Hòa giải ở cơ sở kịp thời giải tỏa những mâu thuẫn trong cộng đồng dân cư

Thời gian qua, các cấp, các ngành luôn quan tâm củng cố, kiện toàn, phát huy vai trò công tác hòa giải ở cơ sở, nhằm kịp thời giải quyết những mâu thuẫn nảy sinh trong cộng đồng dân cư, giữ gìn tình đoàn kết, bảo đảm an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật của người dân trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng.

Trong cái nắng nóng của những ngày tháng 3, chúng tôi có dịp trở lại ấp Tân Hội, xã Tân Thạnh, huyện Long Phú (Sóc Trăng) tìm hiểu về công tác hòa giải ở cơ sở của ấp. Mỗi năm, ấp tiếp nhận hòa giải từ 2 - 3 vụ việc, nhưng tất cả các vụ việc đều hòa giải thành, không cần chuyển ra tòa án. Phần lớn các vụ việc tranh chấp, mâu thuẫn trong ấp liên quan đến đất đai trong thân tộc và hôn nhân gia đình.

Như trường hợp của ông N.V.V, ngụ ấp Tân Hội, xã Tân Thạnh phát sinh tranh chấp phần đất của cha mẹ để lại giữa các anh chị trong gia đình. Anh V và các anh chị trong gia đình không ngồi lại với nhau để giải quyết ổn thỏa, mâu thuẫn đẩy lên đỉnh điểm dẫn đến đánh nhau gây mất an ninh trật tự ở địa phương. Thấy vậy, Tổ hòa giải ấp Tân Hội đến nhà giải thích, phân tích, thấy có tình, có lý, anh em trong gia đình của anh V tự nguyện phân chia lại đất đai của cha mẹ để lại, từ đó chấm dứt tranh chấp mà không phải khởi kiện ra tòa làm mất thời gian, tiền bạc.

Đồng chí Nguyễn Thị Chín - Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Nhân dân ấp Tân Hội, xã Tân Thạnh, huyện Long Phú (Sóc Trăng) (bìa phải) và các thành viên trong tổ hòa giải ấp luôn đi sâu, đi sát để kịp thời giải quyết các mâu thuẫn trong dân. Ảnh: K.N

Đồng chí Nguyễn Thị Chín - Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Nhân dân ấp Tân Hội, xã Tân Thạnh, huyện Long Phú (Sóc Trăng) (bìa phải) và các thành viên trong tổ hòa giải ấp luôn đi sâu, đi sát để kịp thời giải quyết các mâu thuẫn trong dân. Ảnh: K.N

Sau nhiều năm gắn bó với công tác hòa giải cơ sở, đồng chí Nguyễn Thị Chín - Bí thư Chi bộ, Trưởng Ban Nhân dân ấp Tân Hội chia sẻ: “Để đạt được kết quả đó, Tổ hòa giải ấp Tân Hội luôn nâng cao chất lượng tổ hòa giải cơ sở, nhiệt tình trong từng vụ việc, đoàn kết các thành viên. Mặt khác, để đi đến thành công trong hòa giải, tổ trưởng và thành viên Tổ hòa giải ấp là những người có uy tín trong cộng đồng, có hiểu biết về pháp luật, có tâm huyết thực hiện công tác hòa giải và được nhân dân tín nhiệm. Hàng năm, tổ trưởng và các tổ viên đều tham gia các buổi tập huấn về kỹ năng, bồi dưỡng nghiệp vụ hòa giải ở cơ sở. Tổ trưởng và các thành viên trong tổ hòa giải của ấp luôn biết vận dụng linh hoạt lúc nào phải thiên về tình, lúc nào phải thiên về lý nên luôn được sự ủng hộ và tin tưởng của bà con nhân dân trong ấp”.

Theo đồng chí Lê Thị Thúy Vi - Trưởng Phòng Phổ biến, Giáo dục pháp luật, Sở Tư pháp, để tiếp tục nâng cao chất lượng công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh, ngày 23-9-2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng đã ban hành Chỉ thị số 05-CT/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác hòa giải ở cơ sở. Chỉ thị của Tỉnh ủy yêu cầu các cấp ủy đảng, chính quyền, mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác hòa giải ở cơ sở. Chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo củng cố, kiện toàn, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ hòa giải, phấn đấu hàng năm có 95% tổ hòa giải được củng cố, kiện toàn, tỷ lệ hòa giải thành đạt từ 85% trở lên; duy trì và nhân rộng mô hình bí thư chi bộ ấp, khóm đồng thời là tổ trưởng tổ hòa giải. Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội các cấp đẩy mạnh tuyên truyền, vận động đoàn viên, hội viên và nhân dân chấp hành các quy định của pháp luật về hòa giải ở cơ sở, giải quyết các mâu thuẫn, tranh chấp bằng biện pháp hòa giải; chú trọng thực hiện có hiệu quả công tác dân vận trong hoạt động hòa giải ở cơ sở, lồng ghép hoạt động hòa giải ở cơ sở với các cuộc vận động và phong trào thi đua ở khu dân cư. Tăng cường huy động các tổ chức thành viên và vận động người có uy tín, các chức sắc tôn giáo, người có trình độ pháp lý, kiến thức xã hội, đại diện các cơ quan, tổ chức liên quan... tham gia hoạt động hòa giải ở cơ sở.

Trong năm qua, toàn tỉnh đã tiếp nhận hòa giải trên 2.200 vụ việc, đưa ra hòa giải thành là 1.839 vụ việc, đạt tỷ lệ 83,6%. Riêng 3 tháng đầu năm 2022, các tổ hòa giải trên địa bàn tỉnh tiếp nhận 562 vụ việc, đưa ra hòa giải thành 473 vụ việc, đạt tỷ lệ 84,2%.

Đồng chí Phạm Tuân - Giám đốc Sở Tư pháp cho biết: “Trong thời gian tới, tỉnh Sóc Trăng sẽ tiếp tục thực hiện hiệu quả Luật Hòa giải ở cơ sở và các văn bản hướng dẫn thi hành và triển khai thực hiện các nhiệm vụ được giao tại Kế hoạch số 156/KH-UBND, ngày 1-11-2021 của UBND tỉnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TU của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Sóc Trăng về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Sóc Trăng. Đồng thời, tiếp tục nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở để kịp thời giải tỏa các mâu thuẫn, tranh chấp tại cộng đồng dân cư gắn với áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng và việc tòa án công nhận kết quả hòa giải thành ngoài tòa án. Thường xuyên rà soát, củng cố, kiện toàn mạng lưới tổ hòa giải và đội ngũ hòa giải viên gắn với bồi dưỡng nâng cao năng lực, phát huy đầy đủ vai trò của công tác hòa giải ở cơ sở”.

K.N

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/phap-luat-ban-doc/hoa-giai-o-co-so-kip-thoi-giai-toa-nhung-mau-thuan-trong-cong-dong-dan-cu-55734.html