Hóa giải mâu thuẫn, gắn kết cộng đồng

Nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân, kịp thời giải quyết mâu thuẫn phát sinh trong cộng đồng dân cư, hạn chế đơn thư khiếu kiện vượt cấp, góp phần giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ngay từ cơ sở là những kết quả tích cực của công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh. Hơn 80% số vụ việc được hòa giải thành công ngay từ cơ sở có ý nghĩa quan trọng trong việc xây dựng khối đoàn kết cộng đồng bền vững.

Thành viên Tổ hòa giải Tổ dân phố Đông Hòa 1, phường Đồng Tâm (Vĩnh Yên) gặp gỡ, nắm bắt tâm tư người dân trên địa bàn. Ảnh: Trà Hương

Thành viên Tổ hòa giải Tổ dân phố Đông Hòa 1, phường Đồng Tâm (Vĩnh Yên) gặp gỡ, nắm bắt tâm tư người dân trên địa bàn. Ảnh: Trà Hương

Trong 5 năm trở lại đây, phường Đồng Tâm (Vĩnh Yên) không có đơn thư khiếu nại tố cáo. Những phản ánh, kiến nghị của nhân dân đều được giải quyết thấu tình đạt lý, tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Có được kết quả trên là do Đảng ủy, UBND phường luôn quan tâm làm tốt công tác hòa giải ở cơ sở, kịp thời giải quyết các mâu thuẫn từ khi mới phát sinh.

Điển hình như: Vụ việc mâu thuẫn do tranh chấp đất đai của gia đình ông Phan Văn M và bà Vũ Thị H ở tổ dân phố Đông Hòa 1. Không ít lần 2 gia đình xảy ra xô xát, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự công cộng, rạn nứt tình làng nghĩa xóm.

Nắm bắt được tình hình, các thành viên của tổ hòa giải Đông Hòa 1 phối hợp với công chức tư pháp xã tìm hiểu tình hình thực tế, lắng nghe tâm tư của 2 gia đình, phân tích rõ đúng, sai sự việc.

Nhờ đó, mâu thuẫn đã được hòa giải, hai gia đình đều nhận thức được việc làm của mình ảnh hưởng đến sự đoàn kết chung của tổ dân phố và cam kết sẽ không tái phạm.

Chị Nguyễn Thị Hồng Sáu, Tổ trưởng Tổ hòa giải Đông Hòa 1 cho biết: “Để làm tốt công tác hòa giải, các thành viên trong tổ tự tìm hiểu thêm các văn bản pháp luật liên quan đến các sự việc thường gặp như Luật Hôn nhân và Gia đình, Luật Đất đai... để tuyên truyền, giải thích cho nhân dân.

Bên cạnh đó, tổ mời cán bộ tư pháp đến tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho nhân dân trong các cuộc họp. Từ đó, nâng cao nhận thức pháp luật cho nhân dân, nhằm hạn chế các tranh chấp dân sự ở địa bàn”.

Hiện nay, toàn tỉnh có gần 1.300 tổ hòa giải ở các thôn với gần 7.000 hòa giải viên. Những hòa giải viên là người có uy tín, hiểu biết về pháp luật.

Khi khu dân cư xảy ra mâu thuẫn, tranh chấp, tổ hòa giải đến tìm hiểu nguyên nhân, lắng nghe chia sẻ của các bên, sau đó tổ chức họp bàn và đưa ra phương án giải quyết phù hợp.

Nếu có trường hợp thắc mắc, hòa giải viên sẽ giải thích, hướng dẫn cặn kẽ để các bên hiểu và tự giải quyết trước sự chứng kiến của tổ hòa giải.

Trong 6 tháng đầu năm 2022, các tổ hòa giải thực hiện hòa giải 715 vụ việc, hòa giải thành là 582 vụ việc, đạt trên 81%.

Qua đó, hỗ trợ đắc lực cho chính quyền địa phương quản lý nhà nước xã hội bằng pháp luật, hạn chế tranh chấp, mâu thuẫn trong nhân dân, hạn chế đơn thư, khiếu nại chuyển đến các cơ quan có thẩm quyền, tiết kiệm thời gian và kinh phí của cơ quan nhà nước và công dân.

Thực tiễn cho thấy, việc phát huy tốt vai trò của lực lượng hòa giải viên cơ sở là điểm mấu chốt giúp “hóa giải” các mâu thuẫn, tranh chấp trong cộng đồng dân cư.

Bám sát phương châm “Giải quyết dứt điểm từ cơ sở”, công tác hòa giải tại các địa phương đã góp phần làm giảm các vụ vi phạm pháp luật liên quan đến lĩnh vực dân sự, hôn nhân gia đình, đất đai, hành chính… đồng thời, hạn chế đơn thư, khiếu nại vượt cấp.

Cùng với việc nâng cao kỹ năng cho đội ngũ hòa giải viên, các cấp, các ngành đã thường xuyên phối hợp, lồng ghép công tác hòa giải ở cơ sở với các phong trào tại cộng đồng dân cư. Gắn công tác hòa giải với nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội và giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Một số địa phương chưa nhận thức sâu sắc tầm quan trọng của công tác hòa giải ở cơ sở nên thiếu sự quan tâm lãnh, chỉ đạo, sự đầu tư kinh phí cho công tác hòa giải ở cơ sở, chưa thực hiện tốt công tác quản lý nhà nước về hòa giải.

Việc trang bị kiến thức pháp luật và kỹ năng nghiệp vụ cần thiết cho hòa giải viên để thực hiện nhiệm vụ chưa được thường xuyên, chưa phủ rộng đến từng đối tượng hòa giải viên, chủ yếu mới đến Tổ trưởng tổ hòa giải, còn nhiều hòa giải viên hạn chế về kiến thức pháp luật, kỹ năng hòa giải...

Tiếp tục thực hiện có hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở, góp phần đảm bảo an ninh trật tự, hằng năm, UBND tỉnh ban hành kế hoạch triển khai công tác hòa giải ở cơ sở, xây dựng cấp xã đạt chuẩn tiếp cận pháp luật trên địa bàn tỉnh.

Trong đó, tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy Đảng, quản lý, điều hành của chính quyền, sự phối hợp thực hiện của MTTQ và các đoàn thể đối với công tác hòa giải ở cơ sở.

Chủ động rà soát, củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở. Tiếp tục triển khai và tổ chức tổng kết việc thực hiện Đề án “Nâng cao năng lực đội ngũ hòa giải viên ở cơ sở giai đoạn 2019-2022”.

Kịp thời biểu dương, khen thưởng để các hòa giải viên luôn cố gắng nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ, góp phần giảm thiểu các vụ, việc tranh chấp, khiếu nại, đảm bảo trật tự, an toàn xã hội.

Thu Nhàn

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/phap-luat/83052/hoa-giai-mau-thuan-gan-ket-cong-dong.html