'Hóa giải' thách thức trong xây dựng, phát triển đô thị di sản thông minh
Với những nguồn lực sẵn có, Ninh Bình lựa chọn con đường phát triển trở thành đô thị với tính chất là Đô thị di sản thiên niên kỷ bao chứa cả Thành phố di sản thế giới và Thành phố sáng tạo, tựa vào Quần thể danh thắng Tràng An về kinh tế và du lịch. Việc cần làm là thực hiện đồng bộ các giải pháp để tận dụng những cơ hội, vượt qua các thách thức, góp phần đưa Ninh Bình vững bước xây dựng Đô thị di sản thiên niên kỷ, vừa bảo tồn các giá trị bền vững của di sản, vừa mang tính văn minh, hiện đại.
Nhiều yếu tố thuận lợi
Trong bối cảnh của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, các quốc gia phát triển đã chuyển sang chiến lược xây dựng các đô thị thông minh (ĐTTM) theo định hướng tăng trưởng xanh và phát triển bền vững.
Ở nước ta, chủ trương xây dựng và phát triển ĐTTM đã được xác định tại các nghị quyết của Đảng như: Nghị quyết số 52, ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; Nghị quyết số 06, ngày 24/01/2022 của Bộ Chính trị về Quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.
Ở tỉnh ta, Quy hoạch tỉnh Ninh Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã xác định :"Đến năm 2035, tỉnh Ninh Bình trở thành thành phố trực thuộc Trung ương với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo; một trung tâm lớn, có giá trị thương hiệu cao về du lịch, công nghiệp văn hóa, kinh tế di sản của cả nước và khu vực châu Á-Thái Bình Dương".
Trên thực tế, Ninh Bình hiện sở hữu những điều kiện và cơ hội để xây dựng mô hình đô thị di sản thông minh; đầu tiên phải kể đến là bề dày lịch sử. Sử sách còn lưu lại, thị thành Hoa Lư tuy chỉ có hơn 4 thập kỷ xây dựng nhưng đã khẳng định được diện mạo một đô thị với số lượng lớn dân cư phi nông nghiệp và chuyển hẳn sang sản xuất, trao đổi hàng hóa, hoạt động dịch vụ.
Các tuyến giao thông, giao thương thủy bộ được mở mang và khai thác đồng bộ, hiệu quả. Các khu cư trú của cư dân phi nông nghiệp đã xuất hiện đồng loạt dọc theo các dòng sông, bến bãi. Cơ sở hạ tầng đô thị, chợ, cảng thị, cảng sông, cảng biển… ngày một dày thêm, thuyền buôn Trung Quốc, Chămpa và một số nước trong khu vực Đông Nam Á vào ra tấp nập.
Hoa Lư thực sự trở thành đô thị buôn bán trao đổi trong tiểu vùng, trong toàn vùng châu Giao, châu Ái, trong nước và với các nước trong khu vực khá sôi động, đánh dấu một bước phát triển chưa từng có của đô thị Việt Nam trung đại ở những thập kỷ cuối thế kỷ X đầu thế kỷ XI.
Trong suốt mấy nghìn năm dựng nước, giữ nước của dân tộc, vùng đất Ninh Bình luôn là địa bàn chiến lược, ghi dấu những cuộc trường chinh vào Nam ra Bắc để bảo vệ độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ. Ninh Bình cũng là nơi tiếp nối giao lưu kinh tế và văn hóa giữa lưu vực sông Hồng với lưu vực sông Mã, giữa vùng đồng bằng Bắc Bộ với vùng núi rừng Tây Bắc của Tổ quốc.
Ngoài những giá trị to lớn về văn hóa, Ninh Bình còn có cảnh quan thiên nhiên phong phú, độc đáo và hấp dẫn như: Danh thắng Tràng An, Tam Cốc-Bích Động, Vườn Quốc gia Cúc Phương, khu Bảo tồn thiên nhiên đất ngập nước Vân Long,…
So với các tỉnh đồng bằng sông Hồng, Ninh Bình là tỉnh có diện tích rừng lớn, đặc biệt phải kể tới rừng nguyên sinh Cúc Phương thuộc loại rừng nhiệt đới điển hình, động thực vật đa dạng, phong phú. Xây dựng Ninh Bình trở thành đô thị di sản thông minh hoàn toàn dựa trên cơ sở vị trí chiến lược quan trọng, tài nguyên thiên nhiên đa dạng.
Thách thức và "lời giải"
Trên thực tế cho đến nay, mặc dù đã có sự vào cuộc của các bộ, ngành trong hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách cho phát triển đô thị thông minh, song nhìn chung hệ thống văn bản quy phạm pháp luật và hệ thống các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan của nước ta còn chưa đồng bộ. Trong khi đó, việc xây dựng và phát triển đô thị di sản thông minh cần thiết phải dựa trên một hành lang pháp lý đồng bộ và có hiệu quả.
Mặt khác, xây dựng và phát triển ĐTTM, nhất là đô thị di sản thông minh như Ninh Bình, phải dựa trên một hệ thống hạ tầng kỹ thuật đô thị bảo đảm, trong đó đặc biệt là vấn đề quy hoạch. Phần lớn các địa phương trên cả nước gặp phải tình trạng đang tập trung nhiều cho dịch vụ đô thị thông minh mà chưa quan tâm đến phát triển hạ tầng kỹ thuật đô thị như: vấn đề quy hoạch, hạ tầng giao thông, hạ tầng số... Xây dựng và phát triển đô thị di sản đòi hỏi phải có hệ thống hạ tầng dữ liệu thông tin đầy đủ, tích hợp, đồng bộ và chia sẻ.
Ngoài việc ứng dụng công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo vào quản lý, bảo tồn phát huy di sản, cần quan tâm đến chiến lược phát triển dữ liệu, quan tâm xây dựng hệ thống định danh, định vị. Việc chia sẻ dữ liệu, đặc biệt trong quản lý cư dân đô thị cần phải được quan tâm.
Từ những vấn đề nêu trên có thể nhận thấy, "lời giải" ở đây chính là cần phải tập trung phát triển cơ sở hạ tầng cho chính quyền điện tử, đồng bộ hạ tầng thông tin dữ liệu đô thị, hạ tầng số; công nghệ chính là yếu tố quan trọng nhất của việc xây dựng đô thị di sản thông minh. Theo các chuyên gia trong lĩnh vực đô thị, đô thị di sản thông minh liên kết các kết cấu cơ sở hạ tầng kỹ thuật, công nghệ thông tin, cơ sở hạ tầng xã hội để chính quyền thực hiện chức năng quản lý và điều hành của mình hiệu quả và thống nhất trong tất cả các lĩnh vực.
Hệ thống hạ tầng thông tin đô thị di sản thông minh cần phải được kết nối, chia sẻ giữa các cấp chính quyền, giữa các ngành, lĩnh vực tại địa phương để phục vụ cho mục tiêu phát triển ĐTTM. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về lợi ích phải đi đôi với phát triển đô thị di sản thông minh, phải nâng cao trình độ công nghệ thông tin của người dân.
Hạ tầng CNTT có hiện đại nhưng người dân không biết, không đủ khả năng khai thác thì việc xây dựng và phát triển đô thị di sản thông minh cũng không thể thực hiện được. Bản thân mỗi người dân vừa là chủ thể tham gia xây dựng, vừa là đối tượng thụ hưởng của kết quả sau khi xây dựng đô thị thông minh thành công, do đó, mỗi người dân cần nhận thức rõ về vai trò của bản thân trong quá trình này.
Xây dựng và phát triển đô thị di sản thông minh phải được thể hiện trong các đồ án quy hoạch xây dựng và các chương trình, đề án, dự án phát triển đô thị. Các vấn đề đặt ra khi phát triển đô thị có thể kể đến như sự gia tăng dân số, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường, ngập lụt…
Điều này gây áp lực lên chính địa phương, làm sao để vừa phát triển đô thị, vừa bảo vệ được các di sản, do đó cần có các quy chế, quy chuẩn phát triển đô thị di sản thông minh bền vững, trong đó đặc biệt quan tâm đến các kết cấu hạ tầng về giao thông, kiến trúc đô thị… Xây dựng và phát triển đô thị di sản thông minh cũng đòi hỏi đô thị đó cần phải có một nền kinh tế thông minh, trong đó kinh tế số phải được ưu tiên phát triển.
Đồng thời việc xây dựng và phát triển đô thị di sản thông minh cần đặt song song với liên kết vùng, liên kết khu vực nhằm phát triển lợi thế của Ninh Bình, vùng đồng bằng sông Hồng.