Hóa giải thách thức đô thị hóa

Để quá trình đô thị hóa diễn ra đúng kịch bản đi kèm với đó phải là các vấn đề môi trường cần được đề cập đầy đủ và có sự quan tâm đúng mức trong quy hoạch xây dựng đô thị.

“Ngày Đô thị hóa thế giới” cũng được hiểu là “Ngày quy hoạch đô thị thế giới”, đã được công nhận rộng rãi trên phạm vi toàn cầu, với mục tiêu chung là để tôn vinh vai trò của công tác quy hoạch và phát triển đô thị, nhằm tạo nên những đô thị hiện đại, văn minh, giàu bản sắc và phát triển bền vững. Tại Việt Nam, Ngày Đô thị Việt Nam (8/11) hàng năm đã được lựa chọn để tôn vinh sự nghiệp quy hoạch và phát triển đô thị trên phạm vi cả nước, tạo sự quan tâm chung của toàn xã hội đối với công tác quy hoạch và phát triển đô thị.

Quá trình đô thị hóa đặt ra nhiều thách thức cho công tác quy hoạch

Quá trình đô thị hóa đặt ra nhiều thách thức cho công tác quy hoạch

Khi quá trình đô thị hóa nhanh

Nhìn lại chặng đường phát triển 20 năm gần đây, hệ thống đô thị nước ta đã có nhiều chuyển biến tích cực, tỷ lệ đô thị hóa tăng từ 23,7% năm 1999 lên 38,4% năm 2018. Đô thị hóa tăng nhanh ở khu vực các đô thị lớn, lan tỏa và phân bố đồng đều hơn trên phạm vi cả nước. Mạng lưới đô thị quốc gia được phân loại, phân cấp. Nhiều đô thị cũ được cải tạo, nâng cấp, phát triển mở rộng cả về quy mô đất đai, dân số, lẫn đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội.

Số liệu của Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho thấy, hiện cả nước có 833 đô thị, bao gồm 2 đô thị đặc biệt, 20 đô thị loại I, 29 đô thị loại II, 45 đô thị loại III, 85 đô thị loại IV và 652 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa Việt Nam dự kiến sẽ vượt mốc 40% vào năm 2020.

Tăng trưởng kinh tế khu vực đô thị trung bình đạt từ 12 - 15%, cao hơn từ 2 - 2,5 lần so với mặt bằng chung của cả nước. Khu vực đô thị tiếp tục khẳng định vai trò tạo động lực phát triển kinh tế của cả nước, tạo ra hàng triệu việc làm cho người lao động, góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy kinh tế cả nước phát triển.

Bà Trần Thị Lan Anh, Phó Cục trưởng Cục Phát triển đô thị - Tổng thư ký Diễn đàn Đô thị Việt Nam (VUF) nhấn mạnh, đô thị hóa đang từng bước gắn kết với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đồng thời là nhân tố then chốt quyết định thành công của quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao năng suất và phát triển kinh tế - xã hội của các vùng và cả nước. Bởi khu vực đô thị đang đóng vai trò trung tâm thúc đẩy phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, văn hóa, nghệ thuật, giáo dục, đào tạo và y tế; từng bước tạo nên sự phát triển hài hòa giữa các khu vực, góp phần giải quyết các vấn đề nông nghiệp, nông dân và nông thôn.

Bên cạnh các thành tựu đạt được, quá trình đô thị hóa cũng làm nảy sinh nhiều thách thức như: Hệ thống đô thị phát triển chưa hài hòa, chưa đồng bộ giữa số lượng, quy mô diện tích và chất lượng; chưa đảm bảo khả năng liên kết trong từng đô thị, giữa các đô thị và giữa khu vực đô thị với khu vực nông thôn; diện tích đô thị mở rộng nhanh song tình trạng sử dụng đất đô thị chưa hiệu quả; dẫn đến hệ quả năng lực hệ thống hạ tầng chưa đáp ứng nhu cầu của người dân và các hoạt động kinh tế; năng lực và tư duy quản lý đô thị chưa theo kịp tốc độ đô thị hóa...

Nguyên nhân của tình trạng nêu trên là do việc chưa đồng bộ công cụ quản lý phát triển đô thị. Quy hoạch đô thị chưa đồng bộ, chưa gắn kết với quy hoạch vùng, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, kế hoạch đầu tư, chưa khai thác hiệu quả các nguồn lực từ đất đai. Mô hình chính quyền đô thị chưa phù hợp, tổ chức bộ máy chưa đáp ứng yêu cầu và đặc trưng của đô thị... Thêm nữa, bối cảnh gia tăng cạnh tranh quốc tế và biến đổi khí hậu có thể khiến các tồn tại, hạn chế nêu trên trở nên khó khăn hơn, đại diện Cục Phát triển đô thị lý giải.

Tiến tới hóa giải thách thức

Thị trường bất động sản cũng như đô thị Việt Nam trong những năm tới còn dư địa rất lớn. Hiện nay, đô thị hóa của Việt Nam mới đạt 38,4%, trong khi Chiến lược phát triển đô thị Việt Nam giai đoạn 2021-2030 đặt mục tiêu tỷ lệ đô thị hóa toàn quốc sẽ đạt từ 50-52%, với ít nhất 3 đô thị đạt chuẩn đô thị quốc tế.

Theo định hướng được Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo, nhiều thành phố của Việt Nam đang tập trung xây dựng đô thị thông minh. Để phát triển theo hướng này, Việt Nam mong muốn các nhà đầu tư quan tâm xây dựng, phát triển các khu đô thị thông minh, tòa nhà thông minh nhằm phục vụ tốt hơn cho người dân...

Để quá trình đô thị hóa diễn ra đúng kịch bản (đạt từ 50-52%) đi kèm với đó phải là các vấn đề môi trường cần được đề cập đầy đủ và có sự quan tâm đúng mức trong quy hoạch xây dựng đô thị. Ngoài việc quy hoạch sử dụng đất và phân khu chức năng, thì vấn đề cơ sở hạ tầng kỹ thuật đô thị, như hệ thống thoát nước, thu gom và xử lý rác, xử lý nước thải, giảm ô nhiễm không khí và tiếng ồn... cần được lồng ghép, chú ý, đặc biệt coi trọng việc triển khai thực hiện trên thực tế. Trong đó đặt trọng tâm vào công tác quản lý quy hoạch xây dựng là bước tiếp theo và cụ thể hóa của công tác lập quy hoạch xây dựng đô thị - yếu tố then chốt trong xây dựng các đô thị bền vững và hòa hợp với môi trường, chuyên gia đề xuất.

Phương Linh

Nguồn TBNH: http://thoibaonganhang.vn/hoa-giai-thach-thuc-do-thi-hoa-94825.html