Hóa giải nỗi sợ sai: Chuyện người 'suýt' ngồi tù vì dám làm tổng thầu

'Tôi có 12 thằng bạn thân, toàn chủ tịch, tổng giám đốc, lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước, nhưng đi tù cả. Làm lãnh đạo, được nhà nước giao quản lý tài sản lớn, nếu tham lam thì sớm muộn cũng bị cách chức hoặc vào tù. Tuy nhiên, nếu đổi mới, dám nghĩ, dám làm mà không có người bảo vệ thì cũng sẽ gặp rủi ro.

Như tôi, cũng chỉ vì tiên phong làm tổng thầu mà “suýt” gặp “họa””, ông Phạm Hùng, nguyên Tổng Giám đốc “quả đấm thép” Lilama một thời trò chuyện với Tiền Phong xoay quanh câu chuyện khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung.

Ông Phạm Hùng kể: Sự kiện Lilama được giao làm tổng thầu EPC ở dự án nhà máy Nhiệt điện Uông Bí vào năm 2003, với trị giá 270 triệu USD là chuyện “hiếm”, chưa từng có. Thời điểm đó, hầu hết các dự án lớn trong nước, tổng thầu đều là nước ngoài. Lợi nhuận mà tổng thầu nước ngoài thu được là rất lớn. Họ nhận rồi thuê các doanh nghiệp Việt Nam làm trên sân nhà, “rất đau”. Vậy nên tôi quyết tâm hiện thực hóa giấc mơ làm tổng thầu. Khi chúng tôi được giao làm tổng thầu EPC, một tờ báo ở nước ngoài đã vẽ biếm họa cái xe bò kéo, trên đó là cái nóc của xe Ipha, tức là vỏ Ipha nhưng động cơ phụ tùng chỉ là bò kéo. Họ viết: “Việt Nam đang sử dụng Lilama để tiến vào công nghiệp hóa, hiện đại hóa”. Họ coi thường mình, nghĩ mình không làm được hoặc cũng có thể họ không muốn mình làm được tổng thầu.

“Không tham ô, tiêu cực thì sẽ được bảo vệ”

- Cũng vì sự tiên phong đó mà nghe nói Lilama bị kết luận sai phạm, còn bản thân ông bị đồn “có khi đi tù”. Chuyện này thực hư thế nào, thưa ông?

Ông Phạm Hùng, nguyên Tổng Giám đốc Lilama (Ảnh: nhân vật cung cấp).

Ông Phạm Hùng, nguyên Tổng Giám đốc Lilama (Ảnh: nhân vật cung cấp).

Ông Phạm Hùng: Đúng là cũng vì “cái lần đầu tiên” đó ở dự án Nhiệt điện Uông Bí mà Lilama và tôi gặp biến cố. Đỉnh điểm là kết luận của Thanh tra Chính phủ (tháng 5/2005) về Lilama, trong đó chỉ ra những việc làm trái các quy định của Nhà nước trong thực hiện dự án Nhiệt điện Uông Bí. Từ kết quả kiểm tra các chứng từ tài chính, các hợp đồng với thầu phụ, với tổng chi phí 210 triệu USD, trong khi hợp đồng là 270 triệu USD..., người ta suy ra Lilama có dấu hiệu “rút ruột” đến 60 triệu USD.

“Đổi mới, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm thường là những việc chưa có quy định. Cho nên khi thanh tra, kiểm tra, kiểm toán… vào cuộc thì phải nhìn vào kết quả của đổi mới, sáng tạo như tiết kiệm tiền bạc, tiết kiệm thời gian, mở ra một hướng đi mới…, chứ cứ “soi” vào quy trình, rồi kết luận làm sai, “làm trái” thì sẽ rất khó cho những người dám đổi mới, đột phá” - ông Phạm Hùng.

Khi kết luận thanh tra ban hành, báo chí đăng tải, điện thoại tôi “cháy máy”. Người hỏi han, người động viên, còn người thân thì vừa nói, vừa khóc, cứ như tôi sắp bị bắt đến nơi rồi. Tôi liên tục động viên mọi người cứ yên tâm làm việc, mình thực hiện đúng, không tham ô, tiêu cực thì không có gì phải sợ.

Tiếp đó, tôi kiên trì tranh luận, giải thích với các đơn vị, các cấp có thẩm quyền. Bởi đây là lần đầu tiên doanh nghiệp Việt Nam làm tổng thầu nên các quy định của pháp luật thời đó chưa có. Thực tế, dự án làm trong 3 năm và bảo hành 2 năm, nên 210 triệu USD là chưa tính chi phí bảo hành. Chúng tôi yêu cầu các cấp có thẩm quyền xem quy định đối với tổng thầu nước ngoài thực hiện như thế nào thì áp dụng với chúng tôi như thế. Tuy nhiên, Thanh tra Chính phủ không chấp thuận.

- Kết luận của Thanh tra Chính phủ phải căn cứ vào các quy định của pháp luật. Vậy vì sao các ông lại được bảo vệ trước kết luận đó?

Khi đó hết sức “căng”. Tôi liên tục bị đồn “xử lý”, “bị bắt”. Rất may, trước nhiều ý kiến khác nhau, Thủ tướng Phan Văn Khải đã chủ trì một cuộc họp có sự tham dự của các phó thủ tướng, đại diện Thanh tra Chính phủ và Lilama. Đây là cơ hội để Lilama giải thích. Cuộc họp diễn ra căng thẳng. Trong khi Thanh tra Chính phủ kiên trì bảo vệ kết luận của mình theo đúng quy định của pháp luật thì tôi giải thích rõ ràng cách thức thực hiện, cũng như quy định của pháp luật chưa có - vì đây là lần đầu tiên doanh nghiệp Việt Nam làm tổng thầu. Tôi khẳng định, không có chuyện thất thoát, tiêu cực. Những quy định trên thế giới về tổng thầu và thực tiễn đang áp dụng đối với các tổng thầu của nước ngoài ở Việt Nam cũng được tôi nêu ra…

Cuối cùng, Thủ tướng Phan Văn Khải kết luận… và Lilama thở phào nhẹ nhõm. Mấy ngày sau, báo chí đồng loạt đăng tải kết luận của Thủ tướng về việc thanh tra Lilama với nội dung: Dự án Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí mở rộng, Thanh tra Chính phủ chưa phát hiện có tiêu cực, tham nhũng. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Tổng công ty Điện lực Việt Nam và Lilama cần tập trung tối đa mọi nguồn lực, khả năng để khẩn trương hoàn thành dự án, đảm bảo đưa nhà máy vào vận hành theo đúng tiến độ…

Một thời gian sau, dự án hoàn thành đưa vào hoạt động, còn tôi thì được Chủ tịch nước tặng Huân chương Độc lập hạng Ba, trong đó có việc đi tiên phong làm tổng thầu EPC ở dự án Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí. Từ cái “lần đầu tiên” đó, Lilama tiếp tục tiến lên và trở thành tổng thầu của hàng loạt các đại dự án hàng trăm triệu đến tỷ USD. Thậm chí như dự án nhiệt điện Nhơn Trạch 2, giá mà Lilama thực hiện còn thấp hơn hẳn 100 triệu USD so với các tổng thầu ngoại.

Có người đi tù cũng vì dễ dãi, tin vào tham mưu, giúp việc

- Có thật là ông không tiêu cực không? Thời đó doanh nghiệp nhà nước ngồi trên “đống tiền”, dư luận đồn ký hợp đồng toàn trăm triệu USD, tỷ USD, mà không có %, nghe hơi lạ?

Khi đó người ta cũng đồn, làm gì không có chuyện “phết phẩy”. Dự án trăm triệu, tỷ USD chỉ cần “ăn” 0,5% thôi là đã có hàng triệu USD rồi. Tuy nhiên, tôi không làm việc đó. Khi ký kết hợp đồng, thực hiện các dự án, không bao giờ có việc tôi yêu cầu % này, % kia, không hề.

Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí (Ảnh: nhietdienuongbi.com.vn).

Nhà máy Nhiệt điện Uông Bí (Ảnh: nhietdienuongbi.com.vn).

Tôi có 12 thằng bạn thân, toàn chủ tịch, tổng giám đốc các doanh nghiệp nhà nước, nhưng đi tù cả. Làm lãnh đạo doanh nghiệp nhà nước thời đó quản lý nhiều tiền lắm, nếu không có khát vọng, không đặt lợi ích chung lên trên hết, không kiềm chế lòng tham thì sớm muộn cũng hỏng, cũng vào tù. Tôi nói thật, Tết nhất, cán bộ, nhân viên, các đơn vị đến biếu chai rượu tôi vẫn nhận. Cái đó như là văn hóa (cười). Nhưng tuyệt nhiên tôi không bao giờ yêu cầu phải đưa %, đưa hối lộ. Bổ nhiệm cán bộ cũng thế, không có chuyện “chạy”, ai làm được sẽ được bổ nhiệm. Tôi nhớ, khi tôi đi mua một ô tô cho công ty, đơn vị bán hàng hỏi “anh muốn viết hóa đơn bao nhiêu”? Tôi nói giá thế nào thì viết đúng như thế. Người bán hàng nhìn tôi vô cùng ngạc nhiên.

- Nhắc chuyện bổ nhiệm cán bộ, nghe nói ông cũng được bổ nhiệm theo kiểu “nhảy cóc”?

Đúng là tôi được bổ nhiệm “nhảy cóc” thật. Khi đang làm lãnh đạo ở Công ty lắp máy 45-1, tôi được kéo ra Hà Nội, bổ nhiệm làm tổng giám đốc mà không kinh qua vị trí phó tổng. Cấp trên bổ nhiệm tôi hoàn toàn dựa trên những kết quả, thành tích khi làm lãnh đạo ở đơn vị cũ.

Hóa ra ông cũng được bổ nhiệm “thần tốc” đấy chứ.

(Cười): Khi tôi được bổ nhiệm cũng có rất nhiều phản ánh, phản đối, xì xào. Nhiều người ở tổng công ty cũng không đồng ý, vì tôi đang là cấp dưới “bỗng dưng” trở thành cấp trên của bao người. Tuy nhiên, chỉ sau hai năm ngồi ở chiếc ghế tổng giám đốc, bằng những hiệu quả đo đếm được từ công việc, tôi đã thuyết phục được hết mọi người.

Tôi nghĩ công tác cán bộ là việc vô cùng quan trọng. Lựa chọn cán bộ phải lựa chọn theo thành tích, kết quả. Phải lựa chọn được những người thực sự có tầm, có tâm. Có những người bạn của tôi vào tù cũng chỉ vì những sai lầm trong lựa chọn cán bộ. Họ quá tin vào đội ngũ tham mưu, giúp việc, thành thử dẫn đến sai phạm không thể cứu nổi.

Phải bảo vệ những người dám làm, dám đột phá

- Theo ông, điều quan trọng nhất trong việc khuyến khích, bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám đột phá vì lợi ích chung là gì?

Khi thực hiện các đột phá, thử nghiệm mang tính đầu tiên thì trước hết người thực hiện phải làm bằng cái tâm, khát vọng trong sáng, không tham ô, tham nhũng, tiêu cực thì gặp vướng mắc chắc chắn sẽ được bảo vệ; còn tham lam, tiêu cực thì chẳng ai bảo vệ nổi.

Thứ hai, đã nói đột phá, dám nghĩ, dám làm là nói đến hành động mà pháp luật chưa có quy định. Vì chưa có nên những người đứng đầu các cấp cũng phải có tinh thần, trách nhiệm trong việc bảo vệ người dám nghĩ, dám làm. Khi chúng tôi gặp rủi ro trong lần đầu tiên làm tổng thầu, rất may, lãnh đạo Chính phủ thấu hiểu, bảo vệ những điều mới mẻ.

Hiện nay, do quy định của pháp luật chưa hoàn thiện, dẫn đến việc đúng quy trình nhưng không chắc đã đúng với đòi hỏi của thực tiễn; đúng với luật này nhưng lại xung đột với luật kia; chưa kể, khi làm thì thực hiện theo luật này, nhưng khi các cơ quan chức năng vào cuộc lại căn cứ vào quy định khác, dẫn đến nhiều rủi ro. Cho nên cần phải sớm hoàn thiện, khắc phục những vướng mắc giữa các quy định để mọi người an tâm trong việc thực hiện, không còn tâm lý sợ sai, sợ rủi ro.

- Xin cảm ơn ông!

(Còn nữa)

Văn Kiên

Nguồn Tiền Phong: https://tienphong.vn/hoa-giai-noi-so-sai-chuyen-nguoi-suyt-ngoi-tu-vi-dam-lam-tong-thau-post1527900.tpo