lào Vị Kon Bun Vi Lay, cũng như Việt Nam, hòa giải cơ sở là truyền thống văn hóa tốt đẹp của Lào. Từ năm 1997, Chính phủ Lào đã giao cho Bộ Tư pháp Lào xây dựng văn bản hướng dẫn công tác hòa giải ở cơ sở. Đến nay, phía Lào muốn nâng văn bản hướng dẫn công tác hòa giải lên tầm Nghị định. Quá trình xây dựng, hoàn thiện Dự thảo Nghị định, Lào đã tổ chức các đoàn đi tham khảo, học tập kinh nghiệm triển khai công tác hòa giải ở các nước, trong đó có Việt Nam. Đặc biệt là kinh nghiệm triển khai công tác hòa giải cơ sở trên địa bàn TP Hà Nội - địa phương được đánh giá là luôn đi đầu, có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải cơ sở.

Thông tin với nước bạn, PGĐ Sở Tư pháp TP Hà Nội Hồ Xuân Hương cho biết, ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội luôn là điểm sáng của TP Hà Nội. Sự ổn định đó là nhờ sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự góp sức của các ban ngành, đoàn thể và toàn thể nhân dân trên địa bàn TP, trong đó có sự đóng góp tâm huyết của đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở.

Các buổi làm việc diễn ra trong không khí trang trọng, thân tình. Hai bên đã cùng nhau chia sẻ cởi mở các kinh nghiệm, cách làm hay trong công tác hòa giải (ảnh: T.Hải)

Các buổi làm việc diễn ra trong không khí trang trọng, thân tình. Hai bên đã cùng nhau chia sẻ cởi mở các kinh nghiệm, cách làm hay trong công tác hòa giải (ảnh: T.Hải)

Hiện TP Hà Nội có 5.444 tổ hòa giải, 7.920 tổ dân phố với 35.053 hòa giải viên, trong đó số hòa giải viên có trình độ chuyên môn Luật là 3.117 người (chiếm khoảng 8%). Số tổ hòa giải và số lượng hòa giải viên từ năm 2014-2018 đều ổn định. Trong những năm qua, đặc biệt là từ khi Luật Hòa giải ở cơ sở có hiệu lực thi hành, công tác tổ chức và hoạt động của các tổ hòa giải ở cơ sở trên địa bàn TP Hà Nội đã có nhiều chuyển biến tích cực. Vị trí, vai trò của các tổ hòa giải, hòa giải viên trong đời sống xã hội ngày càng được khẳng định và được đón nhận trong cộng đồng dân cư. Họ được ví như những người bắc nối nhịp cầu giữa Nhà nước và người dân bởi họ hòa giải thành công vụ việc thì giúp cho tình hình an ninh trật tự được giữ vững, tạo đà cho phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống người dân.

Chia sẻ về kinh nghiệm của Hà Nội, PGĐ Sở Tư pháp Hồ Xuân Hương cho biết, việc nâng cao kiến thức, kỹ năng nghiệp vụ hòa giải cho đội ngũ hòa giải viên cơ sở có vai trò rất quan trọng. Nhiều năm qua Hà Nội đã quan tâm bố trí kinh phí cho công tác này. Hòa giải viên được tiếp nhận trực tiếp nhiều tài liệu về pháp luật và nhiều cách thức để tìm hiểu pháp luật, được tích cực trao đổi, giao lưu, học hỏi kinh nghiệm qua nhiều diễn đàn như giao ban, hội thảo, hội nghị, cuộc thi... ở các cấp chính quyền. Đơn cử như năm 2019, Hà Nội hiện đang tổ chức cuộc thi Hòa giải viên giỏi, tạo sân chơi bổ ích để cho các hòa giải viên giao lưu, học hỏi kiến thức, kinh nghiệm, kỹ năng hòa giải.

TP cũng đã xây dựng được tiêu chí đánh giá công tác hòa giải ở cơ sở và tiêu chí đánh giá hòa giải viên tiêu biểu làm cơ sở cho việc khen thưởng, động viên đối với đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở.

Cũng theo PGĐ Sở Tư pháp Hà Nội Hồ Xuân Hương, trong năm 2019, Chính phủ Việt Nam có Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019 - 2022”, trên cơ sở quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt đề án này, Bộ Tư pháp xây dựng kế hoạch thực hiện đề án. Sở Tư pháp Hà Nội cũng đang tham mưu cho UBND TP về kế hoạch của Hà Nội nhằm nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên. Trong đề án này có nội dung cụ thể các công việc, từ cấp TP, đến quận huyện để nâng cao năng lực cho đội ngũ hòa giải viên.

Quá trình triển khai công tác hòa giải ở cơ sở, việc triển khai mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” cũng là một cách làm hay được Hà Nội chia sẻ với đoàn công tác của Lào. Với các tiêu chí cụ thể, rõ ràng, mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” đã góp phần tạo nên phong trào thi đua giữa các quận, huyện, thị xã và là động lực cho hòa giải viên tích cực thực hiện công tác hòa giải. Qua đó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động hòa giải ở cơ sở, bảo đảm tình hình an ninh trật tự trên địa bàn thôn, tổ dân phố, thúc đẩy phát triển kinh tế gia đình.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, đoàn công tác cũng đã đến nghe trực tiếp kinh nghiệm triển khai ở cơ sở với hai đại diện là quận Hoàn Kiếm và huyện Gia Lâm. Đây là hai quận, huyện có thành tích tốt trong việc triển khai công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn TP Hà Nội. Tại quận Hoàn Kiếm với đặc thù là dân cư đông, có nhiều khu phố cổ, phố cũ. Các mâu thuẫn trong nội dung nhân dân chủ yếu về sinh hoạt, nội bộ gia đình; mâu thuẫn về sử dụng diện tích đất, xây dựng, cơi nới cải tạo nhà ở giữa các hộ liền kề, trong cùng biển số nhà; về địa điểm kinh doanh đều có liên quan trực tiếp đến lợi ích của cá nhân. Các vụ việc hòa giải đòi hỏi rất nhiều công sức, thời gian của các hòa giải viên. Tuy nhiên với sự quan tâm của lãnh đạo quận và các phường trên địa bàn quận, công tác hòa giải của quận đã đạt nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ hòa giải thành của quận luôn đạt trên 85%, đặc biệt việc triển khai mô hình “Tổ hòa giải 5 tốt” của Hoàn Kiếm đạt 100%.

Còn với Gia Lâm, là địa phương trong quá trình đô thi hóa mạnh mẽ nên đi cùng với đó là nhiều trường hợp phải tiến hành thu hồi đất giải phóng mặt bằng với diện tích lớn để triển khai các dự án, công trình. Tuy nhiên nhờ có sự góp sức, tuyên truyền, vận động nhân dân của các tổ hòa giải, hòa giải viên, công tác giải phóng mặt bằng thực hiện rất thuận lợi.

Đoàn cũng đã được nghe các hòa giải viên chia sẻ về thực tiễn quá trình hòa giải, những bí quyết để hòa giải thành các vụ việc tranh chấp mâu thuẫn. “Từ những chia sẻ này đã giúp đoàn công tác có được cái nhìn khái phát về cách thức tổ chức, vận hành của hệ thống hòa giải ở cơ sở. Đồng thời có những kinh nghiệm thiết thực, hiệu quả có thể nghiên cứu, áp dụng triển khai tại Lào”, Phó Vụ trưởng Vụ Khuyến khích hệ thống Tư pháp Lào Vị Kon Bun Vi Lay cho biết.

Trong những năm qua, mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện Việt Nam - Lào không ngừng phát triển và đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực, trong đó có quan hệ hợp tác về pháp luật và tư pháp nói chung, giữa Bộ, ngành Tư pháp hai nước nói riêng.

Thanh Hải

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/hoa-giai-co-so-truyen-thong-van-hoa-tot-dep-cua-hai-nuoc-viet-lao-157028.html