Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là một chế định ưu việt để giải quyết tranh chấp, khiếu kiện
Chiều 19-11, tiếp tục chương trình làm việc, Quốc hội nghe Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình trình bày Tờ trình về dự án Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Tờ trình dự án luật do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao (TANDTC) Nguyễn Hòa Bình trình bày đã nhấn mạnh đến sự cần thiết ban hành dự án luật này. Theo đó, quá trình phát triển đất nước cũng như kinh nghiệm quốc tế cho thấy, hòa giải, đối thoại đóng vai trò đặc biệt quan trọng, là đòi hỏi của xã hội để giải quyết các tranh chấp phát sinh trong đời sống. Hòa giải thành, đối thoại thành giúp giải quyết triệt để, hiệu quả các tranh chấp mà không phải mở phiên tòa xét xử; kết quả hòa giải thành, đối thoại thành phần lớn được các bên tự nguyện thi hành; vụ việc không phải trải qua thủ tục sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm theo quy định của các luật tố tụng; tiết kiệm chi phí, thời gian, công sức của các bên liên quan và nhà nước; hạn chế tranh chấp, khiếu kiện kéo dài, gây bức xúc trong dư luận.
Theo Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình, số lượng các vụ việc Tòa án các cấp phải thụ lý tăng lên rất nhanh với quy mô lớn và tính chất phức tạp. Trong những năm gần đây, các vụ việc dân sự, hành chính được Tòa án các cấp thụ lý tăng trung bình hằng năm 9% so với cùng kỳ năm trước. Trong khi đó, biên chế phải cắt giảm. Có những địa bàn như TP Hồ Chí Minh, Hà Nội, Cần Thơ, Đà Nẵng..., mỗi Thẩm phán phải giải quyết số lượng vụ việc gấp 4 lần số lượng quy định, dẫn đến chậm trễ, tồn đọng.
Tình hình nêu trên đặt ra yêu cầu phải có những giải pháp căn cơ thúc đẩy nhanh và hiệu quả việc giải quyết yêu cầu của nhân dân. Hòa giải, đối thoại tại Tòa án là một chế định ưu việt đáp ứng được đòi hỏi trước mắt của tình hình và lâu dài của tiến trình cải cách tư pháp.
Chánh án TANDTC Nguyễn Hòa Bình cho biết, thực hiện Kết luận của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương, TANDTC đã triển khai thí điểm tại TAND TP Hải Phòng và 9 TAND cấp huyện của thành phố. Sau 6 tháng hoạt động thí điểm đã thành công, tỷ lệ hòa giải, đối thoại đạt 76,2%.
Từ thành công thí điểm tại Hải Phòng, tiếp tục thực hiện Kết luận của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp trung ương, TANDTC mở rộng thí điểm tại 16 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Sau gần 10 tháng thực hiện thí điểm, các trung tâm hòa giải, đối thoại tại 16 tỉnh, thành phố đã hòa giải, đối thoại thành được 36.985 vụ việc/47.493 vụ việc, đạt tỷ lệ 78,08%, được cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương đánh giá là mô hình mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, giải quyết hiệu quả những mâu thuẫn, tranh chấp phát sinh trong đời sống, xã hội, phù hợp với xu hướng giải quyết tranh chấp thông qua các biện pháp thay thế xét xử tại nhiều quốc gia trên thế giới.
Kết quả thí điểm đã khẳng định những giá trị mà phương thức giải quyết tranh chấp này mang lại, đặc biệt đây là phương thức ít tốn kém: Chi phí trung bình cho 1 vụ việc hòa giải thành, đối thoại thành là 1.200.000 đồng, chỉ chiếm 22% so với chi phí cho xét xử sơ thẩm 1 vụ việc dân sự, hành chính là 5.500.000 đồng; nếu vụ việc phải qua xét xử phúc thẩm, giám đốc thẩm và cưỡng chế thi hành án thì chi phí còn có thể tăng lên gấp nhiều lần.
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Nguyễn Hữu Chính (TP Hà Nội) khẳng định, hòa giải, đối thoại tại Tòa án là một phương pháp ưu việt, giảm bớt áp lực cho cán bộ ngành Tòa án, giảm kinh phí cũng như thời gian đi lại của người dân, đồng thời vẫn bảo đảm được quyền lợi của người dân.
Đáng chú ý, quy định về lệ phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án (Điều 7 dự thảo Luật) là nội dung còn có nhiều ý kiến khác nhau, được các đại biểu quan tâm, thảo luận.
Theo Tờ trình, TANDTC đề nghị Nhà nước bảo đảm kinh phí cho công tác này, do đó không quy định về phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án trong dự thảo Luật.
Qua thảo luận về nội dung này, các đại biểu cơ bản thống nhất cho rằng, cơ chế hòa giải, đối thoại tại Tòa án có nhiều ưu điểm, song đây là phương thức giải quyết tranh chấp mới nên cần có thời gian để đi vào cuộc sống phát huy hiệu quả và cần khuyến khích người dân lựa chọn, do đó trước mắt chưa quy định thu phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án là phù hợp.
Tuy nhiên, có thể cân nhắc quy định thu một khoản phí đối với 2 trường hợp: Pháp nhân nộp đơn khởi kiện các vụ tranh chấp dân sự, kinh doanh, thương mại, lao động, hành chính; Cá nhân nộp đơn khởi kiện yêu cầu giải quyết tranh chấp kinh doanh, thương mại.
Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Đào Tú Hoa (TP Hà Nội) cũng nhận định, kết quả hòa giải, đối thoại thành được các bên tự nguyện thi hành giúp tiết kiệm được khoản chi phí lớn mà hằng năm ngân sách phải đầu tư cho công tác xét xử, công tác thi hành án dân sự và tiết kiệm chi phí của xã hội. Vì đây là phương thức giải quyết tranh chấp mới nên cần có thời gian để đi vào cuộc sống nên chưa quy định thu phí hòa giải, đối thoại tại Tòa án.
Đại biểu khẳng định không hề có chuyện chi phí chồng chi phí khi người dân lựa chọn phương pháp này. Theo dự thảo luật, toàn bộ chi phí sẽ được Nhà nước bảo đảm. Đặc biệt, cơ chế này sẽ rất minh bạch và ngăn chặn việc lợi dụng quy định của pháp luật để trục lợi hay phát sinh thêm chi phí cho người dân.