Hoa hậu bị 'gọi tên' trong vụ bán dâm 30.000 USD chính thức mời luật sư
Hai ngày qua, vô tình bị 'gọi tên' trong vụ mua bán dâm 30.000USD khiến cô gái này buộc phải mời luật sư vào cuộc nhằm xử lý những người đưa tin sai sự thật.
Cụ thể, chiều 12/7, Cục Cảnh sát hình sự (C02), Bộ Công an phối hợp với lực lượng Công an TP.HCM và Công an quận 1 bất ngờ ập vào khách sạn 4 sao trên đường Tôn Đức Thắng (quận 1), bắt quả tang 3 người mẫu bán dâm cho 3 đại gia giá từ 18.000 - 30.000 USD. Một trong 3 cô gái bị bắt quả tang được giới thiệu là một Hoa hậu người Việt tại Australia.
Ngay sau khi thông tin được chia sẻ rộng rãi, trên mạng xã hội, nhiều người cho rằng người đẹp được nhắc đến chính là richkid nổi tiếng trong showbiz. Lập tức trang cá nhân của người đẹp này đã bị cư dân mạng "soi" và tấn công dữ dội.
Kèm theo đó, dưới phần comment bài đăng và trên nhiều diễn đàn mạng xã hội rất nhiều người để lại "dấu hỏi" về việc "mất tích" này của Hoa hậu 9X, đồng thời bày tỏ thái độ mỉa mai, dùng từ khiếm nhã dành cho cô.
Nhưng vấn đề ở đây là, chưa có một nguồn tin nào xác nhận hoa hậu này chính là một trong các cô gái bị phát hiện bán dâm. Sau hai ngày dư luận ồn ào, cô gái đã lần đầu lên tiếng trên trang cá nhân về sự việc. Theo đó, người đẹp khẳng định luật sư riêng của cô sẽ làm việc với những nguồn đăng tin sai sự thật.
Liên quan đến vấn đề này, luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng luật sư Chính Pháp (Đoàn luật sư Hà Nội) cho biết nếu cơ quan chức năng chỉ xử lý hành chính về hành vi mua bán dâm thì người mua dâm và người bán dâm sẽ không bị công khai danh tính. Chỉ có cơ quan tố tụng mới có quyền công khai danh tính người mua dâm - bán dâm nếu hành vi còn có vi phạm khác đến mức xử lý hình sự (mua dâm người dưới 16 tuổi, giao cấu với người dưới 16 tuổi ...) hoặc khi xét xử công khai, tuyên truyền pháp luật....
Còn trong trường hợp chỉ xử phạt hành chính về hành vi mua dâm và hành vi bán dâm thì pháp luật Việt Nam hiện nay quy định không công khai danh tính người mua dâm và người bán dâm. Đây là quyền tự do cá nhân của mỗi công dân.
Việc công khai danh tính cá nhân của người mua dâm và người bán dâm không chỉ ảnh hưởng đến cá nhân của họ mà có thể ảnh hưởng đến cả gia đình, bạn bè, người thân... Nếu thông tin về việc mua bán dâm không chính xác hoặc có ác ý thì hậu quả rất tai hại...
Với thông tin hiện tại, cơ quan chức năng điều tra nhưng chưa có kết luận chính thức thì tất cả thông tin đều là suy luận xã hội.
Với động thái mời luật sư làm việc rõ với những thông tin sai sự thật, Luật sư Cường giải thích về các mức xử lý. Anh cho biết: "Trường hợp người thực sự có liên quan đến vụ mua – bán dâm là một người khác không phải cô gái kia thì người đưa tin sai sự thật sẽ bị xử phạt hành chính. Theo Nghị định số 15/2020/NĐ-CP quy định hành vi vi phạm hành chính, hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả, thẩm quyền lập biên bản và thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực: Bưu chính, viễn thông, tần số vô tuyến điện, công nghệ thông tin (gồm phát triển công nghiệp công nghệ thông tin; đầu tư, mua sắm; an toàn thông tin mạng; chống thư rác, tin nhắn rác; mạng xã hội, trang thông tin điện tử, trò chơi điện tử trên mạng, trò chơi điện tử công cộng) và giao dịch điện tử.
Theo Điều 101 của Nghị định này, hành vi cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân sẽ bị phạt từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng".
Ngoài ra, luật sư Cường nhấn mạnh: "Còn trong trường hợp người đưa tin biết rõ sự thật mà vẫn cố tình đưa tin sai nhằm mục đích xúc phạm danh dự, nhân phẩm thì có thể truy cứu hình sự về tội vu khống".